(QBĐT) - Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
![]() |
Theo báo cáo từ BHXH tỉnh, tính đến cuối tháng 11/2024, toàn tỉnh có 2.523 đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH với số tiền 149.981 triệu đồng; trong đó có 284 đơn vị ngừng hoạt động, mất tích, phá sản… chậm đóng với số tiền 16.858 triệu đồng. Nhiều lao động rơi vào cảnh khốn đốn vì không được giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí... do doanh nghiệp trốn đóng hoặc nợ đọng BHXH.
“Một trong những quyền lợi chính đáng, hợp pháp mà người lao động được hưởng sau khi ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp, đó là việc được hưởng quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN... Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động còn nợ đọng BHXH kéo dài, thậm chí cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH. Doanh nghiệp không nộp bảo hiểm dĩ nhiên thiệt thòi thuộc về người lao động vì họ sẽ không được hưởng những quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN theo quy định. Chính vì vậy, cần có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH…”, Giám đốc BHXH tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đ.Vân