Các địa phương gấp rút phòng, chống bão số 4

  • 02:09, 19/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm chủ động ứng phó với bão số 4, các địa phương trong tỉnh đang gấp rút triển khai các phương án phòng, chống bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
 
* Tại huyện Quảng Trạch: Theo ghi nhận của phóng viên sáng 19/9, tại xã Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Đông, hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ đã được bà con ngư dân nhanh chóng được đưa về nơi neo đậu, kéo lên vị trí cao tránh trường hợp sóng lớn do bão số 4 gây thiệt hại.
Ngư dân neo đậu tàu cá ở cảng sông Roòn để tránh bão.
Ngư dân neo đậu tàu cá ở cảng sông Roòn để tránh bão.
Sau khi đưa tàu thuyền về đúng vị trí neo đậu, ngư dân gia cố lại các đệm chống va (bằng lốp xe) treo ở mạn tàu và tiến hành nối nhiều tàu thuyền với nhau góp phần hạn chế thiệt hại do phương tiện va đập, sóng đánh chìm tại bến.
 
Với những chiếc tàu công suất nhỏ, thuyền thúng, ngư dân cẩn thận phủ bạt, che chắn lốc máy và tháo toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng, thu dọn ngư lưới cụ để giảm thiểu thiệt hại.
Công nhân các nhà xáy, xí nghiệp ở Khu Kinh tế Hòn La chằng chống nhà xưởng, phòng chống bão số 4.
Công nhân các nhà xáy, xí nghiệp ở Khu Kinh tế Hòn La chằng chống nhà xưởng phòng, chống bão số 4.
Sáng 19/9, sau khi đưa tàu vào tránh trú bảo, ngư dân Nguyễn Văn Hùng, chủ tàu cá QB -33640 TS kiểm tra lại một lần nữa các múi buộc cho chắc chắn. Anh chia sẻ: “Chiếc thuyền là tài sản lớn nhất của ngư dân nên khi có mưa bão phải che chắn, chằng buộc cẩn thận để tránh thiệt hại không đáng có”.
 
Tại xã Quảng Đông, công nhân các nhà máy, xí nghiệp trong Khu Kinh tế Hòn La cũng đang khẩn trương chằng chéo nhà xưởng, đưa bao cát lên mái tôn để chống tốc mái. 
Ngư dân kiểm tra lại các múi buộc cho chắc chắn.
Ngư dân kiểm tra lại các múi buộc cho chắc chắn.
Để chủ động ứng phó với bão số 4, huyện đã thành lập nhiều đoàn đến kiểm tra công tác phòng, chống bão và mưa lớn ở những vùng xung yếu, vùng có nguy cơ bị ngập lũ sâu, sạt lở đất và nơi có các công trình trọng điểm của tỉnh, quốc gia đang thi công. 
 
Đồng thời, huyện chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương kiểm tra, rà soát lại số lượng nhà dân có khả năng chống chịu bão yếu, thiếu an toàn, khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất... để xây dựng kế hoạch sơ tán, di dân đến nơi an toàn. 
Ngư dân Quảng Đông đưa thuyền vào sâu trong kênh để tránh bão.
Ngư dân Quảng Đông đưa thuyền vào sâu trong kênh để tránh bão.
Huyện cũng yêu cầu các địa phương, nhất là các vùng vùng thường xuyên bị ngập sâu, như: Cảnh Hóa, Phù Hóa khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ các trường học, trạm y tế... tiến hành giằng chống trụ sở làm việc, đưa tài sản có giá trị lên cao.
Bộ đội biên phòng giúp người dân Cảnh Dương chằng chống, neo đậu tàu cá chống bão số 4.
Bộ đội Biên phòng giúp người dân Cảnh Dương chằng chống, neo đậu tàu cá chống bão số 4.
Hiện, trên địa bàn huyện Quảng Trạch còn hơn 145,2 ha thuỷ sản chưa thu hoạch; trong đó có 37,7 ha nuôi biển, 107,5 ha nước ngọt. Để chủ động phòng, chống mưa bão và giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản, các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân khẩn trương thu hoạch trước mưa bão, nếu cá, tôm đạt kích cỡ thu hoạch; thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp phòng, chống kịp thời.
Phan Phương
 
