(QBĐT) - Hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin, internet mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người sử dụng. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Thực trạng trẻ em (TE) ngày càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội (MXH) bên cạnh mặt tích cực còn tiềm ẩn không ít rủi ro, bởi đây là đối tượng dễ bị tổn thương trước sự cám dỗ, đe dọa của những thông tin độc hại, sự lôi kéo của các phần tử xấu trên MXH. Chính vì vậy, bảo vệ trẻ em (BVTE) trên không gian mạng (KGM) là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay...
Thực trạng đáng lo ngại
Anh Đặng Văn Quý ở phường Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) là cán bộ nhà nước, vợ anh làm việc tại một công ty tư nhân nên hàng ngày họ luôn bận rộn với công việc ở cơ quan. Dịp hai con (con trai học lớp 9 và con gái học lớp 4) nghỉ hè là thời điểm anh chị cảm thấy lo lắng nhất bởi anh chị không có thời gian để kiểm soát việc vui chơi của con ở nhà khi vắng mặt bố mẹ. Dành nhiều thời gian “làm bạn” với chiếc tivi đã được kết nối internet, các cháu có thể thoải mái xem mọi thứ từ hoạt hình, ca nhạc đến các video clip trên youtube… Và nội dung của chương trình các cháu xem thì không ai kiểm soát được.
“Vợ chồng tôi luôn nhắc nhở các con hạn chế xem tivi, điện thoại, thay vào đó là đọc sách, đọc truyện, vui chơi vận động nhẹ nhàng. Chúng tôi cũng đăng ký các lớp học năng khiếu dịp hè cho các cháu nhằm hạn chế thời gian sử dụng tivi, điện thoại chừng nào tốt chừng ấy. Tuy nhiên, vẫn có những khoảng thời gian trống vợ chồng tôi không thể quản lý được nên thực sự rất lo lắng”, anh Quý chia sẻ.
Lo lắng của vợ chồng anh Đặng Văn Quý cũng là nỗi lo chung của hầu hết các bậc phụ huynh trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin ngày nay. Việc TE ham thích khám phá, trải nghiệm trên KGM là điều rất bình thường, bởi internet chứa đựng kho thông tin khổng lồ với rất nhiều kiến thức bổ ích đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của các em.
Tuy nhiên, KGM cũng là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên thích khám phá. Trong quá trình sử dụng internet nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, vô tình trẻ sẽ tiếp xúc với những thông tin độc hại, có thể tác động xấu đến tâm sinh lý và hành động của trẻ. Thậm chí, các em còn là đối tượng để kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng, trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại, bắt cóc…
Phiên tòa giả định với chủ đề “Phòng, chống xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em trên không gian mạng”.
Không ít tình huống, MXH vô tình trở thành nơi để các em học sinh “gây thù chuốc oán” với nhau. Đó là trường hợp xảy ra cách đây không lâu tại Trường THCS và THPT Trung Hóa (Minh Hóa). Trong một lần tương tác trên trang facebook, hai học sinh L. và T. (tên nhân vật đã thay đổi) đã nảy sinh mâu thuẫn. Vì cho rằng L. bình luận khiếm nhã, có ý khiêu khích tại bài đăng trên trang facebook cá nhân của mình nên T. đã nhắn tin cho L. với những lời lẽ nặng nề. Khi mâu thuẫn lên cao, hai em nhắn tin hẹn gặp trực tiếp để giải quyết.
Rất may, giáo viên chủ nhiệm của L. đã phát hiện sự việc và có biện pháp can thiệp kịp thời nên chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, sự việc này cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tác động tiêu cực của MXH đối với học sinh, buộc nhà trường phải có những biện pháp can thiệp để kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của học sinh, nhất là trên KGM…
Kỳ vọng từ một dự án
Tháng 6/2023, trong một lần xem facebook, Hồ An (SN 1998), trú tại xã M. (Minh Hóa) tình cờ làm quen với Hồ Hoa (SN 2009) trú tại xã X. (Minh Hóa). Sau đó, hai người thường xuyên nhắn tin trò chuyện với nhau, lời lẽ ngày một thắm thiết. Hồ An nhiều lần đề nghị Hồ Hoa gửi ảnh cho mình xem. Hồ Hoa lúc đầu còn ngần ngại song vì những lời đường mật của Hồ An, Hồ Hoa thường xuyên gửi ảnh cho Hồ An, hình ảnh ngày càng nhạy cảm.
