Đổi thay ở những xã vùng bãi ngang, ven biển

  • 07:12, 20/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, các xã vùng bãi ngang, ven biển đã lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương với chương trình giảm nghèo, đồng thời sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực và lợi thế sẵn có của địa phương để giảm nghèo bền vững.
 
Phù Hóa là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Trạch, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do địa bàn thấp trũng nên hàng năm phải gánh chịu nhiều thiên tai…
 
Theo rà soát thực tế, xã Phù Hóa đề ra mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội với tổng mức đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 26,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, địa phương đã đề nghị cấp trên phê duyệt đầu tư xây dựng 7 công trình, dự án, bao gồm 5 công trình giao thông, 1 công trình thủy lợi và 1 công trình chợ Lèn Rồng... nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đi lại, sản xuất, phòng chống thiên tai của nhân dân và củng cố các tiêu chí nông thôn mới bị sụt giảm.
 
Ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã Phù Hóa cho hay: Thông qua các nguồn vốn được phân bổ về cho xã, đối với cơ sở hạ tầng đặc biệt là lĩnh vực giao thông, thủy lợi và các lĩnh vực hạ tầng khác, xã cơ bản đã đáp ứng được điều kiện phòng, chống thiên tai, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đi lại, sinh hoạt của người dân trên địa bàn; đồng thời, đáp ứng một phần điều kiện trong xây dựng nông thôn mới thời gian tới.
 
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, địa phương đã và đang triển khai mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản với số vốn hỗ trợ là 400 triệu đồng và mô hình chăn nuôi gà lai ri, kinh phí hỗ trợ là 300 triệu đồng. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia phát triển sản xuất đã được hỗ trợ vật tư, con giống, kỹ thuật. Từ nguồn sinh kế này nhiều hộ đã vươn lên có thu nhập ổn định, tiến tới thoát nghèo. 
 
Không chỉ dừng lại ở đó địa phương còn rất chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn. Chị Dương Thị Sơn, xã Phù Hóa chia sẻ: Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo của xã. Tôi tham gia lớp học chế biến món ăn với mong muốn có thêm việc làm để ổn định hơn cuộc sống. 
 
Phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đời sống của người dân xã Phù Hóa ngày càng ổn định. Nếu như năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo là 6,22% (81 hộ), hộ cận nghèo 7,45% (85 hộ) thì đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,74%, hộ cận nghèo giảm còn 4,42%.
 
Từ việc phát huy nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đồng thời tận dụng nhiều nguồn lực khác nhau, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân các xã vùng bãi ngang, ven biển đã từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển, có kết cấu hạ tầng đầu tư khá đồng bộ, bộ mặt cảnh quan môi trường nông thôn có sự thay đổi rõ nét, đời sống người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm đáng kể.

Xã Liên Trạch là địa phương duy nhất vùng bãi ngang của huyện Bố Trạch, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lũ. Đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện. Ông Đinh Xuân Chinh, Chủ tịch UBND xã Liên Trạch cho biết: Để phát triển kinh tế-xã hội, xã đã tập trung vào việc trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng, sản xuất và chăn nuôi.

Toàn xã có hơn 1.200ha rừng trồng, mỗi năm khai thác từ 200-250ha, doanh thu đạt từ 8-10 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ, cũng như nhân dân các xã lân cận. Bên cạnh đó, xã Liên Trạch cũng rất chú trọng đến việc đưa người dân đi lao động nước ngoài. Hàng năm, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh liên kết các doanh nghiệp tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động. Mỗi năm, xã có 30-40 lao động tham gia lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước Trung Đông. Hiện tại, toàn xã có khoảng 400 lao động đang làm việc ở nước ngoài, đem lại nguồn thu nhập cao cho các gia đình.
 
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc qia về giảm nghèo bền vững. Toàn xã có 24 hộ được hỗ trợ giống lợn nái, 19 hộ được hỗ trợ chăn nuôi bò cái. Từ những mô hình sinh kế này, trong năm 2023 đã có 18 hộ thoát nghèo và 17 hộ thoát cận nghèo.
 
Bà Nguyễn Thị Vinh, xã Liên Trạch (Bố Trạch) chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, theo chương trình hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình tôi đã được hỗ trợ một con lợn nái. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt, gây giống, phát triển chăn nuôi để thoát nghèo".
 
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hồ Tân Cảnh cho biết: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2023, tỉnh được phân bổ tổng nguồn vốn là 177.542 triệu đồng. Theo báo cáo đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2021-2023, nguồn vốn phân bổ cho 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển: Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy (Lệ Thủy), Liên Trạch (Bố Trạch) và Phù Hóa (Quảng Trạch) trong năm 2023 đã được giải ngân với tổng là 697 triệu đồng (nguồn vốn sự nghiệp), đạt 58,1% và giải ngân được 22 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển), đạt 100%.
 
Thông qua nguồn vốn phân bổ, các xã hưởng lợi đã và đang triển khai đầu tư và duy tu bảo dưỡng 35 công trình: Gồm công trình giao thông, giáo dục, thủy lợi, chợ, nhà văn hóa. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 4/4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, liên kết vùng, phục vụ dân sinh đạt tỷ lệ 100% kế hoạch đề ra...
Hiền Phương

tin liên quan

Trải nghiệm, thực hành kỹ năng chữa cháy, cứu nạn ở cơ sở
Trải nghiệm, thực hành kỹ năng chữa cháy, cứu nạn ở cơ sở

(QBĐT) - Nhằm lan tỏa tinh thần "Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy (PCCC)" đến với học sinh, sinh viên, người dân trên địa bàn tỉnh, vừa qua, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH tại địa bàn TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn và hai huyện: Lệ Thủy, Minh Hóa.

Đào tạo nghề cho người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh huyện Bố Trạch
Đào tạo nghề cho người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh huyện Bố Trạch

(QBĐT) - Ngày 20/12, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam tổ chức khai giảng các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, làng nghề ở huyện Bố Trạch. 

Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới

(QBĐT) - Ngày 20/12, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh ban hành Công văn số 83/VPTT về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới.