Xây dựng mô hình sinh kế cho người khuyết tật

  • 06:01, 13/01/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Cách đây 3 năm, Tổ chức bánh mỳ cho thế giới (BROT), UBND huyện Bố Trạch và Hội vì sự phát triển của Người khuyết tật (AEPD) tỉnh triển khai dự án “Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến người khuyết tật (NKT), giai đoạn 1”. Thông qua dự án, nhiều NKT và người thân ở thôn 4 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) được hỗ trợ xây dựng mô hình trồng hoa cúc để vươn lên giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Dự án “Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến NKT, giai đoạn 1” triển khai tại xã Hưng Trạch, Phúc Trạch và Liên Trạch (Bố Trạch) với tổng vốn tài trợ gần 19 tỷ đồng, thực hiện trên 5 lĩnh vực, gồm: Nâng cao nhận thức và thực hành của người dân trong phòng ngừa rủi ro thiên tai; phát triển các sinh kế chống chịu biến đổi khí hậu thân thiện môi trường; nâng cao năng lực của các đội xung kích giảm thiểu rủi ro thiên tai; nâng cao năng lực của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã; trang thiết bị phục vụ phòng ngừa và ứng phó với rủi ro thiên tai.

Qua 3 năm triển khai, dự án tập huấn cho hơn 200 người với các nội dung, như: Theo dõi, cập nhật tình hình thiên tai, bảo vệ tài sản, dự trữ thuốc men, lương thực, khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất… Nhờ đó, người dân có những thay đổi lớn trong nhận thức và chủ động hơn trong phòng ngừa rủi ro thiên tai.

Dự án “Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến người khuyết tật, giai đoạn 1” đã giúp nhiều hộ dân thôn 4 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch có thu nhập cao hơn.
Dự án “Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến người khuyết tật, giai đoạn 1” đã giúp nhiều hộ dân thôn 4 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch có thu nhập cao hơn.

Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ cho 80 hộ gia đình, chủ yếu là các hộ có NKT và dễ bị tổn thương với mức 3 triệu đồng/hộ nhằm phát triển mô hình trồng hoa cúc, chăn nuôi, góp phần tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình. Anh Nguyễn Văn Vinh (SN 1987), ở thôn 4 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch, NKT do tai nạn bom mìn từ năm 2013 tâm sự: “Ngày bị tai nạn rồi mất đi cánh tay phải, tôi tưởng cuộc đời mình sẽ khép lại trong chuỗi tháng ngày buồn. Nhưng rồi, dự án “Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến NKT, giai đoạn 1” hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế, tôi đã có thu nhập ổn định bằng nghề trồng hoa. Nhờ đó, tôi đã lập gia đình và ổn định cuộc sống”. 

Năm 2022, dự án “Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến NKT, giai đoạn 1” hỗ trợ cho anh Vinh và bà con trong thôn tham gia lớp tập huấn trồng hoa và thành lập tổ hợp tác (THT) trồng hoa với 20 hộ dân. Mỗi hộ dân nhận hỗ trợ vốn ban đầu khoảng 3 triệu đồng và giống cây hoa cúc để canh tác trên diện tích 200m2/hộ, chủ yếu là trồng hoa cúc để phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Mới bắt tay vào trồng, dù gặp nhiều khó khăn, như: Thời tiết, sâu bệnh… nhưng bà con nhận được sự hướng dẫn tận tình từ các cán bộ dự án, cán bộ xã. Từ đó, các thành viên trong THT sản xuất hoa đúng quy trình kỹ thuật, cho năng suất và hiệu quả cao.

Vụ hoa đầu tiên đã mang lại hiệu quả vượt ngoài mong đợi. Lợi nhuận mỗi sào trồng hoa đạt hơn 15 triệu đồng, cao gấp gần 9 lần so với trồng ngô hay lạc. Nhận thấy hiệu quả tích cực này, địa phương khuyến khích bà con thôn 4 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch tiếp tục mở rộng quy mô trồng hoa.

