(QBĐT) - Cuối tháng 9 vừa qua, tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) có một sự kiện thú vị: Một nhóm cựu sinh viên-chiến sĩ tăng thiết giáp từ Hà Nội mang hoa và kỷ niệm chương đến tri ân những cán bộ, nhân viên Phòng Người có công và lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH.
Xin dẫn lại chuyện từ đầu. Năm 1969, Phan Trung Khoa, quê xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) thi đỗ vào Khoa Vật lý, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau hai năm học tập, ngày 6/9/1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, sinh viên Phan Trung Khoa lên đường nhập ngũ, trong hơn 4.000 sinh viên nhập ngũ cùng đợt từ các trường đại học ở Hà Nội thành lập nên Sư đoàn 325B (Sư đoàn con đẻ của chiến trường Bình Trị Thiên thời chống Pháp). Sau 3 tháng huấn luyện, ngày 6/12/1971, Phan Trung Khoa trong số 100 tân binh của sư đoàn được chọn sang học lớp hạ sĩ quan chính quy đầu tiên của Binh chủng Tăng thiết giáp.
Sau gần một năm học tập, huấn luyện, ra trường, hạ sĩ quan Phan Trung Khoa được điều chuyển về đơn vị M26 Tăng thiết giáp Đông Nam bộ. Trải qua 3 năm chiến đấu công tác, ngày 18/4/1975, trong một trận chiến đấu, Khoa anh dũng hy sinh. Có một sự trục trặc nào đó từ chỉ huy đơn vị xe tăng M26 Đông Nam bộ về Bộ Chỉ huy Quân sự Bình Trị Thiên mà giấy báo tử gửi về gia đình, tất cả các thông tin đều chính xác, riêng họ Phan lại viết ra họ Nguyễn. Nhưng năm 2002, bằng Tổ quốc ghi công của Thủ tướng ký vẫn ghi đúng họ tên Phan Trung Khoa.
Nhà chỉ có hai anh em, cha mẹ đã mất nên từ nhiều năm nay người anh ruột là Phan Trung Khuê đảm nhiệm việc thờ cúng em trai. Năm 2023, anh Phan Trung Khuê qua đời, việc thờ cúng liệt sỹ được chuyển giao cho Phan Trùng Khánh là cháu (gọi chú ruột) đang định cư tại Bình Phước.
![]() |
Vấn đề là khi bàn giao từ Quảng Bình về Bình Phước thì giấy tờ không thống nhất giữa họ Phan và họ Nguyễn. Ở Quảng Bình chị dâu của Phan Trung Khoa đã già, ở Bình Phước cháu Phan Trùng Khánh cũng bận làm ăn và còn trẻ nên chưa biết xử lý thế nào…
Vậy là, Ban liên lạc cựu sinh viên-chiến sĩ Tăng thiết giáp, gồm: PGS.TS, đại tá Nguyễn Trọng Dân, Lê Kinh Thông, Nguyễn Huy Quảng, Trần Hồng Dung vào cuộc. Thời đại 4.0 cho phép họ có thể ngồi ở Hà Nội liên lạc kết nối và trao đổi với cả Bình Phước, Quảng Bình và các đơn vị liên quan. Điều bất ngờ thú vị là khi nhận được thông tin, Phòng Người có công thuộc Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình đã rất nhiệt tình và xử lý nhanh chóng và chính xác.
Sau khi mọi thủ tục qua về, vào ra Bình Phước-Quảng Bình được hoàn tất, trong vòng mấy giờ đồng hồ, Phòng Người có công đã trình để Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH có quyết định điều chỉnh họ cho liệt sỹ Phan Trung Khoa. Vậy là sau 47 năm mang hai họ trên giấy tờ, cựu sinh viên-liệt sỹ Phan Trung Khoa đã trở lại nguyên bản danh tính của mình. Việc còn lại chỉ là một bưu phẩm hồ sơ gửi vào Bình Phước để cháu Phan Trùng Khánh tiếp tục nhận chế độ thờ cúng cho chú ruột.
Trước sự nhiệt tình và xử lý nhanh gọn của Sở LĐ-TB-XH, Ban liên lạc cựu sinh viên-chiến sĩ Tăng thiết giáp đã cử đại diện từ Hà Nội vào Quảng Bình, tặng kỷ niệm chương và hoa cảm ơn Phòng Người có công và lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, cũng như thăm hỏi gia đình liệt sỹ.
Đây lại là một biểu hiện sinh động nữa của công cuộc cải cách hành chính đang chuyển động mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở cơ quan quản lý và chăm sóc đối tượng người có công với cách mạng. Một sự kiện thú vị của việc người thay mặt cho người có công tri ân người làm công tác quản lý và tri ân người có công.
Câu chuyện này được hoàn tất vào đầu tháng 10, đúng dịp Binh chủng Tăng thiết giáp anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống (5/10/1959-5/10/2024).
Nguyễn Thế Tường