(QBĐT) - Một buổi sáng tháng 7 nắng rát, trong quán tạp hóa ven đường tại xã Vạn Ninh (Quảng Ninh), người phụ nữ chủ quán lật từng dòng thư ố vàng thời gian mà chồng chị để lại trước khi hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang) trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Chị thì thầm với tôi: “Anh ấy mất rứa mà cũng đã gần 40 năm!”.
Ra đi từ mái tranh nghèo
Chị tên Lê Thị Thanh Xuân (SN 1953) vợ liệt sỹ Ngô Xuân Bình (SN 1953), hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên năm 1986. Chị kể: Vợ chồng kết hôn năm 1974, thời gian ở với nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay, đâu hơn tám tháng, còn lại anh đi chiến trường. Khi anh nhập ngũ, chị mang thai cháu đầu Ngô Thanh Tĩnh mới ba tháng. May mắn cho vợ chồng là qua hai lần anh nghỉ phép chị có thêm các cháu Ngô Ngọc Linh (SN 1978) và Ngô Thị Thùy Uân (SN 1982).
Liệt sỹ Ngô Xuân Bình vào bộ đội khi đang làm cán bộ liên lạc ở xã Vạn Ninh, trưởng thành từ chiến sĩ, đảm nhận qua nhiều vị trí công tác, anh hy sinh khi giữ chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 818, Sư đoàn 314, Quân khu 2. “Ra đi từ mái tranh nghèo, tài sản quý giá nhất mà anh để lại cho gia đình là một thùng đạn bằng gỗ, một tấm chăn dù và những bức thư anh gửi từ chiến trường... Lẽ thường, theo phong tục địa phương thì tất cả tài sản liên quan đến người mất thường phải đốt theo, nhưng chị thì kiên quyết giữ lại.
![]() |
Thư anh thấm đẫm tình yêu thương vợ con, gia đình. Một số bức thư chị trao lại cho con gái Ngô Thị Thùy Uân hiện sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, mong muốn con gái mỗi khi gặp phải gian nan, trắc trở gì trong cuộc sống thì hãy đọc những dòng thư của ba, lấy đó làm điểm tựa, niềm tin để vượt qua. Ngay cả bản thân chị cũng thế, từ ngày anh mất đến nay đã gần 40 năm, chị thủ tiết thờ chồng, nuôi con cái nên người đều nhờ phúc anh giữ lại”, chị Xuân chia sẻ.
“Nam chinh, Bắc chiến”
Một kỷ vật khác liên quan đến liệt sỹ Ngô Xuân Bình và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc mà chị Lê Thị Thanh Xuân giới thiệu cùng tôi là cuốn tự truyện “Nam chinh, Bắc chiến” của tác giả Hà Minh Sơn, nguyên Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn 314, đồng đội liệt sỹ Ngô Xuân Bình ký tặng chị Xuân.
Về trường hợp hy sinh của liệt sỹ Ngô Xuân Bình, cựu chiến binh Hà Minh Sơn thuật lại: Ngày 25/8/1986, địch dùng cối 120mm bắn phá vào trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn 8, khu vực đồi Tròn, không may một quả rơi trúng vào hầm chỉ huy tiểu đoàn làm Tiểu đoàn trưởng Trần Xuân Thoại, quê Thái Bình; Tiểu đoàn phó Ngô Xuân Bình, quê Quảng Bình và một số chiến sĩ hy sinh. Đây là một tổn thất lớn đối với Trung đoàn 818 và Sư đoàn 314 trong chiến tranh biên giới Vị Xuyên, Hà Tuyên.
Đồng chí Bình hy sinh tại chỗ, đồng chí Thoại ra đến trạm phẫu của sư đoàn ở Km13 ngày hôm sau mới hy sinh. Hai người được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ B14, Km13 đường Hà Giang đi Quảng Bạ, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên. Sau này đồng chí Nguyễn Ngọc Để quê Quảng Bình, đồng đội liệt sỹ Bình cất bốc hài cốt đưa về quê cho gia đình.
Trở lại với những bức thư liệt sỹ Ngô Xuân Bình gửi về cho gia đình, hiện tại chị Lê Thị Thanh Xuân còn giữ 3 bức đều được viết trong năm 1986: Bức thứ nhất viết ngày 25/1, bức thứ hai đề ngày 15/3 và bức cuối ghi ngày 30/3... Năm tháng sau thì liệt sỹ Ngô Xuân Bình hy sinh.
![]() |
Trong tất cả các lá thư, liệt sỹ Ngô Xuân Bình dành rất nhiều tình cảm yêu quý cho chị Lê Thị Thanh Xuân, liệt sỹ gọi vợ trìu mến: “Xuân em thương!”, “Xuân em nhớ thương!”. Bức thư ngày 25/1, liệt sỹ Ngô Xuân Bình viết: “Các con Thanh Tĩnh, Ngọc Linh, Thùy Uân có nhớ ba không? Ba nhớ các con quá. Nếu các con nhớ thương ba thì ba nói như thế này nhé! Ba đi vắng, mẹ các con yếu mà phải đi làm để có lúa gạo nuôi các con nên các con cố gắng giúp mẹ với nhé. Cố gắng học giỏi, ngoài học ra về lo trong nhà nấu cháo lợn, nấu cơm, quét nhà... Các con cố gắng để khi nào ba về thì ba may áo mới cho các con nhé!”.
Sự ác liệt của chiến trường cũng được liệt sỹ Ngô Xuân Bình gửi về chia sẻ cho hậu phương trong thư đề ngày 30/3: “Ngày 28/1 đánh nhau một trận ra trò, tuy ác liệt nhưng ta thắng, hơn 410 tên địch bỏ xác tại chỗ. Thật là một ngày khủng khiếp về pháo và cối, chúng bắn vì thua trận nhằm hủy diệt ta...”.
Cũng tại bức thư này, liệt sỹ Ngô Xuân Bình thông báo cho chị Lê Thị Thanh Xuân biết là đơn vị cử mình đi học cao lên, “ra khỏi chỗ hòn tên mũi đạn” nhưng anh vẫn còn suy nghĩ chưa quyết định vì chiến trường, đồng chí, đồng đội đang cần mình ở lại. “Lãnh đạo sư đoàn muốn anh Bình an toàn, sau này hết chiến tranh còn có trách nhiệm chăm vợ nuôi con nhỏ dại, nhưng anh kiên quyết từ chối”, chị Lê Thị Thanh Xuân kể về người chồng.
“Lịch sử đã chọn Vị Xuyên, Hà Giang trở thành tâm điểm của một cuộc chiến tranh ác liệt bảo vệ biên giới phía Bắc, diễn ra suốt 10 năm (1979-1989). Đặc biệt trong 5 năm (4/1984-10/1989), Vị Xuyên là chiến trường đẫm máu, phải hứng chịu hàng triệu viên đạn pháo của địch. Trung Quốc huy động tới hơn 50 vạn quân xâm lược Việt Nam tại vùng đất này. Là một trong những đơn vị chủ lực trong đội hình mặt trận Vị Xuyên của Quân khu 2, Sư đoàn 314 đã chiến đấu anh dũng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã ngã xuống tại mảnh đất địa đầu Tổ quốc hoặc bị thương tật suốt đời... Đây là cuộc chiến vệ quốc mà lịch sử và hậu thế không được lãng quên!” (Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng ban liên lạc toàn quốc cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang)
|
Ngô Thanh Long