(QBĐT) - Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, vẫn còn đó những phòng truyền thống được các gia đình nâng niu để giữ gìn “sợi dây” kết nối giữa quá khứ và hiện tại, góp phần trao truyền các giá trị gốc rễ của gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Âm thầm, lặng lẽ, nhưng lại vô cùng ý nghĩa, từng kỷ vật trong không gian này chính là minh chứng cho mạch nguồn truyền thống các gia đình không bao giờ vơi cạn.
Dẫn chúng tôi lên căn phòng nhỏ ở tầng 2, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, con gái đầu của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan không giấu nổi sự xúc động. Bởi với bà, mỗi lần tìm đến kho tư liệu của người ba kính yêu, thì những kỷ niệm năm xưa lại ùa về như chưa bao giờ phai nhạt. Trong căn nhà của người em trai nằm trong lòng TP. Đồng Hới, bà đã dành nhiều tâm sức, xây dựng một không gian nhỏ để lưu giữ nhiều kỷ vật trong suốt cuộc đời của ba mình.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ, mong muốn của bà trước hết là để hiểu rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian truân của ba, tiếp đó là giúp các thế hệ con cháu trong nhà và bà con thấu hiểu tình yêu, tâm huyết của ba dành cho quê hương, đất nước, cho cách mạng.
![]() |
Chính vì vậy, dù chỉ gói gọn trong căn phòng nhỏ, nhưng các kỷ vật rất phong phú, đa dạng. Từ các tài liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan, các bức ảnh quý ông chụp cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho đến các bằng khen, thành tích của ông. Đặc biệt, không thể không nhắc đến những cuốn nhật ký của ông với một trang viết đúng ngày diễn ra sự kiện Bác Hồ về thăm Quảng Bình cách đây gần 70 năm.
Một tư liệu quý nữa chính là những trang viết mà bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp dành cho ông với sự tin tưởng, yêu thương, ghi nhận công lao đóng góp của ông cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương. Ngoài ra, còn có các tư liệu khác về từng thành viên trong gia đình cố Bí thư Tỉnh ủy, nhất là các bức ảnh đi cùng năm tháng, thậm chí có bức với tuổi đời hơn cả nửa thế kỷ.
Với kinh nghiệm làm công tác thư viện lâu năm, bà có cách thức sắp xếp khoa học, hệ thống để ai cũng có thể đến và tìm hiểu. Mỗi khi có dịp trò chuyện với các cháu, bà đều mở các kỷ vật này để kể chuyện về quá khứ hào hùng đó. Cứ như vậy, truyền thống hiếu học, trọn đời cho cách mạng, một lòng theo Đảng của gia đình bà tiếp tục được trao truyền.
“Mới đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Thủ đô Hà Nội đã liên hệ với tôi để tìm hiểu về các kỷ vật của ba tôi, nhất là những lần ông vinh dự được gặp Bác Hồ và ngỏ ý sưu tầm một số tư liệu. Tôi rất vui khi những nỗ lực của mình trong việc gìn giữ di sản của ba đã được ghi nhận và mong muốn các tư liệu quý sẽ tiếp tục được lan tỏa đến nhiều người hơn, góp phần hiểu rõ một giai đoạn lịch sử oai hùng của đất nước”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết..
Tại tầng 3 của căn nhà mình tại phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tri Phương cùng vợ mình Nguyễn Thị Kim Ba cũng xây dựng một căn phòng truyền thống gia đình. Ông bà chia sẻ, căn phòng chính là nơi lưu giữ các thành tích nổi bật của những thế hệ trong gia đình, qua đó, nhắc nhở thế hệ sau phải không ngừng rèn luyện, cố gắng hơn nữa.
Dẫn chúng tôi lên thăm căn phòng truyền thống, bà Nguyễn Thị Kim Ba giới thiệu về từng bức ảnh minh chứng cho cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, gian khó của cả hai vợ chồng bà. Cùng với đó là thành tích học tập, công tác nổi bật của các con, cháu. Tất cả đều được liệt kê đầy đủ, không chỉ bằng hình ảnh mà còn cả số liệu, ghi chú cụ thể cho từng tư liệu, minh chứng cho sự chỉn chu, tỉ mẩn của ông bà trong quá trình xây dựng phòng truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Kim Ba chia sẻ thêm, mỗi lần con cháu về quây quần, căn phòng là điểm hẹn không thể thiếu để cùng thêm ý chí, vững nghị lực tiếp nối những thành tích đã đạt được của đại gia đình. Đó không phải là “gánh nặng”, hay “lực cản” thành tích mà chính là động lực mạnh mẽ, thôi thúc thế hệ sau tiếp tục vươn lên, nỗ lực hơn nữa để tiếp bước cha ông đi trước.
|
Còn với ông Nguyễn Xô Viết (cán bộ nghỉ hưu tại phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới), căn phòng truyền thống lại chính là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm của gia đình. Ngay từ khi hai con trai còn nhỏ, ông đã cẩn thận giữ từng tờ giấy khen thành tích của các con, từ tấm giấy khen cấp 1, cấp 2, cấp 3, đại học, cho đến các thành tích khen thưởng khác nhau. Ông Nguyễn Xô Viết chia sẻ, không gian này góp phần gìn giữ và tiếp nối truyền thống hiếu học của gia đình ông từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các con ông hiện đã trưởng thành và lại tiếp tục giữ vững truyền thống hiếu học này đến các cháu. Những lần các cháu về thăm quê hay có khách đến chơi nhà, ông đều giới thiệu về căn phòng truyền thống của gia đình để tinh thần hiếu học lan tỏa mãi.
Mặc dù các gia đình rất nỗ lực, nhưng chắc chắn cách thức lưu trữ thô sơ, điều kiện bảo quản hạn chế sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến tuổi thọ các tư liệu, nhất là các kỷ vật quý. Do đó, trước mắt, cần những tư vấn, hỗ trợ kịp thời để bảo tồn bền vững nguồn tư liệu từ dân gian. |
Có cơ hội đến nhiều nước trên thế giới, ông luôn tìm tòi đồ lưu niệm, tiền xu… và nhất là chụp những bức ảnh ấn tượng để lưu giữ. Đến quốc gia nào, ông cũng đều in một album ảnh để kỷ niệm. Các bức ảnh của đại gia đình cũng được ông treo nhiều trong phòng truyền thống, minh chứng cho tình yêu thương, sự gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình. Từ đó, mỗi lần các thành viên trở về là thêm một lần về giữa yêu thương.
Dù với mục đích xây dựng như thế nào, sự khác nhau giữa các tư liệu trưng bày ra sao, nhưng các phòng truyền thống gia đình đều hướng đến mục tiêu trao truyền các giá trị tinh thần thiêng liêng, vô giá của thế hệ trước cho lớp trẻ đi sau, nhất là tình yêu quê hương, đất nước, “ngọn lửa” hiếu học, tình yêu thương, gắn kết gia đình… Còn với các nhà nghiên cứu, đây cũng chính là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về người và đất Quảng Bình qua nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử. Do đó, rất cần những cách tiếp cận phù hợp để các kỷ vật không bị lãng quên.
Mai Nhân