Nơi ấy là nhà!

  • 07:07, 22/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ông bảo, cho đến hết cuộc đời, nếu còn sức khỏe, còn được giao nhiệm vụ thì ông sẽ gắn nghiệp đời mình với công việc này, không bao giờ từ bỏ. Bởi với ông, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui, là cách để ông tri ân với những đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc. Hơn 13 năm gắn bó, ông xem nơi ấy như ngôi nhà thứ hai của mình và hết thảy những anh linh liệt sỹ đang yên nghỉ tại đây là “người một nhà”. Ông là cựu chiến binh (CCB) Lê Quang Trung (SN 1960), quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc (xã Lý Trạch, Bố Trạch).
 
Sáng tháng 7 trời trong xanh vời vợi. Chỉ mới hơn 5 giờ sáng mà mặt trời đã xuất hiện đỏ rực phía hừng đông, báo hiệu một ngày nắng đổ lửa. Trong không gian yên tĩnh xen lẫn tiếng lá cây xào xạc và tiếng hót lảnh lót của một vài chú chim, từng nhịp chổi của người quản trang ấy vang lên đều đặn.
 
Quét được quá nửa khuôn viên rộng gần 3ha của nghĩa trang, ông Trung ngồi xuống nghỉ tay, đưa mắt nhìn quanh một lượt xem còn sót lá cây, cọng rác nào vương vãi rồi chậm rãi nói: “Tôi dậy từ lúc 4 giờ 30 phút, hoàn tất các “thủ tục” cá nhân là bắt tay vào quét dọn nghĩa trang. Mùa hè nên tranh thủ dậy sớm làm cho mát mẻ, không đến trưa một chút là nắng lắm. Hơn 13 năm nay, một ngày mới của tôi đều bắt đầu như thế. Quen rồi, hôm nào mưa gió không làm là lại thấy thiếu”. Nói rồi, ông lại tiếp tục công việc của mình. Nhìn cách người quản trang ấy nhẹ nhàng nhặt từng chiếc lá, chỉnh lại chân hương, bình hoa trên các phần mộ, tỉ mẩn cắt tỉa các cây cảnh, chúng tôi phần nào cảm nhận được ý nghĩa của công việc này đối với ông.
 
Sinh ra trong một gia đình nghèo, 18 tuổi, chàng trai trẻ Lê Quang Trung tình nguyện lên đường nhập ngũ. Chứng kiến bao tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội, nỗi đau thương, mất mát của những gia đình có người thân ngã xuống, ông càng thấm thía cái giá của hòa bình, nghĩa cử cao đẹp của những người đã dâng hiến tuổi xuân cho đất nước. Thế nên, năm 2012, khi được ngỏ ý về công việc quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc, ông không ngần ngại nhận lời ngay. Ông bảo, công việc này như là cách để mình được gần gũi hơn với đồng đội, được “canh giấc” cho các đồng đội yên nghỉ, để ở thế giới bên kia họ luôn thấy ấm lòng.
Cựu chiến binh Lê Quang Trung gắn bó với công việc lặng thầm mà cao cả.
Cựu chiến binh Lê Quang Trung gắn bó với công việc lặng thầm mà cao cả.
Tâm niệm như thế nên người CCB ấy luôn nỗ lực làm tròn nhiệm vụ của mình bằng tất cả sự trân quý. Hơn 13 năm qua, ngoại trừ những lúc ốm đau, bệnh tật, chưa một ngày nào ông rời nghĩa trang. Trước kia, quản trang ở đây có hai người nhưng người kia đã nghỉ nên lâu nay chỉ còn ông Trung, công việc vì thế cũng vất vả hơn. Khuôn viên rộng với hàng nghìn phần mộ nên hầu như ngày nào ông cũng dậy từ tờ mờ sáng để kịp dọn dẹp, chuẩn bị mọi thứ. Những lúc đau ốm hay có việc đột xuất thì vợ con lên chăm nom hộ. Có khi, cả nhà đều tập trung chăm sóc nghĩa trang, người quét rác, người lau chùi từng phần mộ.
 
Đặc biệt, trong các dịp lễ, Tết, các phần mộ, khuôn viên nghĩa trang phải được dọn dẹp gọn gàng, sạch đẹp hơn ngày thường để đón gia đình các liệt sỹ, đoàn thể, chính quyền đến thăm viếng. “Niềm vui của những người làm quản trang như chúng tôi chẳng phải là để được tuyên dương, để được hưởng tiền trợ cấp mà chính là giây phút được thấy nụ cười nở trên môi các thân nhân liệt sỹ khi đến viếng nghĩa trang và những giọt nước mắt mừng tủi của bao người khi nhận lại được mộ phần người thân”, ông Trung bảo.
 
