Vững tin trước… biển

  • 06:05, 27/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hơn nửa tháng, sau vụ 4 tàu đánh cá chìm trên biển, 10 ngư dân bị nạn vẫn chưa có thông tin. Chưa bao giờ, người làng biển cùng lúc phải chịu nhiều nỗi đau như thế. Thế nhưng, những “người con” của biển nơi đây chưa bao giờ mất đi niềm tin với người “mẹ thiên nhiên” vĩ đại ấy, bởi đó là nguồn sống, là sự sống của họ.
 
Thoát khỏi “lưỡi hái” tử thần
 
Ngư dân Lê Văn Chiến (SN 1984) ở tổ dân phố (TDP) Tân Mỹ, phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn) là một trong số những ngư dân may mắn thoát khỏi “lưỡi hái” tử thần trong vụ chìm tàu đánh cá ngày 2/5. Thế nhưng, con tàu đánh cá 420CV mang số hiệu QB-98768-TS của anh đã chìm nghỉm giữa biển sau cơn giông lốc ấy. Cho đến bây giờ, anh Chiến vẫn váng vất, chờn chợn cảm giác rùng mình sợ hãi sau 1 ngày đêm lênh đênh trên biển.
 
Buổi chiều hôm chúng tôi đến, anh Chiến không có nhà. Vợ anh bảo, chắc anh lại ra biển rồi. Chúng tôi hỏi: “Ra biển để làm gì?”. Chị kể, thoát nạn trở về nhà nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng được ít bữa, cứ đến chiều, anh thường ra biển. Chị biết, anh đang đau, đang tiếc, nên cứ để anh muốn làm gì thì làm cho vơi bớt, cho nguôi ngoai. Con tàu ấy không chỉ là phương tiện mưu sinh, giá trị tiền tỷ của gia đình, mà còn là một “người bạn” đã gắn bó, đồng hành với anh suốt mấy chục năm qua. Ngày có của ăn của để, cha con anh đã cùng nhau vay mượn tiền, tự đi chọn từng súc gỗ về đóng tàu. Khi cha tuổi cao sức yếu, anh được tin tưởng giao lại con tàu để vươn khơi.
 
Trong gia đình người làng biển, của cải cha mẹ để lại cho con cái không phải tiền bạc, đất đai, nhà cửa, mà là con tàu đánh cá. Vì vậy, với anh, mất đi con tàu là xem như mất tất cả. Ngồi một lúc, thấy anh vẫn chưa về nhà, chúng tôi giục chị gọi anh về để trò chuyện. Chị bảo, chị ngại và lo, vì chị không muốn ai gợi lại chuyện khiến anh buồn...
 
Anh Chiến kể, hôm đó, anh em trên tàu đang ăn trưa, thì có mây đen và gió lạ thổi đến. Ai cũng nghĩ chắc là mưa giông bình thường. Nhưng, một lúc sau thì vùng trời phía trên tàu của anh đen kịt, rồi gió nổi lên. Một bạn thuyền ra phía trước mũi lấy đồ, thấy có điều bất thường, hô lớn bảo anh em mặc áo phao, ra khỏi cabin tàu. Cả nhóm mới tháo chạy ra ngoài thì cơn lốc đã ù ù kéo đến. Tình thế khẩn cấp, anh em thân ai người nấy lo. Ai vớ được cái gì cầm cái đó. Riêng anh vơ lấy được cái xô. Trong chốc lát, chiếc tàu đã bị lật úp xuống biển.
Bộ đội Biên phòng thăm hỏi ngư dân Trần Văn Phương ở phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn).
Bộ đội Biên phòng thăm hỏi ngư dân Trần Văn Phương ở phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn).
Kinh nghiệm nhiều năm đi biển, anh bảo mọi người đừng vội bơi mà hãy cố giữ sức. Lúc đó anh chỉ nghĩ đến cảnh vợ dại và 3 con nhỏ đang ở nhà, để cố gắng vượt qua. Sau một đêm lênh đênh trên biển, ai cũng đã kiệt sức và lạc trôi nhau. Anh cùng với một bạn thuyền bám vào chiếc xô nước trôi về một hướng. Nhóm 3 người còn lại bấu víu vào nắp hầm cá dạt về hướng khác. May mắn, sáng hôm sau, anh Chiến nhìn thấy thấp thoáng có 1 tàu đánh cá đang ở gần đó. Nói là gần nhưng khoảng cách cũng hơn 10 hải lý. Anh nói với người bạn thuyền: “Muốn sống thì phải cố gắng bơi về phía con tàu”. May sao lúc đó con “nước rặt”, biển êm, dòng chảy yếu, nên cuối cùng anh cũng tiếp cận được con tàu. Cả 5 ngư dân bị nạn trên tàu của anh Chiến hôm đó được cứu vớt kịp thời.
 
Tình người trên biển
 
Người có công cứu sống cả 5 ngư dân nói trên, không ai khác chính là tàu của ông Trần Văn Phương, cũng ở TDP Tân Mỹ, phường Quảng Phúc. Nhà ông Phương chỉ cách nhà anh Chiến mấy chục mét.
 
Sáng 3/5, cũng như mọi ngày, sau một đêm thức trắng để câu mực, tất cả thuyền viên trên tàu của ông Phương đều đang chìm trong giấc ngủ. Theo thói quen, ông Phương là người thường thức dậy sớm hơn cả. Trong giấc ngủ, ông mơ hồ nghe có tiếng ai, nhưng khi thức dậy quan sát trên biển, ông không thấy có người nào cả. Ông định tiếp tục đi ngủ tiếp, nhưng không sao chợp mắt được. Vừa đặt mình nằm xuống, ông lại nghe tiếng người kêu cứu. Mỗi lúc nghe tiếng kêu càng rõ. Lần này, ông lên hẳn boong tàu để quan sát. Từ xa, ông thấy có một vật màu đỏ cứ dập dềnh trôi trên mặt biển. Chẳng lẽ, ngư dân bị nạn trên tàu cá bị chìm đêm hôm qua ông nhận được tin nhắn từ đất liền gửi ra, ông thầm nghĩ.
 