* Tại huyện Lệ Thủy: Từ sáng sớm ngày 19/9 đã có mưa to và gió giật mạnh. Mưa to có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở các xã miền núi và gây ngập lụt ở các địa phương vùng thấp trũng. Trước tình hình đó, địa phương đang khẩn trương, quyết liệt, triển khai ngay các biện pháp để ứng phó với bão số 4.
Các lực lượng chức năng chặt tỉa cây xanh để ứng phó với bão số 4.
Các lực lượng chức năng chặt tỉa cây xanh để ứng phó với bão số 4.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán cho biết, để khẩn trương ứng phó với bão số 4 và mưa lớn kéo dài, địa phương đã ban hành công điện yêu cầu các xã, thị trấn, phòng, ban chủ động ứng phó với bão số 4 phù hợp với diễn biến thực tế trên địa bàn, quán triệt phương châm “4 tại chỗ”; chủ động xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

Đồng thời triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền, phương tiện tại nơi neo đậu tránh trú và các hoạt động sản xuất trên biển, ven biển, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu du lịch, dịch vụ ven biển; ứng phó với mưa, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân.

Các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thành việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị, nhà cửa, trụ sở, nạo vét, khơi thông cống rãnh, hệ thống tiêu thoát nước; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó; tổ chức di dời các hộ dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn hoàn thành trước 12 giờ ngày 19/9/2024…

Đến 11 giờ ngày 19/9 có 41 hộ dân ở những vùng xung yếu đã được di dời đến nơi an toàn.
Đến 11 giờ ngày 19/9 có 41 hộ dân ở những vùng xung yếu đã được di dời đến nơi an toàn.

Được biết, huyện Lệ Thủy hiện có 1.152 chiếc tàu, thuyền tham gia hoạt động khai thác thủy sản, đến nay các tàu, thuyền đã vào bờ và neo đậu an toàn. Toàn huyện, có diện tích một số cây trồng chính chưa thu hoạch, gồm: Khoai, sắn 795 ha, rau màu 374ha, cây ăn quả 677ha và 668ha nuôi trồng thủy sản ngọt chưa thu hoạch.

Hiện, địa phương tổ chức di dời 129 hộ, 520 khẩu, trong đó có 36 hộ với 160 khẩu bản Mít Cát (Kim Thủy); 61 hộ với 234 khẩu thuộc bản Bạch Đàn, Tân Ly, Xà Khía, (xã Lâm Thủy); 32 hộ với 126 khẩu tại bản Km14, Khe Giữa, Cửa Mẹc, (xã Ngân Thủy) đến nơi an toàn. Một số ngầm tràn tại các tuyến đường vào các bản Bạch Đàn, Tân Ly, Xà Khía (xã Lâm Thủy) và bản Khe Giữa, bản Còi Đá (xã Ngân Thủy)… bị ngập lụt, chia cắt khoảng 1m.

Ngọc Hải

* Tại huyện Minh Hóa: Để chủ động ứng phó với bão số 4, địa phương đã di dời hơn 600 hộ dân vùng nguy cơ sạt lở và xuất cấp 3 tấn gạo, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân các khu vực dễ bị chia cắt dài ngày.

Huyện chủ động xuất cấp 3 tấn gạo, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân các khu vực dễ bị chia cắt dài ngày.
Huyện Minh Hóa chủ động xuất cấp 3 tấn gạo, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân các khu vực dễ bị chia cắt dài ngày.
Ngày 19/9, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt cho biết, các cơ quan, ban ngành, đơn vị trong toàn huyện đang tập trung cao độ, chủ động triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "4 tại chỗ”, tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
 
Các đơn vị, địa phương trong huyện chủ động di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; đồng thời rà soát tất cả các điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. 
Toàn huyện Minh Hóa đã di dời hơn 600 hộ dân vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Toàn huyện Minh Hóa đã di dời hơn 600 hộ dân vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Huyện cũng chỉ đạo các địa phương nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về an toàn trước khi mưa, bão; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò; gia cố nhà ở, các công trình công cộng khu vực chịu ảnh hưởng của bão...
 
