(QBĐT) - Vài năm trở lại đây, cứ mỗi khi trên địa bàn xuất hiện một trận mưa lớn kéo dài hoặc đến thời điểm mùa mưa bão thì hàng chục hộ dân ở xóm Thanh Long, thuộc tổ dân phố (TDP) 8, thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa) lại "ăn không ngon, ngủ không yên" vì lo lắng ngọn núi phía sau lưng nhà có thể đổ ập xuống, đe dọa cướp đi tính mạng, tài sản của họ bất cứ lúc nào.
Vợ chồng anh Đinh Thanh Sơn và Thái Thị Kim Liên (TDP 8, thị trấn Quy Đạt) cho hay: "Kể từ đợt lũ hồi cuối năm 2010, mỗi đợt mưa, ngọn núi ở phía sau lưng nhà đã bắt đầu xuất hiện tình trạng nước lớn kèm theo nhiều đất, đá cứ "tống thẳng" vào vườn, nhà ở. Quá lo sợ, vợ chồng chúng tôi quyết định bỏ tiền đào móng xây một bờ tường rào dài khoảng 15m khá chắc chắn ở phía sau vườn nhằm ngăn không cho nước lũ và đất đá tràn vào. Thế nhưng, đến mùa mưa bão năm 2018, bức tường rào đó tiếp tục bị đất, đá kèm theo nước lớn từ trên ngọn núi đổ xuống đánh sập toàn bộ. Từ đó đến nay, hầu như cứ đến mùa mưa bão là gia đình chúng tôi và một số hộ gần kề đều dắt díu nhau di dời đến trụ sở UBND xã Quy Hóa (cũ) để lánh nạn. Mỗi đợt di dời như vậy thường kéo dài từ 5-10 ngày, rất vất vả, bất tiện vô cùng...".
![]() |
Cũng theo anh Đinh Thanh Sơn, sau mùa mưa bão năm 2018, một số hộ dân ở xóm Thanh Long đã trèo lên ngọn núi phía sau lưng nhà để xem xét thì phát hiện các đường nứt lớn, kéo dài do đất núi bị trượt xuống ở nhiều đoạn. Để kiểm chứng về mức độ sạt lở tại ngọn núi này, từ mùa mưa lũ năm 2019 và những năm tiếp theo, anh Sơn thường đóng những chiếc cọc gỗ vào các vị trí "nghi ngờ" có đất trượt. Kết quả bất ngờ và đáng lo ngại khi có những thời điểm mưa lớn kéo dài chừng 1 giờ đồng hồ, một số chiếc cọc gỗ đã bị dịch chuyển so với vị trí ban đầu tới 2m.
"Vợ chồng tôi sinh được 3 người con, sống chủ yếu dựa vào làm thuê đủ thứ nghề. Bản thân chủ yếu đi làm thuê quanh năm ở tận Hà Tĩnh. Ấy vậy mà mỗi lúc nghe tin dự báo thời tiết có mưa lớn, tôi buộc phải xin nghỉ việc gấp để về nhà giúp vợ con di dời đi lánh nạn kẻo rất nguy hiểm", anh Sơn chia sẻ thêm.
Ông Trần Mạnh Hà, Tổ trưởng TDP 8, thị trấn Quy Đạt cho biết: TDP 8 hiện có 242 hộ, với 948 nhân khẩu. Từ khi phát hiện ra nguy cơ sạt lở ở khu vực xóm Thanh Long, chúng tôi đã kịp thời báo cáo lên UBND thị trấn Quy Đạt và các cơ quan chức năng để nắm bắt tình hình, triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân sinh sống tại khu vực đó. Qua khảo sát, thống kê của UBND thị trấn và các cơ quan chức năng, hiện TDP 8 có 41 hộ, với trên 200 nhân khẩu đang nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở bởi ngọn núi tại xóm Thanh Long.
Kể từ mùa mưa bão năm 2018 đến nay, hầu như năm nào địa phương cũng đều thông báo trên hệ thống loa phát thanh về nguy cơ sạt lở núi để người dân biết mà phòng tránh, di dời; bố trí lực lượng túc trực ở vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở núi để cảnh báo cho người đi đường được biết và phòng tránh. Đặc biệt, vào những thời điểm nhận thấy nguy cơ sạt lở núi cao, UBND thị trấn Quy Đạt và TDP 8 đều tổ chức di dời toàn bộ các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đến trụ sở UBND xã Quy Hóa (cũ) nhằm lánh nạn, đợi đến lúc an toàn mới cho họ quay về nhà...
![]() |
Nhằm giúp TDP 8 ứng phó hiệu quả với nguy cơ sạt lở từ ngọn núi ở xóm Thanh Long, các cấp chính quyền ở huyện Minh Hóa đã trình cơ quan có thẩm quyền xem xét và được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 56/NQ-HĐND, ngày 27/5/2022 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công trung hạn (lần 2), giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn tỉnh quản lý (trong đó có dự án kè chống sạt lở đồi núi thị trấn Quy Đạt, giai đoạn 1, tổng mức đầu tư 17,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2022-2025).
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án kè chống sạt lở đồi núi thị trấn Quy Đạt (giai đoạn 1) gặp phải một số vướng mắc, như: Trong quá trình khảo sát, thiết kế, nguồn vốn bố trí không đủ so với quy mô đầu tư nên đơn vị tư vấn lựa chọn phương án, giải pháp thiết kế đào bạt mái hạ cao độ đồi núi và không bố trí kè chống sạt lở như chủ trương đã phê duyệt; quy mô đầu tư, nhiệm vụ và loại, cấp công trình của dự án không thuộc đối tượng công trình phục vụ nông nghiệp, phát triển nông thôn; phương án thiết kế đưa ra chưa bảo đảm khả thi, phải cần tới nguồn vốn lớn hơn…
"Triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, UBND thị trấn Quy Đạt đã bố trí 3 địa điểm (chủ yếu là trưng dụng các công trình trụ sở và nhà văn hóa tại các TDP) sẵn sàng cho việc di dời toàn bộ hơn 40 hộ, với trên 200 nhân khẩu nằm trong nguy cơ bị sạt lở của TDP 8 đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây nên", ông Đinh Duy Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Quy Đạt cho biết.
|
Trước thực tế nói trên, mới đây, UBND huyện Minh Hóa đã có văn bản xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở đồi núi thị trấn Quy Đạt (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư từ 17,5 tỷ đồng tăng lên 50 tỷ đồng. Hiện, các thủ tục của dự án đang được UBND huyện và các sở, ngành liên quan phối hợp hoàn thiện để trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Mùa mưa bão năm 2023 đang cận kề, trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng thống nhất tìm giải pháp hữu hiệu để bảo đảm an toàn cho khu vực này thì nhiều hộ dân ở xóm Thanh Long vẫn đang phải chấp nhận sống chung với nỗi lo… núi lở.
Văn Minh