Ông liền gọi những bạn thuyền thức dậy, nhổ neo cho tàu chạy về phía vật thể màu đỏ. Tàu chạy đến nơi, thì mới nhận ra đó là anh Lê Văn Chiến và một người bạn thuyền đang ngụp lặn trên biển. Vừa được cứu lên bờ, anh Chiến ôm lấy ông Phương bật khóc: “Tàu em bị chìm rồi, anh à”. Ông Phương lặng người đi, ôm lấy người anh em của mình. Sau đó, anh Chiến nhờ ông Phương cho tàu chạy tìm kiếm 3 thuyền viên còn lại. May sao, lúc đó biển êm, nên việc tìm kiếm cũng thuận lợi. Sau nhiều vòng tàu chạy ở khu vực biển bị giông lốc, cuối cùng tàu của ông Phương cũng đã cứu vớt được 3 người còn lại.
 
Gần 60 tuổi đời, nhưng ông Phương đã có gần 40 năm bám biển. Ông không dám nhận mình đã hiểu thấu hết biển cả, nhưng hầu như các vùng biển của Tổ quốc, tàu của ông đều đã tìm đến.
 
Ông chia sẻ: “Ngư dân đánh bắt cá trên biển khó nói được có thể gặp những điều gì. Nếu gặp sự cố, giông lốc, thì chỉ có thể trông chờ vào sự may mắn. Vì vậy, giúp đỡ, chia sẻ với nhau khi thuyền bạn gặp nạn là cái nghĩa, cái tình của người đi biển. Không phải là người cùng làng biển với nhau, mà gặp bất cứ ai bị nạn trên biển, ngư dân chúng tôi đều làm như vậy. Ai rồi cũng có lúc thế này, lúc thế kia. Lúc thì mình cứu họ, nhưng biết đâu được, lúc khác họ lại cứu mình. Trong cuộc sống cũng giống như trên biển, lúc hoạn nạn, khó khăn mới là lúc cần đến nhau. Giữa biển cả bao la, chỉ có nương tựa vào nhau mới vượt qua hoạn nạn, hiểm nguy. Lúc bình thường, ngư dân chúng tôi còn chia sẻ với nhau cả miếng nước, gạo cơm, dầu đèn, thuốc men. Ai cũng muốn giúp nhau để chuyến biển có được tôm cá đầy khoang khi vào bờ, không hề so đo, tính toán thiệt hơn với nhau”.
 
“Liệu vụ việc vừa qua, những ngư dân bám biển có chùng chân, e ngại?”, chúng tôi hỏi. Ông Phương không chút suy nghĩ, trả lời: “Biển cả bao la, muôn đời nay vẫn vậy. Yên bình, bao dung, hiền hòa đó, nhưng thoắt cái “trở mặt” hung hiểm, dữ tợn. Nếu sợ biển, thì chúng tôi đã bỏ biển từ lâu rồi, chứ hết đời này, sang đời khác bám biển làm gì. Mà với người làng biển, bỏ biển thì lấy gì để sống. Biển là nguồn sống, sự sống của chúng tôi mà”.
 
Nỗi đau rồi sẽ qua, sợ hãi rồi sẽ hết. Rồi đây, những ngư dân miền biển lại tiếp tục đưa thuyền vượt sóng ra khơi với khao khát muôn đời, tôm cá đầy khoang, cứ như thể biển cả bao la chưa từng “sóng gió” như những ngày trước đó.
 
Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc Nguyễn Tiến Thành cho biết, sự đoàn kết, gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau từ lâu đã trở thành truyền thống tốt đẹp của ngư dân làng biển. Bởi, hơn ai hết, họ hiểu được rằng, sự giúp đỡ, đồng hành lúc gặp hoạn nạn khó khăn trên biển sẽ giúp họ vượt qua hiểm nguy. Nhiều người được cứu sống kịp thời trong vụ 4 tàu cá bị chìm trước đó là minh chứng cho điều đó.
Dương Công Hợp

tin liên quan

Thúc đẩy quyền tiếp cận pháp luật về lao động việc làm của phụ nữ
Thúc đẩy quyền tiếp cận pháp luật về lao động việc làm của phụ nữ

(QBĐT) - Chiều 27/5, Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh tổ chức hội thảo khởi động dự án "Thúc đẩy quyền tiếp cận pháp luật về lao động việc làm của phụ nữ khi tham gia thị trường lao động ở trong và ngoài nước tại tỉnh Quảng Bình". 

Muốn tham gia hiệu quả cần xây dựng mối quan hệ từ hai phía
Muốn tham gia hiệu quả cần xây dựng mối quan hệ từ hai phía

Bên cạnh việc hiểu rõ giá trị của bảo hiểm, khách hàng và tư vấn viên cần xây dựng mối quan hệ bền chặt trong suốt quá trình tham gia hợp đồng để phát huy tối đa hiệu quả.

Trao tặng áo phao cho học sinh tiểu học
Trao tặng áo phao cho học sinh tiểu học

(QBĐT) - Sáng 27/5, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải và Công an huyện Quảng Ninh trao tặng áo phao cho các em học sinh Trường tiểu học Hàm Ninh (Quảng Ninh).