Đến đầu tháng 4/2024, An và Hoa hẹn gặp nhau và nảy sinh quan hệ tình dục nhiều lần khiến sức khỏe của Hoa bị ảnh hưởng. Sau đó, bố mẹ Hoa phát hiện con gái bị thương ở vùng kín nên đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa. Gặng hỏi con gái, biết được sự tình, bố mẹ Hoa đã làm đơn trình báo đến Công an huyện Minh Hóa. Sau đó, phiên tòa xét xử Hồ An đã được mở và Hồ An đã phải nhận bản án nhiều năm tù vì hành động thiếu hiểu biết của mình...
Câu chuyện kể trên thực chất là kịch bản của phiên tòa giả định với chủ đề “Phòng, chống xâm hại và bóc lột tình dục TE trên KGM” do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với Tỉnh đoàn thực hiện tại xã Thượng Hóa (Minh Hóa) vào tháng 4/2024. Chương trình là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “BVTE và thanh thiếu niên trên KGM” do tổ chức Plan International phối hợp với Sở LĐ-TB-XH triển khai với kỳ vọng mang đến một môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em Quảng Bình.
Toàn tỉnh hiện có 257.253 TE dưới 16 tuổi; trong đó 100.064 TE dưới 6 tuổi, 3.577 TE hoàn cảnh đặc biệt, 10.702 TE dân tộc thiểu số, 2.887 TE mồ côi (12 em mồ côi do dịch Covid-19, 116 em mồ côi cả cha lẫn mẹ và đang sống với người thân), 57 TE bị bỏ rơi, 74 TE không nơi nương tựa, 3.855 TE bị khuyết tật, 19.001 TE thuộc hộ nghèo, cận nghèo...
Với mục tiêu trẻ vị thành niên ở độ tuổi 10-18, đặc biệt là TE gái và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương được nâng cao năng lực sử dụng internet, MXH một cách an toàn và được bảo vệ khỏi các hình thức bạo lực trên KGM, dự án tập trung triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, như: Tổ chức các khóa đào tạo cho thành viên cốt lõi của hệ thống BVTE dựa vào trường học và hệ thống BVTE dựa vào cộng đồng tại các địa phương thụ hưởng dự án, gồm: Lệ Thủy, Quảng Ninh và Minh Hóa; chương trình hội thảo giữa các cơ quan, đơn vị quản lý và giáo viên, phụ huynh học sinh tại 15 trường học trên địa bàn tỉnh để giới thiệu, hướng dẫn, thảo luận về cơ chế báo cáo trong trường hợp nghi ngờ con em mình bị lạm dụng, xâm hại trên KGM; tổ chức diễn đàn cấp thôn, xóm nhằm trao đổi thông tin về BVTE an toàn trên KGM, các khóa tập huấn cho Hội đồng TE về kiến thức, kỹ năng phân tích các vấn đề xâm hại trực tuyến và an toàn trên KGM…
“Trong bối cảnh môi trường mạng ngày càng trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, việc xây dựng KGM an toàn, lành mạnh cho TE là ưu tiên hàng đầu và cần đến sự chung tay của toàn xã hội. Trên cơ sở kết quả đạt được của dự án trong giai đoạn 2021-2024, thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục thực hiện các hợp phần mới của dự án để hỗ trợ 15 trường học, 13 xã thuộc 3 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Minh Hóa nhằm hỗ trợ, ngăn chặn kịp thời những tai nạn, rủi ro cho TE khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương thụ hưởng dự án cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn khi TE tham gia trên KGM; phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc phòng, chống xâm hại, bạo lực trên KGM đối với TE, đặc biệt là bóc lột, xâm hại tình dục đối với các TE gái; tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” nhằm loại bỏ các nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ, bảo đảm môi trường an toàn để TE sống và phát triển…”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hồ Tân Cảnh chia sẻ.
(QBĐT) - Ngày 16/7, Thường trực Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh phối hợp với Hội CCB huyện Minh Hóa tổ chức lễ khánh thành và bàn giao 3 ngôi nhà "Nghĩa tình đồng đội" cho hội viên CCB có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các xã Trung Hóa, Xuân Hóa và Minh Hóa, huyện Minh Hóa.
(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 1312/KH-UBND về triển khai Chương trình hành động số 35-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(QBĐT) - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Hoàng Văn Minh cho biết: Từ năm 2019 đến nay, Mặt trận các cấp đã vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" trên 90 tỷ đồng và nguồn kinh phí thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên 18,8 tỷ đồng.