Thành phố thông minh bên dòng Nhật Lệ

  • 12:06, 02/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được thiên nhiên ưu ái ban tặng địa hình vừa có rừng, vừa có bờ biển dài và đẹp, tận dụng mọi lợi thế, nguồn lực, tranh thủ thời cơ và vận hội, các thế hệ cư dân TP. Đồng Hới không ngừng nỗ lực kiến thiết, xây dựng đô thị thông minh, vươn mình ra “biển lớn”, hội nhập, phát triển với các thành phố “tầm cỡ” trong cả nước. 
 
Nỗ lực kiến thiết đô thị xanh...
 
Từ những con đường đất đỏ, những mái nhà và tuyến phố đơn sơ cách đây 20 năm về trước..., Đảng bộ và người dân Đồng Hới có thể tự hào nhìn lại quá trình xây dựng và không ngừng sáng tạo phát triển thành phố như ngày hôm nay. Với quy mô khá khang trang, hiện đại, Đồng Hới vẫn đang tiếp tục điều chỉnh để ngày thêm đẹp hơn, xanh hơn bên dòng Nhật Lệ huyền thoại.
 
Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan cho biết: Thành phố đang tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo động lực mở rộng đô thị theo quy hoạch chung TP. Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt; là hạt nhân kết nối các vùng lân cận: Hoàn Lão (Bố Trạch), Dinh Mười (Quảng Ninh)...
 
Nhiều công trình lớn được ưu tiên nguồn vốn để đầu tư đồng bộ nhằm nâng cao các tiêu chí đô thị loại II. Rất nhiều khu đô thị xây dựng đã tạo nên diện mạo mới cho thành phố, như: 3 khu đô thị nhà ở thương mại, nhà ở xã hội tại các thôn Hà Thôn, Hà Dương (xã Bảo Ninh); khu nhà ở thương mại tại phường Đức Ninh Đông, khu đô thị Nam cầu Dài, phía Bắc kênh Phóng Thủy, khu dân cư Đông Phùng Hưng… Nhiều công trình được xây dựng theo xu hướng kiến trúc xanh nhằm góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng cuộc sống cho trên 140.000 người dân thành phố.
TP. Đồng Hới kiến thiết đô thị xanh.
TP. Đồng Hới kiến thiết đô thị xanh.
Từ nhiều nguồn lực được huy động, thành phố cũng đang đầu tư nâng cấp một số tuyến đường chính, xây dựng các tuyến đường giao thông quy mô nhỏ, vỉa hè, hoàn thiện hệ thống biển báo giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước; quy hoạch xây dựng thêm một số bến, bãi, điểm đậu xe hợp lý; hoàn thành việc đầu tư nâng cấp mạng lưới chợ trên địa bàn, chú trọng xây dựng chợ văn minh.
 
Để chuyển đổi cơ cấu kinh tế linh hoạt, phù hợp với định hướng phát triển đô thị hóa, thành phố đã đầu tư xây dựng hạ tầng 6 cụm công nghiệp và 1 điểm tiểu thủ công nghiệp có tổng diện tích đất theo quy hoạch trên 66ha; có 93 dự án đã được cho thuê đất; tỷ lệ diện tích lấp đầy đạt 93,54%.
 
Hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại-dịch vụ, du lịch được đầu tư, nâng cấp hoàn thiện, nhất là hệ thống siêu thị, chợ, cơ sở lưu trú; các sản phẩm, loại hình du lịch mới được đa dạng hóa và phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của du khách. Nhờ vậy, Đồng Hới được công ty hàng đầu thế giới về du lịch số Booking.com công bố giải thưởng thường niên Traveller Review Award 2023 tôn vinh là 1 trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2023.
 
Điểm lại kết quả trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan cho biết: Thành phố đã có 7 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Trong đó, kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; huy động các nguồn lực đạt nhiều kết quả quan trọng. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt gần 79 triệu đồng/năm.
 
