Tiếng gõ búa vang lên ở Paris!

  • 08:07, 01/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhắc đến chuyến đi Paris năm ấy, ông Phan Lâm Phương (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh) rộn ràng hẳn: Đó là chuyến đi mà kết quả vượt ra ngoài sự mong đợi.
 
- Thưa ông, ông tiếp cận với phần việc liên quan đến đệ trình hồ sơ Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) lên UNESCO để được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới như thế nào?
 
- Đầu tháng 7/2003, HĐND tỉnh biểu quyết bầu tôi làm Chủ tịch UBND tỉnh, vừa đúng lúc nhận được thông tin UNESCO có phiên họp để xét công nhận Di sản thiên nhiên thế giới, được tổ chức tại Paris (Pháp).
 
Trước khi lên đường, đoàn Việt Nam nhận được thông báo từ cơ quan tư vấn IUCN (tổ chức tư vấn độc lập xem xét các di sản trước khi trình cho UNESCO) là PN-KB không được đệ trình UNESCO đưa vào danh sách công nhận di sản thế giới trong phiên họp này.
Ban đầu, chúng tôi cũng băn khoăn không biết có nên sang dự phiên họp hay không, khi mà chưa đi đã biết kết quả như vậy. Các anh ở Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa-Thông tin động viên nên đi để khẳng định sự nhiệt tình, mong muốn của địa phương, nếu không được thì cũng coi như rút kinh nghiệm.
VQG PN-KB được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đã nâng vị thế của tỉnh Quảng Bình, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều công trình, hạng mục lớn của tỉnh nhận được sự đầu tư của Trung ương cũng là nhờ Quảng Bình có Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB.
Ông Phan Lâm Phương chia sẻ kỷ niệm về chuyến đi Paris 20 năm trước.

Mình nghĩ, đã không đi thôi, sang đây rồi phải cố gắng hết mình, dù được hay không cũng không phải hối tiếc. Đoàn Việt Nam dự phiên họp có 5 người, riêng Quảng Bình có tôi và anh Nguyễn Tấn Hiệp (Giám đốc VQG PN-KB lúc bấy giờ-P.V). Theo quy định của UNESCO, tất cả các thành viên phải đồng ý thì mới được công nhận. Đây là khoa học, nên mọi sự thuyết phục, vận động phải trên cơ sở các lý lẽ chặt chẽ.

- Để PN-KB trở thành Di sản thiên nhiên thế giới ở thời điểm đó rất khó khăn. Và chúng ta đã lật ngược tình thế ngoạn mục, phải không ạ?

- Tại phiên họp, tổ chức IUCN đưa ra 2 lý do: VQG PN-KB chưa đủ quy mô (Họ khuyên mình nên mở rộng thêm diện tích không chỉ ở Việt Nam mà còn nên kết hợp với Khu bảo tồn thiên nhiên Hin Nậm Nô ở Lào để đủ quy mô được công nhận) và việc mở con đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh thái, không bảo đảm tính vẹn toàn cho di sản. Họ còn trình chiếu video về hiện trạng làm đường với mịt mù đất đá, ngay tại phiên họp.
 
Trả lời chất vấn trước hội đồng của UNESCO, chúng tôi đã bảo vệ quan điểm, khẳng định tính tất yếu phải làm đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Đó là con đường có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam và sẽ là con đường cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong VQG PN-KB tiếp cận với thế giới văn minh, là con đường cứu hỏa, cứu hộ động vật ở vùng di sản… do đang làm nên đất đá, bụi bặm; khi xong đường, chúng tôi sẽ khôi phục, trồng lại cây xanh. Còn về quy mô của vườn, chúng tôi sẽ nghiên cứu và bổ cứu sau.
 
Tại phiên họp, đại diện của một số nước đã ủng hộ, cho ý kiến rằng đây đã từng là con đường bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam. Về quan điểm gộp Khu bảo tồn thiên nhiên Hin Nậm Nô với VQG PN-KB, đại diện nước bạn Lào đề xuất nên để Việt Nam làm trước, Lào sẽ học tập sau vì mới làm mà rộng quá, sẽ khó khăn trong việc quản lý. Một số ý kiến cho rằng, nên công nhận di sản đối với VQG PN-KB, vì nếu không sớm công nhận, sợ rằng nguy cơ sẽ khó khăn trong bảo vệ rừng, hệ sinh thái nơi đây.
 
Khi cuộc tranh luận đang căng thẳng thì phiên họp đến giờ giải lao, suốt cả trưa hôm đó, đoàn không ăn nổi vì lo lắng. Phiên họp trở lại trong buổi chiều, thấy các đại biểu giơ tay phát biểu, anh Hiệp xúc động, nói với tôi: Được rồi anh ơi! Tôi bảo: Chưa được đâu, họ mới phát biểu thôi mà!
 
