![]() |
Tương tự, tại các khu kinh doanh rau, củ, quả, đa số hàng hóa được bày bán tạm bợ, thậm chí có “gian hàng” còn để sản phẩm nông sản trực tiếp trên nền chợ… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan mà còn không bảo đảm yêu cầu ATVSTP cho người tiêu dùng.
Tại một số chợ, như: Nam Lý, Lộc Đại, Bắc Lý, chợ Cộn (TP. Đồng Hới)… mặc dù nguồn nông sản rất phong phú, đa dạng nhưng phần lớn cũng không có tem và nhãn mác. Đa phần thương lái thực hiện phương thức mua bán truyền thống nên chỉ ghi chép, trao tay đơn giản. Họ không quan tâm nhiều đến thông tin địa điểm, quy trình sản xuất, thời gian thu hoạch và thời gian xuất bán các sản phẩm nông sản.
Chị Nguyễn Thị L., ở phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới)-tiểu thương buôn bán trái cây, nông sản tại chợ Đồng Hới-cho biết: "Tôi buôn bán ở chợ truyền thống lâu năm, từ thu mua đến tiêu thụ nông sản đều dựa vào các mối hàng quen biết ở trong tỉnh và ngoài tỉnh… Mỗi ngày tôi nhập số lượng hàng vừa đủ, còn về chất lượng hay hàng hóa có bảo đảm tiêu chuẩn ATVSTP thì tôi không kiểm soát được".
Anh Lê Kim Hoàng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: Nông sản và thực phẩm tại các chợ truyền thống được thương lái thu mua gom từ nhiều nguồn nên hầu như không có tem nhãn, không có hóa đơn hay giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng và hộ kinh doanh tại các chợ cũng đang xem nhẹ vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như các điều kiện ATVSTP.
Hiện nay, phòng chủ yếu giám sát về nguồn thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, hạt…) và thực vật đã qua chế biến (ớt bột, dưa muối, chè, cafe…). Trong năm 2022, phòng đã thực hiện giám sát được 193 mẫu sản phẩm các loại. Từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù chưa phát hiện ra sai phạm nghiêm trọng nhưng khá khó nhận diện và kiểm soát triệt để chất lượng nông sản.
![]() |
Chị Hoàng Thị T.-tiểu thương buôn bán ở chợ Nam Lý-cho biết: "Rau, củ quả tôi thu mua lại từ nhà dân tại địa phương, còn lại lấy hàng từ các đầu mối và hàng chủ yếu ở miền Nam ra. Thường những mặt hàng thu mua tại nhà dân ở địa phương không có kiểm định, hay nhãn mác. Khách đi mua hàng chợ truyền thống phần lớn cũng không quan tâm đến vấn đề này…".
Chị Hà Thị Quỳnh Anh, ở phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) cho biết: Hiện, Quảng Bình có nhiều siêu thị lớn nhỏ, sản phẩm đa dạng trong đó có hàng nông sản được truy xuất nguồn gốc, có tem, mác rõ ràng. Tuy nhiên, so với các chợ truyền thống nguồn hàng nông sản ở trong các siêu thị vẫn còn hạn chế, không đa dạng, phong phú nên người dân vẫn lựa chọn đến với các chợ truyền thống, mặc dù các mặt hàng nông sản khó kiểm soát về ATVSTP.
Trước thực trạng này, nên chăng cần xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát vùng trồng gắn với hệ thống kiểm soát, giám sát đầu vào, đầu ra của nguồn nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối. Qua đó, các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát được chất lượng nông sản, thực phẩm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người sản xuất thấy được giá trị của hàng hóa bảo đảm theo tiêu chuẩn ATVSTP, người tiêu dùng hiểu được giá trị của sản phẩm sạch...