"Giữ xanh" đồng ruộng - Bài 1: "Cha chung không ai khóc"

  • 10:07, 28/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao năng suất, chất lượng nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, nhiều người vẫn chưa có ý thức thu gom, xử lý rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng cách sau khi sử dụng. Thêm vào đó, không ít người dân “vô tư” mang rác thải từ nhà ra “giải phóng” ngoài đồng. Thực trạng này không chỉ khiến môi trường (MT) ngày càng ô nhiễm, nhếch nhác mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
 
Hiện nay, đồng ruộng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ ý thức của người dân. Mặc dù chính quyền, đoàn thể các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhưng thực trạng người dân xả thải ra MT đồng ruộng vô số rác thải, đặc biệt là bao bì thuốc BVTV vẫn liên tục diễn ra.
 
Toàn tỉnh hiện có 220 cơ sở kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc BVTV, trong đó có 126 đại lý kinh doanh cả phân bón và thuốc BVTV, 48 đại lý buôn bán thuốc BVTV, 46 đại lý buôn bán phân bón.

Khảo sát một vòng tại cánh đồng thuộc địa phận xã Đại Trạch (Bố Trạch), đập vào mắt chúng tôi là những đống rác được tập kết ngổn ngang trên bờ ruộng gần tuyến kênh mương chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 1. Rác ở đây bao gồm đủ loại từ bao bì, chai lọ, vỏ bánh kẹo, hộp sữa cho đến túi nilon… vứt bừa bãi, vương vãi và chỉ cần một cơn gió nhẹ là phát tán xuống kênh mương, đồng ruộng, khiến mỹ quan khu vực vô cùng nhếch nhác.

Theo như lời ông Lê Xuân Duật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Trạch thì đây là rác thải do Trạm thủy nông Đá Mài vớt lên từ tuyến kênh mương và đang chờ để xử lý theo hình thức đốt tại chỗ. Nhưng lúc nào đốt và định kỳ bao nhiêu ngày đốt một lần thì ông Duật không nắm rõ. Và qua thực tế chúng tôi khảo sát được, những đống rác này vẫn tồn tại ở đó từ ngày này qua ngày khác mà chưa thấy được xử lý. Hơn nữa, nếu có xử lý thì việc đốt rác thải ngay sát tuyến Quốc lộ 1 sẽ gây phát thải khí độc cũng như tiềm ẩn không ít nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
 

Đi sâu khảo sát nhiều điểm khác tại cánh đồng xã Đại Trạch, không khó để chúng tôi bắt gặp tình trạng rác thải vứt bừa bãi, nhất là vỏ bao bì thuốc BVTV. Toàn xã Đại Trạch có 480ha đất nông nghiệp trồng lúa. Mỗi năm, địa phương tiêu thụ một lượng phân bón, thuốc BVTV cho canh tác nông nghiệp không hề nhỏ và tỷ lệ thuận với đó là lượng tồn dư của thuốc BVTV, phân bón trong đất, nước. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường (BVMT) đồng ruộng trước tác hại của thuốc BVTV, phân bón và rác thải lại không được người dân địa phương chú trọng.

Rác thải nổi đầy mương nước, vương vãi trên đường tại một đoạn đồng thuộc địa phận thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh (Quảng Ninh).
Rác thải nổi đầy mương nước, vương vãi trên bờ ruộng ở thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh (Quảng Ninh).

“Dù chúng tôi luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của bà con trong việc BVMT nói chung, MT đồng ruộng nói riêng nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Tình trạng vứt rác thải bừa bãi vẫn diễn ra. Hàng năm, xã huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên làm vệ sinh, thu gom rác thải tại đồng ruộng vào 2 đợt, trước vụ sản xuất đông-xuân và hè-thu. Tuy nhiên, do lực lượng hạn chế nên cũng chỉ làm vệ sinh ở các trục đường chính, bởi vậy hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, sau mỗi đợt thu gom rác thải, MT đồng ruộng cũng chỉ được làm sạch một thời gian, sau đó thì trở lại… “điệp khúc” cũ”, ông Duật chia sẻ.

Đây cũng là tình trạng mà chúng tôi bắt gặp tại cánh đồng thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh (Quảng Ninh). Trên một quãng đồng nằm ngay tuyến đường liên xã, rác thải với đủ loại không chỉ nổi đầy mương nước mà còn vương vãi trên đường, bay xuống ruộng lúa. Được biết, số rác thải này là sản phẩm mà người dân quanh vùng “tiện tay” vứt xả.
 
