(QBĐT) - Sáng nay, hai vợ chồng Đinh Xuân Nam, Cao Thị Tuyết ở bản Mò O Ồ Ồ dậy thật sớm, chồng bảo vợ lo bữa ăn nhanh, kịp ra bản Yên Hợp cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh làm công tác chuẩn bị cho phiên chợ Tết lần đầu tiên được tổ chức cho đồng bào Rục, Sách xã Thượng Hóa (Minh Hóa). “Nghe chợ Tết về bản, vợ chồng và các con vui cái bụng. Tết năm nay, nhà nhà sẽ đón Tết sum vầy, đầm ấm hơn”, gặp tôi trên đường, Đinh Xuân Nam nụ cười tươi rói, trải lòng.
Để đồng bào ai cũng có Tết
Gọi chính xác, đây là “Phiên chợ 0 đồng”, một hoạt động do Ban Nữ công, Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) tỉnh chủ trì và kết nối tổ chức. Nhưng riêng cá nhân tôi vẫn thích cái tên “chợ Tết cho đồng bào vùng cao”. Đã 5 mùa xuân qua, chợ Tết vùng cao tổ chức xuyên suốt dọc một vùng biên viễn, từ xã Kim Thủy (Lệ Thủy) đến Trường Sơn (Quảng Ninh), Thượng Trạch (Bố Trạch), Lâm Hóa (Tuyên Hóa) và Xuân Ất Tỵ 2025 này, chợ Tết đến với đồng bào Rục, Sách ở 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa.
Theo chị Phạm Thị Diệu Minh, Trưởng ban Nữ công, Đài PT-TH tỉnh: Sở dĩ chọn 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ tổ chức “Phiên chợ 0 đồng” vì hơn 200 hộ đồng bào Rục, Sách nơi đây cuộc sống hiện tại vẫn còn rất nhiều khó khăn, cần sự chia sẻ của cộng đồng để chăm lo cho bà con một cái Tết đầm ấm, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chợ Tết cho đồng bào năm nay có quy mô rất lớn, huy động 60 tổ chức, cá nhân đồng hành với 48 gian hàng có tổng trị giá trên 790 triệu đồng. Mỗi hộ đồng bào Rục, Sách đi chợ Tết sẽ được phát phiếu mua hàng bình quân hơn 2,3 triệu đồng.
![]() |
Để chợ Tết thành công, phải nhắc đến vai trò quan trọng của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cà Xèng.Thượng tá Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Đồn BP Cà Xèng cho biết: Đơn vị phối hợp với Đảng ủy, UBND xã Thượng Hóa và cấp ủy, chính quyền 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ làm tốt công tác chuẩn bị, từ khảo sát lập danh sách các hộ nghèo toàn xã; tìm hiểu kỹ nhu cầu các mặt hàng, nhu yếu phẩm, giống cây, con phù hợp với đồng bào đến lựa chọn địa điểm tổ chức chương trình ở khu vực gần gũi với thiên nhiên, dùng vật liệu xây dựng sân khấu, cổng chào, các gian hàng như mây, tre, nứa, lá cọ, lá cây đoác… sẵn có, không gây ô nhiễm môi trường; đồng thời huy động cán bộ, chiến sĩ cùng bà con dân bản kịp hoàn thành khu vực diễn ra phiên chợ, sân khấu, cổng chào, banner ghi tên các nhà đồng hành, nhà tài trợ và 48 gian hàng bán sản phẩm...
Ban Chỉ huy đơn vị còn cùng cấp ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận các bản thống nhất bình chọn 81 hộ nghèo nhận quà Tết tại phiên chợ; tặng mô hình sinh kế cho 5 hộ dân, tặng 20 suất quà cho học sinh nghèo học giỏi; tặng vé xe cho 10 sinh viên đang học ở Hà Nội, Đà Nẵng, Huế về quê ăn Tết...
Phiên chợ Tết đặc biệt
Gọi là phiên chợ Tết đặc biệt vì được tổ chức trong một không gian, thời gian và khí hậu, thời tiết rất đặc biệt. Suốt quá trình diễn ra phiên chợ, trời mưa tầm tã. Người bán, người mua phải đội mưa để tiến hành các hoạt động mua bán. Khu vực chợ Tết phút chốc ngập đầy bùn.
Đặc biệt, vì tôi chứng kiến đồng bào Rục, Sách đến với phiên chợ Tết với sự háo hức, tò mò, hỏi nhau mua được những gì, sắm được những gì cho Tết? Trẻ con hồn nhiên rủ nhau tới các gian hàng thực phẩm bán đồ ăn ngay, vừa nhận gói bánh, gói kẹo ngon, vừa đưa tay gạt mưa trên mặt, mắt lấp loáng nụ cười hạnh phúc.
Trung tá Hoàng Công Hùng, Đồn trưởng Đồn BP Cà Xèng chia sẻ: “Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị rất vui, hạnh phúc khi đồng hành cùng các đơn vị, nhà hảo tâm tổ chức thành công "Phiên chợ 0 đồng" cho đồng bào Rục, Sách xã Thượng Hóa, mang trọn yêu thương, mang Tết ấm đến với bà con”. |
Đang đảo một vòng quanh chợ, tôi gặp lại hai vợ chồng Đinh Xuân Nam, Cao Thị Tuyết hồi sáng, thấy trên vai ai cũng vác một bao tải đầy hàng. Vui chuyện, Đinh Xuân Nam khoe: “Mua nhiều lắm, mà vẫn chưa hết phiếu đi chợ. Vợ sắm vật dụng thường ngày trong nhà từ gói xà phòng, dầu gội đến nước mắm, mì chính, dầu ăn... Còn mình mua nếp trắng để gói bánh chưng, mua thêm bánh trái, gói mứt, gói trà thơm thắp hương mấy ngày Tết”.
Cũng như vợ chồng Đinh Xuân Nam, Cao Thị Tuyết, đồng bào Rục, Sách đến phiên chợ Tết với một tâm thế “sắm những gì chưa có, mua những thứ mình cần” vì tại phiên chợ Tết có sẵn tất cả mọi thứ bà con cần. Bà Hồ Thị Hiền ở bản Mò O Ồ Ồ sau khi đi một vòng quanh chợ, bao tải trên lưng đã đầy hàng hóa, nhu yếu phẩm, vẫn đứng tần ngần trước gian hàng bán giống cây, con.
Bà bảo: “Hàng hóa sắm mấy rồi dùng cũng hết. Giờ muốn mua ít giống cây ăn quả, con lợn con về thả chuồng... là bền vững nhất”. Nghe ước mơ của bà, tôi chợt ấm lòng. Mấy chục năm sống định canh định cư tại 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, người Rục, Sách xã Thượng Hóa thực sự đã thay đổi nếp tư duy, dần tự chủ trong lao động, sản xuất, chăm lo cái ăn, cái mặc hàng ngày.
Kết thúc phiên chợ, đồng bào Rục, Sách ở 3 bản vùng cao ai ai cũng vui vẻ, phấn khởi vì mua được nhiều hàng hóa Tết. Bà con không chỉ mua lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng mà còn sắm thêm nông cụ, giống cây trồng, vật nuôi... đến từ những tấm lòng thảo thơm ở miền xuôi trao gửi. Phấn khởi, hạnh phúc, ấm lòng... vì những phần quà tặng cho hộ nghèo, gia đình chính sách trong phiên chợ Tết được Đồn BP Cà Xèng và cấp ủy, chính quyền chọn đúng người, đúng đối tượng.
Ngô Thanh Long