Tương lai rộng mở
 
Như lời Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan, đến nay, thành phố thông minh, hiện đại đã hiện hữu... Có thể minh chứng bằng việc Đồng Hới đã đưa vào vận hành hiệu quả các phân hệ của đô thị thông minh, như: Ứng dụng công dân thông minh; hệ thống giám sát, điều hành giao thông, an ninh công cộng; phần mềm giám sát thông tin báo chí và truyền thông; cổng thông tin phản ánh hiện trường; hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục; kỳ họp không giấy; hệ thống giám sát, cảnh báo ngập lụt; hệ thống quản lý hạ tầng đô thị…
 
Đặc biệt, thành phố đã khai thác có hiệu quả ứng dụng công dân thông minh “Dong Hoi SmartCity” trên điện thoại di động để cung cấp kênh giao tiếp với người dân. Qua đó, người dân được tiếp cận các dịch vụ của đô thị thông minh, như: Thông tin tuyên truyền, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh các vấn đề bất cập đến trung tâm giám sát, điều hành, tra cứu vi phạm giao thông, thông tin du lịch...
 
Các phản ánh của người dân liên quan trực tiếp đến hầu hết các lĩnh vực, từ an sinh xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng đến sản xuất, kinh doanh, an ninh trật tự… được kiểm tra, giải quyết kịp thời, bảo đảm xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh và các bức xúc của người dân tồn tại trong đời sống xã hội, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền.
Thành phố bên dòng sông Nhật Lệ.
Thành phố bên dòng sông Nhật Lệ.
Theo Chánh Văn phòng HĐND-UBND thành phố Hoàng Thị Thanh Duyên, toàn thành phố đã lắp đặt 137 camera thực hiện việc giám sát, điều hành an ninh trật tự, 14 camera tầm cao quan sát toàn cảnh thành phố và tích hợp kết nối với hơn 500 camera từ các xã, phường phục vụ việc giám sát an ninh trật tự trên địa bàn thành phố; 27 camera giám sát giao thông để giám sát lưu lượng và xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; 10 cảm biến theo dõi mực nước và 9 camera giám sát ngập lụt tại các vị trí xung yếu. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, tính tự giác của người dân và hướng đến lối sống văn hóa giao thông, văn minh đô thị.
 
“Với tốc độ phát triển như hiện nay, thành phố đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục xây dựng đô thị thông minh theo đề án đã được phê duyệt như nâng cấp hệ thống quản lý quy hoạch và hạ tầng đô thị; xây dựng hệ thống quản lý chiếu sáng thông minh; cổng du lịch thông minh, hệ thống cảnh báo cháy rừng; bổ sung mở rộng hệ thống camera tầm cao, an ninh, giao thông… và mở rộng tính năng của ứng dụng “Dong Hoi SmartCity” như “Tra cứu hồ sơ dịch vụ công trực tuyến”, “Tra cứu hóa đơn tiền điện”… Từ đó, thành phố hướng đến cung cấp các dịch vụ đa tiện ích cho người dân, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên... Tương lai rộng mở của thành phố đang chờ đón ở phía trước”, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan trao đổi thêm. 
 
TP. Đồng Hới hiện có 40.000 lượt tải ứng dụng “Dong Hoi SmartCity” và đã tiếp nhận hơn 700 ý kiến phản ánh của người dân. Trong năm 2023, thành phố tiếp nhận gần 300 phản ánh gửi về trung tâm điều hành để xử lý và trả lời cho người dân với kết quả đạt tỷ lệ trên 92%.

Hương Trà

 

tin liên quan

Tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng: Tặng quà nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi
Tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng: Tặng quà nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi và thực hiện chương trình "Thứ bảy về bản", ngày 1/6, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, chăm lo cho các cháu trên địa bàn đơn vị đóng quân.

Chung sức chăm lo, bảo vệ trẻ em
Chung sức chăm lo, bảo vệ trẻ em

(QBĐT) - Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương toàn tỉnh còn tích cực huy động nguồn lực xã hội để chung tay chăm lo, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ. Qua đó, tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi để trẻ em được học tập, vui chơi, bảo đảm các quyền cơ bản để phát triển toàn diện.

Chi trả hơn 1 tỷ đồng bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp
Chi trả hơn 1 tỷ đồng bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp
(QBĐT) - Theo báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, từ năm 2023 đến tháng 5/2024, toàn tỉnh có 100 lao động bị tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp được quỹ bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp chi trả với số tiền trên 1,1 tỷ đồng.