Bao thời gian gắn bó với công việc lặng thầm đầy cao cả ấy, CCB Lê Quang Trung nhớ nằm lòng vị trí của từng ngôi mộ. Ông bảo, vui nhất là khi thân nhân của các liệt sỹ tìm được mộ người thân của họ sau bao nhiêu thời gian tìm kiếm trong vô vọng và điều khiến ông nặng lòng nhất chính là những ngôi mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin. Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc hiện có 3.060 phần mộ liệt sỹ khắp mọi miền đất nước, trong đó có đến khoảng 1.800 mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin.
 
“Mong sao, những tấm bia trên các phần mộ ấy sẽ sớm được lấp đầy bằng những cái tên cụ thể. Thương lắm! Ngoài kia có biết bao gia đình thân nhân liệt sỹ vẫn đang ngày đêm mong ngóng, tìm kiếm hài cốt người thân, còn ở đây thì có biết bao phần mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin. Chiến tranh đã cướp đi tuổi xuân, sinh mạng của họ nhưng có những người khi về với đất mẹ vẫn chưa ai biết họ tên gì, ở đâu. Nỗi đau của chiến tranh sao cứ âm ỉ, dai dẳng mãi!”, giọng ông Trung chùng xuống.
 

“Ông Lê Quang Trung là một quản trang tận tụy, tâm huyết. Trước đây, khi người khác đảm nhận công việc này, Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc không được sạch đẹp, thoáng đãng như bây giờ đâu. Từ khi có bàn tay ông Trung chăm chút, khuôn viên nghĩa trang luôn sạch sẽ, những ngôi mộ liệt sỹ luôn chỉnh chu, ấm áp. Chúng tôi luôn mong ông thật nhiều sức khỏe để đảm nhận lâu dài công việc lặng thầm nhưng cao cả này”, ông Nguyễn Quang Tiến, quyền Chủ tịch UBND xã Lý Trạch chia sẻ.

Ông Trung bảo, đáng nhớ nhất là những đợt tỉnh Quảng Bình đón hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước CHDCND Lào về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc. Những lúc như thế, người quản trang tận tụy ấy lại dâng trào cảm xúc như chính gia đình mình tìm được người thân. Ông hồi hộp thức trắng đêm sắp xếp, chuẩn bị các phần việc liên quan để đón đồng đội về với đất mẹ sau bao năm đằng đẵng nằm lại xứ người. Mãi đến khi hoàn tất việc an táng, ông mới thở phào. Bao nhiêu năm qua, ông vẫn như thế, đầy trách nhiệm và tâm huyết.

Quản trang không phải công việc quá nặng nhọc nhưng thường ít người đảm nhận và thực tế đã có không ít người từ bỏ công việc này vì cho rằng nhàm chán, lương thấp. Chính vì vậy, chỉ có xuất phát từ tấm lòng và sự nhiệt huyết, tạm gác sang một bên chuyện cơm áo gạo tiền, người quản trang mới có thể gắn bó lâu dài với công việc. Với CCB Lê Quang Trung, việc “canh giấc” cho các liệt sỹ không chỉ là công việc đơn thuần mà đó là nhiệm vụ xuất phát từ tâm mà ông nguyện “thủy chung”, gắn bó đến hết đời mình.
 
Tâm An

tin liên quan

Quảng Ninh: Tổng kết mô hình "Xã kiểu mẫu có 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế"
Quảng Ninh: Tổng kết mô hình "Xã kiểu mẫu có 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế"

(QBĐT) - Chiều 22/7, Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế huyện Quảng Ninh tổ chức hội nghị tổng kết mô hình "Xã kiểu mẫu có 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế".

Khánh thành nơi thờ tự đồng chí Võ Văn Dảnh
Khánh thành nơi thờ tự đồng chí Võ Văn Dảnh

(QBĐT) - Ngày 22/7, tại thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa), Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ban CHQS huyện Tuyên Hóa tổ chức lễ khánh thành, bàn giao nơi thờ tự đồng chí Võ Văn Dảnh, chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Ban Phụ nữ Quân đội: Thăm, tặng quà gia đình chính sách
Ban Phụ nữ Quân đội: Thăm, tặng quà gia đình chính sách

(QBĐT) - Nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, ngày 21/7, đoàn công tác Ban Phụ nữ Quân đội đã tổ chức dâng hương, dâng hoa tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; thăm, tặng quà các gia đình chính sách nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ.