![]() |
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Trung Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Ninh khẳng định: Để hoàn thành chỉ tiêu được giao, chính quyền địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về sự thay đổi mức đóng, mức hỗ trợ của Nhà nước và quyền lợi được hưởng; trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho các nhân viên thu BHXH; cụ thể hóa các chỉ tiêu BHXH, bảo hiểm y tế thành chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng thôn và các tổ chức, đoàn thể, nhân viên thu, đồng thời theo sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện…
Tuy nhiên, do vấp phải nhiều trở ngại nên việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của Võ Ninh vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”. Theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, từ ngày 1/1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện điều chỉnh theo hướng tăng thêm. Theo đó, mức tham gia thấp nhất là 330.000 đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng của năm 2021. Điều này tác động trực tiếp đến những người đang tham gia BHXH tự nguyện.
Hơn nữa, qua nắm bắt thực tế trong công tác phát triển và duy trì đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn cho thấy, một số trường hợp tham gia nhưng chưa thật sự hiểu sâu, hiểu rõ về chính sách BHXH tự nguyện, dẫn đến việc bị lung lay tư tưởng, giảm niềm tin khi nghe được những thông tin không chính xác về mục đích, ý nghĩa của chính sách BHXH tự nguyện và cuối cùng quyết định bỏ ngang, không đóng tiếp. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn xã có đến 38 trường hợp ngừng đóng BHXH tự nguyện.
Theo số liệu thống kê từ BHXH huyện Quảng Ninh, tính đến tháng 9/2023, xã Võ Ninh có 231 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 80,66% kế hoạch được giao, giảm 11 người so với năm 2022. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn xã chỉ tăng thêm 27 người tham gia mới BHXH tự nguyện, nhưng có đến 38 người ngừng tham gia (bao gồm số gián đoạn). |
Một vấn đề nữa tác động đến hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện ở Võ Ninh chính là sự xuất hiện và phát triển của các loại hình bảo hiểm thương mại khác. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện tại, trên địa bàn xã có nhiều đại lý, cơ sở kinh doanh các loại hình bảo hiểm thương mại. Các đại lý này tồn tại từ nhiều năm nay và thu hút một số lượng không nhỏ người dân địa phương tham gia. Đối với những người đã tham gia các loại hình bảo hiểm thương mại thì việc bảo đảm tài chính để đóng thêm BHXH tự nguyện là điều rất khó thực hiện. Còn những người chưa tham gia lại nảy sinh tâm lý so sánh, dao động. Bởi vậy, việc họ không mặn mà với BHXH tự nguyện là điều dễ hiểu.
“Thời gian tới, để tạo những chuyển biến tích cực trong công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động. Bởi, muốn phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, không còn cách nào khác ngoài việc kiên trì, bám sát và tuyên truyền. Phải làm sao để bà con dần thay đổi nhận thức và hiểu rằng, BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động, do Nhà nước tổ chức thực hiện, được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ không vì lợi nhuận. BHXH tự nguyện là “của để dành” hiệu quả, an toàn và đáng tin cậy…”, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Ninh Hoàng Trung Thông nhấn mạnh.
Tâm An