Thời điểm chúng tôi đến, có một vài người dân đang đi thăm đồng, thấy rác thải ngay trước mặt nhưng họ không hề có động thái gom nhặt để đúng nơi quy định. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao thấy rác không nhặt thì họ bỏ đi và không nói gì. Chính sự thờ ơ, bàng quan của những người này là một trong những nguyên nhân khiến MT đồng ruộng ngày càng nhếch nhác, ô nhiễm vì rác thải.
 
Điều đáng nói, sự thờ ơ, bàng quan ấy không phải là chuyện hiếm thấy mà là… “chuyện thường ngày ở huyện”, bởi tâm lý chung của hầu hết người dân đối việc BVMT đồng ruộng vẫn là… “cha chung không ai khóc”.
 
Hiện nay, đồng ruộng ở nhiều địa phương trong tỉnh đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau. Đa số rác thải trong quá trình canh tác đều được người dân “bạ đâu vứt đấy” mà không hề quan tâm đến những tác động, hệ lụy của chúng đối với MT.
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hồ Khắc Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tình trạng ô nhiễm MT trong lĩnh vực trồng trọt hiện nay chủ yếu xuất phát từ việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV không hợp lý và quá trình xả thải vỏ lọ, bao bì thuốc BVTV, phân bón ra MT.
Rác thải khiến cánh đồng nằm sát Quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Đại Trạch (Bố Trạch) trông rất nhếch nhác.
Rác thải khiến cánh đồng nằm sát Quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Đại Trạch (Bố Trạch) trông rất nhếch nhác.
Theo thống kê của cơ quan quản lý chuyên ngành, bình quân hàng năm, lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn Quảng Bình khoảng 62,6 tấn, trong đó, thuốc sinh học chỉ khoảng 0,3 tấn; số còn lại là thuốc hóa học. Lượng bao bì thuốc BVTV thải ra MT ước khoảng 4-4,5 tấn, trong khi việc thu gom, tiêu hủy vỏ lọ, bao bì thuốc BVTV chỉ đạt khoảng 10% so với lượng vỏ bao bì thuốc BVTV phát thải ra MT.
 
Bên cạnh đó, lượng phân bón sử dụng khoảng 252.580 tấn/năm, trong đó, phân hóa học là 59.520 tấn, phân hữu cơ, sinh học 9.963 tấn và phân hữu cơ không thương mại 183.096 tấn. Lượng bao bì, vỏ hộp thải ra MT khoảng 2,5 tấn, phần lớn không được thu gom xử lý mà vứt bừa bãi ra đồng ruộng, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và đe dọa sức khỏe cộng đồng.
 
Các loại phân bón, thuốc BVTV được sử dụng ngay từ đầu vụ sản xuất, cây trồng chỉ hấp thụ tối đa khoảng 50% tùy loại. Lượng còn lại không được cây trồng hấp thụ hết sẽ hòa tan trong nước, tồn dư trong đất và được tự do di chuyển theo dòng nước chảy, nhất là khi có mưa to, nước chảy tràn lan từ ruộng ra kênh mương, sông suối...
 
Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về buôn bán thuốc BVTV, phân bón cho các đại lý nhỏ lẻ còn hạn chế; nhiều đại lý khi bán thuốc BVTV, phân bón cho người dân chưa hướng dẫn cụ thể cách sử dụng dẫn đến quá trình sử dụng không đúng quy trình. Việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng chưa được chú trọng, chưa có hướng xử lý sau thu gom...
 
Chính những điều này là nguyên nhân khiến MT đồng ruộng của nhiều địa phương luôn trong tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Tâm An
 
Bài 2: Có quá khó để giữ sạch đồng ruộng?!

tin liên quan

Nhận "sổ đỏ" sau... 21 năm chờ đợi
Nhận "sổ đỏ" sau... 21 năm chờ đợi

(QBĐT) - Ông Cao Thanh Hoài (SN 1955) và bà Hồ Thị Sông Hương (SN 1964) trú tại thị trấn Đồng Lê, được UBND huyện Tuyên Hóa cấp đất ở từ năm 1988. Thế nhưng vì nhiều lý do, đến năm 2023... nghĩa là qua 21 năm, vợ chồng ông Hoài mới được UBND huyện Tuyên Hóa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ).

Khánh thành và bàn giao nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ tại xã Trường Sơn
Khánh thành và bàn giao nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ tại xã Trường Sơn
(QBĐT) - Ngày 28/7, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh). 
 
TP. Đồng Hới: Kịp thời ứng cứu 1 trường hợp đuối nước
TP. Đồng Hới: Kịp thời ứng cứu 1 trường hợp đuối nước
(QBĐT) - Vào lúc 16 giờ 20 phút chiều 28/7, Tổ cứu hộ cứu nạn bãi biển Bảo Ninh thuộc Đội Quy tắc và Trật tự đô thị TP. Đồng Hới đã kịp thời ứng cứu  1 bé trai bị đuối nước.