(QBĐT) - Từ đầu năm 2023 đến nay, được sự quan tâm chăm lo của tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS và MN) trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.
|
Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 (gọi tắt là chương trình) và Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 10/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết số 08) có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo đó, nhiều dự án và các tiểu dự án thành phần đã được các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai, bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Đó là Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện đã hoàn thành nhiều nội dung quan trọng, như: Thành lập các tổ truyền thông cộng đồng, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, “Địa chỉ tin cậy”…, thu hút sự tham gia của đông đảo đồng bào, góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em như mục tiêu dự án đề ra.
|
Sở Văn hóa-Thể thao đã xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch với các hoạt động cụ thể, như: Tập huấn cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều về công tác bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể; nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một; xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các DTTS…
Các dự án thành phần khác thuộc Chương trình cũng đang được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Nghị quyết số 08 đã và đang bổ sung nguồn lực phát triển bền vững vùng biên giới, ĐBDTTS và MN với những nội dung quan trọng và ý nghĩa, như: Đầu tư dự án đường giao thông và điện lưới; quan tâm các chế độ chính sách cho người có uy tín, già làng, trưởng bản, cô đỡ thôn bản; tiền ăn cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; tháo gỡ những vướng mắc trong đời sống, sản xuất của đồng bào…
Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình cũng được thảo luận, tìm các giải pháp phù hợp để tháo gỡ nhằm bảo đảm tiến độ đề ra…, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH khu vực phía Tây của tỉnh.
Diệu Cầm