(QBĐT) - Quảng Bình hiện có 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, gồm: Phù Hóa (Quảng Trạch), Liên Trạch (Bố Trạch), Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy (Lệ Thủy). Để vươn lên thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã huy động mọi nguồn lực, tận dụng lợi thế sẵn có để cùng người dân giảm nghèo bền vững.
Năm 2020, xã Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam sáp nhập thành xã Ngư Thủy. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt thủy sản ven bờ nên thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ước tính đến tháng 8/2023, số hộ nghèo của xã là 102/1.450 hộ, chiếm tỷ lệ 7,03%; số hộ cận nghèo 129/1.450 hộ, chiếm tỷ lệ 8,9%. Để góp phần giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương đã quan tâm đến việc hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, trong đó, chú trọng những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã.
Hiện, trên địa bàn xã có 215 mô hình nuôi cá lóc và nuôi ếch. Bên cạnh việc khai thác và chế biến hải sản, những mô hình này không chỉ giúp các hộ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân mà còn đa dạng hóa và nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương.
Một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu tại xã Ngư Thủy là Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản Ngư Nam do anh Nguyễn Hữu Phước làm chủ. HTX đã cho ra đời sản phẩm cá lóc khô tẩm gia vị và được công nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ngoài ra, HTX cũng kinh doanh và chế biến nhiều sản phẩm hải sản khác như ếch khô tẩm gia vị.
Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản Ngư Nam Nguyễn Hữu Phước cho hay: Để chủ động nguồn cung nguyên liệu đầu vào, HTX đã phát triển thêm 6 bể nuôi ếch với số lượng 35.000 con, mỗi năm xuất được 2 vụ, không chỉ cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm của HTX mà còn xuất bán ra thị trường. Nhờ có chất lượng tốt nên các sản phẩm của HTX ngày càng được khách hàng tin tưởng, đón nhận không chỉ ở thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra các địa phương khác trong nước và nước ngoài.
Ngư dân các xã bãi ngang, ven biển nỗ lực mở rộng ngành nghề để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Ngoài các mô hình chế biến và nuôi trồng thủy hải sản, trong những năm gần đây, người dân xã Ngư Thủy còn phát triển nhiều mô hình kinh tế khác như chăn nuôi lợn, gà, làm hương, làm chổi đót, nuôi yến sào,… mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nguyễn Phương Thăng cho biết: Với xuất phát điểm thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khả năng đầu tư về khoa học công nghệ trong chế biến, sản xuất chưa nhiều nên các sản phẩm địa phương vẫn còn đối diện nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề trên cũng như hỗ trợ người dân thoát nghèo, ngoài phát huy vai trò tiên phong của các mô hình kinh tế, cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ chính quyền địa phương cho đến huyện, tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ: Năm 2023, huyện phấn đấu giảm hộ nghèo 1%, tương ứng với giảm 420/2.300 hộ; hộ cận nghèo giảm 0,5%, tương ứng với giảm 209/1.669 hộ. Huyện đã tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho các xã nằm trong vùng hưởng lợi dự án, trong đó quan tâm đến 2 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc… để hoàn thành tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.
Phù Hóa là một trong những xã bãi ngang đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Trạch. Tính đến hết quý II/2023, từ nguồn vốn đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Phù Hóa được bố trí đầu tư xây dựng 5 công trình hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, với số tiền 5.500 triệu đồng. Đồng thời, từ nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho xã bãi ngang, ven biển của huyện, xã Phù Hóa được bố trí 300 triệu đồng nhằm đẩy nhanh mục tiêu nông thôn mới và thoát nghèo bền vững.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Trần Quang Trung cho biết: Huyện đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các công trình đề ra trong kế hoạch dành cho vùng bãi ngang, ven biển đặc biệt khó khăn của huyện và phấn đấu giải ngân 100% kinh phí được phân bổ đến hết ngày 31/12/2023, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 4,37% và hộ cận nghèo còn 4,27% vào cuối năm.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hồ Tân Cảnh, trong năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8%, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,5%. Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, huy động sự tham gia của người dân để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Đối với các xã bãi ngang, sở cũng đề xuất lên UBND tỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo được giá trị và lợi nhuận cao trên một đơn vị diện tích; đưa ngành nghề mới vào sản xuất làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Để tiếp tục giúp người dân giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập, trong thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình HTX, nhân rộng các mô hình HTX, trang trại, tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả với đa dạng ngành nghề tại các xã bãi ngang.
Theo số liệu thống kê từ Sở LĐ-TB-XH, nguồn vốn được phân bổ thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 dành cho 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo trong năm 2023 với tổng vốn đã giải ngân là 156.006 triệu đồng (vốn sự nghiệp); 100% các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh...
(QBĐT) - Sáng 28/8, đồng chí Trần Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Hới; các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ cùng lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN và các phòng, ban, đơn vị, đoàn thể thành phố đã đến dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ tỉnh.
(QBĐT) - Ngày 25/8, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 2820/SGTVT-KCHT về việc hạn chế giao thông trên sông Rào Nan đoạn từ Km0+km1+00 để tổ chức lễ hội đua thuyền năm 2023.
(QBĐT) - Tiếp chúng tôi vào một ngày mùa thu cuối tháng 8/2023 bằng cái bắt tay thật chặt và nụ cười sảng khoái, anh Đinh Tiến Quang, Trưởng bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa (Minh Hóa) cho hay: "Hôm nay, bà con bản Bãi Dinh đang tiến hành làm lễ liên hoan để mừng một số công trình vừa mới được khánh thành, đưa vào sử dụng ở bản đúng vào dịp Quốc khánh 2/9. Đây là ngày vui của bản, trân trọng mời nhà báo cùng ở lại để chia sẻ niềm vui với bà con nhé...!".