Chủ động phòng, chống lụt bão theo phương châm "4 tại chỗ"

  • 07:10, 23/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hàng năm, vào mùa mưa bão, huyện Lệ Thủy thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, ngoài tu sửa, nâng cấp hệ thống đê điều, tiêu, thoát nước, địa phương còn tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị các điều kiện thiết yếu phục vụ cho công tác phòng, chống lụt bão (PCLB) theo phương châm “4 tại chỗ”.
 
Thôn Hoàng Giang (xã Xuân Thủy) có hơn 200 hộ dân với trên 830 nhân khẩu. Thôn nằm trong vùng thấp trũng, thường xuyên bị ngập úng bởi những trận mưa lớn kéo dài. Bởi vậy, việc chủ động ứng phó trong mọi tình huống với mưa lũ đã được người dân trong thôn thực hiện quy cũ, bài bản. 
 
Trưởng thôn Hoàng Giang Võ Đức Toán cho biết, sự chủ động của người dân trong thôn là yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại, hậu quả do thiên tai gây ra. Ở đây, mỗi khi mùa mưa bão đến, từ việc gia cố nhà cửa, dự trữ các mặt hàng thiết yếu, lương thực, nước uống đến các nhu yếu phẩm khác đều được cán bộ thôn đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân kịp thời. Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, chính quyền xã Xuân Thủy và thôn Hoàng Giang đã chủ động xây dựng phương án di dời các hộ dân đến nơi trú ngụ an toàn…
Công trình hồ chứa nước Văn Minh (Trường Thủy) được khẩn trương thi công để PCLB.
Công trình hồ chứa nước Văn Minh (Trường Thủy) được khẩn trương thi công để PCLB.
“Công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong thôn ứng phó với thiên tai, bão lũ luôn được quan tâm hàng đầu. Đặc biệt, trong thôn có nhiều hộ dân sống neo đơn, già cả, vì thế, các phương án di dời, bố trí lực lượng sẵn sàng ứng cứu được triển khai kịp thời khi cần thiết nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra…”, Trưởng thôn Hoàng Giang thông tin.
 
Hiện nay, một số dự án nâng cấp, sửa chữa các hồ, đập trên địa bàn huyện Lệ Thủy đang được các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, với quyết tâm đưa các công trình hoàn thành vào sử dụng đúng kế hoạch đề ra. 
 
Đến thời điểm này, dự án nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Văn Minh (xã Trường Thủy) có dung tích là 0,755 triệu m3 đang được đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ. Đây là công trình được khởi công từ đầu năm 2022 với tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng đề ra.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy Nguyễn Văn Tường cho biết, dự án nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Văn Minh có ý nghĩa rất lớn trong bảo đảm an toàn hồ, đập và PCLB ở địa phương; đồng thời công trình hoàn thành sẽ cung cấp đầy đủ nước tưới cho hàng chục ha lúa của thôn Văn Minh…
Người dân thôn Hoàng Giang (Xuân Thủy) chuẩn bị nhu yếu phẩm, sẵn sàng khi có thiên tai xảy ra.
Người dân thôn Hoàng Giang (Xuân Thủy) chuẩn bị nhu yếu phẩm, sẵn sàng khi có thiên tai xảy ra.
“Hàng năm, địa phương đều có phương án PCLB rõ ràng; kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) kiêm Phòng thủ dân sự (PTDS) xã; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; đồng thời thực hiện tốt việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, hóa chất xử lý nước, thuốc chữa bệnh, phòng dịch, phương tiện, vật tư và trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra…”, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết thêm.
 
Huyện Lệ Thủy hiện có 28 hồ chứa, 32 đập dâng với tổng dung tích đạt trên 141 triệu m3. Trong đó: 24 hồ chứa, 32 đập dâng vừa và nhỏ do UBND xã quản lý , 4 hồ chứa nước do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý, gồm: An Mã, Cẩm Ly, Phú Hòa, Thanh Sơn. Hiện, đa số các công trình hồ, đập trên địa bàn huyện được xây dựng từ lâu, các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, nhất là các công trình không bảo đảm an toàn, như: Hồ chứa nước Dạ Lam (xã Thái Thủy), Đông Xuân (xã Trường Thủy), khe Luốc (xã Dương Thủy), hồ Đập Miệu (xã Hưng Thủy)...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho hay, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và hoa màu trong mùa mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS huyện đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, bảo đảm tính thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai an toàn, hiệu quả…

“Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS huyện đã tăng cường chỉ đạo các thành viên thường xuyên bám sát địa bàn các xã, thị trấn để đôn đốc cơ sở chủ động triển khai và thực hiện tốt công tác PCTT theo phương châm "4 tại chỗ"; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tăng cường thông tin cảnh báo kịp thời đến cộng đồng dân cư để người dân chủ động có biện pháp phòng tránh, nhất là đối với các xã được xác định nằm trong khu vực có nguy cơ cao ngập lụt, sạt lở, lũ quét…”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cho biết thêm.
Ngọc Hải

tin liên quan

"Chiến binh áo cam" trong bão lũ
"Chiến binh áo cam" trong bão lũ

(QBĐT) - Quảng Bình là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là mỗi mùa bão lũ gây ngập lụt, sạt lở đất đai, cây cối và gãy đổ lưới điện gây mất điện trên diện rộng… Trước thực trạng này, những "chiến binh áo cam" của ngành Điện phải đối mặt với không ít khó khăn, nguy hiểm...

Thiếu ý thức!
Thiếu ý thức!

(QBĐT) - Trời mưa, chị H. đi đón con giờ tan tầm, đến đoạn đường gần trước cổng trường, xe đông, tắc đường, lại có xe bấm còi inh ỏi khiến mọi người thêm bực bội.

Lời cảm tạ
Lời cảm tạ
Lời cảm tạ