Đến lúc bà Chủ tịch điều hành phiên họp hỏi: Còn ai có ý kiến gì không? Không ai có ý kiến gì. Tiếng gõ búa vang lên, tất cả chúng tôi đều vỡ oà cảm xúc, không cầm được nước mắt: VQG PN-KB đã được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới. Tất cả các thành viên dự phiên họp đứng lên chúc mừng Việt Nam.
Ông Phan Lâm Phương đón bằng công nhận Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB từ đại diện UNESCO, vào sáng 15/2/2004. Ảnh nhân vật cung cấp.
Ông Phan Lâm Phương đón bằng công nhận Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB từ đại diện UNESCO, vào sáng 15/2/2004. (Ảnh nhân vật cung cấp).
- Đã 20 năm kể từ ngày đó, hẳn cảm xúc vẫn chưa hề phai nhạt trong ông?
 
- Ngay khi có kết quả, tôi vội điện về cho gia đình. Lúc đó ở mình đang nửa đêm, ba tôi đang ngủ, tôi bảo em trai gọi ông dậy bằng được để kể hết hành trình đấu tranh với những cung bậc cảm xúc của đoàn Việt Nam. Không vui sao được khi tưởng đi sẽ về không nhưng kết quả vượt lên sự mong đợi, với sự nỗ lực của cả đoàn cùng sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
 
Trong số 39 hồ sơ di sản mà cơ quan tư vấn IUCN chưa đồng ý đệ trình lên UNESCO công nhận di sản lần này, duy nhất chỉ có VQG PN-KB được công nhận. Để thấy rằng, khi khó khăn, mình phải quyết tâm nhiều hơn để đạt được mục đích, chứ nản lòng mà sớm bỏ cuộc, chắc chắn sẽ thất bại. Và cũng phải thấy rằng, đây là kết quả của một quá trình, công sức của rất nhiều người, trải qua nhiều lần tập hợp hồ sơ để đệ trình lên UNESCO, chứ không riêng gì chuyến đi lần này.
 
Nghe tin chiến thắng, tối hôm đó, bà con Việt kiều kéo đến chỗ chúng tôi ở để ăn mừng, chia vui, cùng nhau hát vang “Quảng Bình quê ta ơi” suốt đêm.
 
- Phong Nha-Kẻ Bàng được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới là niềm tự hào song cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho những người quản lý, bảo vệ rừng, các nhà chức trách,… lúc bấy giờ cũng như sau này. Còn điều gì cho đến nay khiến ông còn trăn trở, thưa ông?
 
- Được công nhận di sản là quý rồi nhưng việc quan trọng nữa phải là bảo vệ cho được di sản đó, chứ không là mất uy tín (hàng năm, UNESCO tiếp tục họp xem xét mình có giữ được các tiêu chí không). Nhưng bảo vệ không có nghĩa là khoanh lại rồi mình ngồi mà trông, giữ khư khư. Quan trọng là, phải làm sao để con người tiếp cận, hưởng thụ được những giá trị của di sản đó nhưng không vi phạm.
 
Tôi cho rằng, việc khai thác giá trị di sản hiện nay còn chưa đa dạng, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB. Quan điểm nặng về chuyện có di sản rồi khoanh lại bảo vệ cho bằng được địa tầng, địa mạo, đa dạng sinh học,… mà không dám khai thác là không nên. Cần phải hài hòa giữa bảo vệ và khai thác, phát huy giá trị của di sản.
 
VQG PN-KB được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đã nâng vị thế của tỉnh Quảng Bình, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều công trình, hạng mục lớn của tỉnh nhận được sự đầu tư của Trung ương cũng là nhờ Quảng Bình có Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB.
Trần Hương Lê (thực hiện)

tin liên quan

Ứng dụng sinh trắc xác thực vân tay trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Ứng dụng sinh trắc xác thực vân tay trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

QBĐT) - Công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp và trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là một trong những đổi mới của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện nay.

Tạo chuyển biến trong lĩnh vực môi trường
Tạo chuyển biến trong lĩnh vực môi trường

(QBĐT) - Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác quản lý nhà nước về TN-MT trên địa bàn tỉnh tiếp tục đi vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật, trong đó, lĩnh vực môi trường có sự chuyển biến tích cực.

Gặp lại người tìm ra hang động lớn nhất thế giới
Gặp lại người tìm ra hang động lớn nhất thế giới

(QBĐT) - Bây giờ thì Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới đã nổi tiếng khắp năm châu. Nhưng xung quanh hang Sơn Đoòng, cũng như cuộc đời của ông Hồ Khanh (SN 1969)-người đầu tiên tìm ra nó vẫn còn rất nhiều câu chuyện thú vị!