Trước đó, huyện Minh Hóa cũng đã xuất cấp 3 tấn gạo (Thượng Hóa 2 tấn, Trọng Hóa 1 tấn) gửi ở các đồn biên phòng đề phòng mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt kéo dài.
X. Phú
 
* Tại TP. Đồng Hới: Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Ngọc Đan cho biết: Để phòng, chống có hiệu quả cơn bão số 4, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, thành phố đã chủ động triển khai các nhiệm vụ ứng phó cụ thể. 
Trung tâm Công viên cây xanh thành phố cắt, tỉa cành, cây xanh đô thị, chống đỡ cây xanh trên địa bàn trước khi bão đổ bộ.
Trung tâm Công viên cây xanh thành phố cắt, tỉa cành, cây xanh đô thị, chống đỡ cây xanh trên địa bàn trước khi bão đổ bộ.
Trong đó, thành phố giao nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động đối phó và có phương án khắc phục hậu quả; có biện pháp bảo vệ, bảo đảm an toàn cho trẻ em ở những vùng thường ngập lụt; kiên quyết không để thiệt hại về người khi có bão, lũ xảy ra; chú trọng theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến, khu tránh trú bão cho tàu cá, khu vực các cảng để đảm bảo an toàn, tránh chìm tàu, đứt dây neo, đậu không đúng quy định làm ảnh hưởng đến công trình hạ tầng, va đập giữa các tàu; hướng dẫn các chủ hồ, đập vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn vùng hạ du; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán dân vùng hạ du. 
 
Trước đó, TP. Đồng Hới đôn đốc chỉ đạo Trung tâm Công viên cây xanh, Ban Quản lý dịch vụ công ích thành phố chủ động kiểm tra hệ thống cống rãnh, khơi thông, tu sửa kịp thời các cống rãnh bị hư hỏng; thực hiện cắt, tỉa cành, cây xanh đô thị, chống đỡ cây xanh trên địa bàn; thành lập đội xung kích của đơn vị để ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra trong mưa bão…
Đội trưởng Đội Quy tắc-Trật tự đô thị TP. Đồng Hới chuẩn bị các phương tiện sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn.
 Đội Quy tắc-Trật tự đô thị TP. Đồng Hới chuẩn bị các phương tiện sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn.

Đến nay, Ban Quản lý Dịch vụ công ích đã hoàn thành việc tháo dỡ, hạ an toàn các đèn trang trí tại các điểm xung yếu trong thành phố; phối hợp các địa phương cử lực lượng kiểm tra tại điểm ngập úng cục bộ, thông tin kịp thời để phối hợp cắt cử lực lượng túc trực cảnh báo nguy hiểm.

“Đội Quy tắc và Trật tự đô thị thành phố đã chuẩn bị các phương tiện cứu hộ, các loại vật tư, như: Cọc tiêu và dây cảnh báo nguy hiểm; đồng thời, hỗ trợ các xã, phường trên địa bàn kịp thời đặt, chăng dây cảnh báo các đoạn đường bị ngập cục bộ, bảo đảm an toàn cho nhân dân đi lại…”, ông Đặng Ngọc Hùng, Đội trưởng Đội Quy tắc-Trật tự đô thị TP. Đồng Hới, trao đổi thêm.

Hương Trà

 

tin liên quan

Trao tặng xe đạp cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn
Trao tặng xe đạp cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn

(QBĐT) - Ngày 19/9, Tổ chức Hội IMAYA (Nhật Bản) phối hợp với Quỹ Tư vấn di truyền và hỗ trợ trẻ khuyết tật tỉnh Thừa Thiên-Huế, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Quảng Ninh tổ chức trao tặng xe đạp cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

Huy động lực lượng, sẵn sàng ứng phó với bão số 4
Huy động lực lượng, sẵn sàng ứng phó với bão số 4

(QBĐT) - Trước những diễn biến phức tạp của bão số 4, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng giúp nhân dân các địa bàn trọng yếu phòng, chống và ứng phó với bão.

Hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai
Hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai
(QBĐT) - Sáng 18/9, Khối thi đua các trường chuyên nghiệp tỉnh đã trao hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra thông qua Ủy ban MTTQVN tỉnh.