Đến năm 2023, số hộ tham gia trồng hoa trong thôn tăng từ 20 hộ lên 33 hộ với diện tích canh tác tăng từ 0,4ha lên 1,3ha, mang lại thu nhập ổn định và cải thiện đời sống cho hàng chục hộ dân trong thôn. Qua 3 năm thực hiện, mô hình trồng hoa không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, thời gian nhàn rỗi, làm đẹp thêm cảnh quan cho quê hương di sản.

Anh Nguyễn Văn Vinh đang chăm sóc vườn hoa.
Anh Nguyễn Văn Vinh đang chăm sóc vườn hoa.

Mục tiêu của dự án “Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến NKT, giai đoạn 1” không chỉ hướng đến là NKT mà còn hỗ trợ, giúp đỡ cả cộng đồng để NKT cùng nhau hòa nhập, lao động sản xuất, tạo ra của cải, làm chủ kinh tế gia đình. Ông Nguyễn Văn Hiền ở thôn 4 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch cho hay: “Phúc Trạch là xã miền núi, thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, đời sống bà con chủ yếu dựa vào nông nghiệp, cây trồng chính là lạc và ngô. Tuy nhiên, thu nhập từ những cây trồng này khá thấp, trung bình mỗi sào lạc sau khi trừ chi phí chỉ còn khoảng 1,9 triệu đồng. Nhưng từ khi dự án hỗ trợ trồng hoa cúc, thu nhập của bản thân tôi và bà con đã tăng lên”.

Trưởng thôn 4 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch Nguyễn Thuận chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống của bà con trong thôn chủ yếu là trồng lạc, ngô rồi đến mùa đông thì bỏ đất trống. Nhưng từ khi trồng hoa, bà con ai cũng phấn khởi vì có thu nhập cao hơn, lại tận dụng được thời gian nhàn rỗi, đất nông nghiệp. Hoa trồng xong bán vào dịp Tết Nguyên đán rất được giá nên thu nhập người dân tăng cao gấp 6-9 lần, dịp Tết đến nhà ai cũng vui vẻ, phấn khởi. Tôi thấy việc trồng hoa rất phù hợp, lại mang lại giá trị kinh tế cao cho NKT và những người yếu thế trong cộng đồng. Tôi mong rằng, dự án tiếp tục được triển khai để có thêm nhiều hộ dân phát triển thêm các mô hình sinh kế khác”…

Bà Nguyễn Thị Phương Hảo, Quản lý dự án “Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến NKT, giai đoạn 1” cho biết: “Dự án đã hỗ trợ các hộ gia đình, chủ yếu là các hộ có NKT và dễ bị tổn thương phát triển chăn nuôi và trồng hoa cúc. Phần lớn các hộ gia đình đã thực hiện tốt tiêu chí thân thiện môi trường, phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Từ những kết quả đã đạt được, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nhà tài trợ để tiếp tục triển khai dự án, mở rộng đối tượng, địa phương được hưởng lợi”...

Xuân Vương

tin liên quan

Các cấp Hội Phụ nữ ra mắt 191 mô hình bảo vệ môi trường
Các cấp Hội Phụ nữ ra mắt 191 mô hình bảo vệ môi trường
(QBĐT) - Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Hồng Hà, một trong những hoạt động nổi bật của phong trào phụ nữ và hoạt động hội năm 2024 là cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch".
 
Không nên "dự trữ"!
Không nên "dự trữ"!

(QBĐT) - Còn 2 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng mẹ chồng tôi đã mua một số thực phẩm tươi sống để dự trữ! 

"Điểm tựa" kiên cố cho người dân vùng lũ
"Điểm tựa" kiên cố cho người dân vùng lũ

(QBĐT) - Những công trình nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và đối tác chiến lược của BIDV tài trợ cho các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ tại Quảng Bình đã phát huy tính năng hữu ích, thực sự trở thành thiết chế văn hóa cộng đồng của nhân dân.