(QBĐT) - Cho đến lúc cùng tôi ngồi trên con đò dọc chông chênh ngược dòng Đại Giang đến với đồng bào Bru-Vân Kiều 2 bản Hôi Rấy, Nước Đắng (xã Trường Sơn, Quảng Ninh), Đỗ Minh Hà, Chủ nhiệm nhóm tình nguyện Hải Đăng (TP. Hải Phòng) vẫn chưa thật sự tin mình và các thành viên trong đoàn đã đến Quảng Bình. Tròn 10 năm tôi “bén duyên” với nhóm tình nguyện Hải Đăng, gặp lại vẫn thấy Hải Đăng luôn có lửa. Đỗ Minh Hà úp bàn tay lên phía ngực trái, cười hiền: “Vì lửa thiện nguyện ở trong máu thịt, mất làm sao được”.
Đến tận nơi, trao tận tay
Trong tiếng động cơ máy rì rì, Đỗ Minh Hà giới thiệu cho tôi về chương trình thiện nguyện “Cặp sách trao em” của nhóm tình nguyện Hải Đăng nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tổ chức tại 2 bản Hôi Rấy, Nước Đắng: “Đây là một phần sự kiện thuộc dự án “Vì người nghèo” và dự án “Thanh Xuân” do nhóm tình nguyện Hải Đăng phát động đầu năm 2023.
Mặc dù thời gian chuẩn bị cho chương trình rất ngắn, nhưng Hải Đăng đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nhà hảo tâm, qua đó huy động rất nhiều quà tặng cho trẻ em và người dân: 76 suất quà giúp đồng bào gồm gạo, nước mắm, dầu ăn, bánh kẹo; cặp, sách, vở, đồ dùng học tập cho 41 học sinh tiểu học; bút màu, bánh kẹo, gấu bông, đồ chơi cho học sinh mầm non; trẻ em được ăn một bữa ăn ngon gồm gà rán, xúc xích, nước ngọt; các điểm trường ở 2 bản nhận 2 sân chơi gồm 2 xích đu, 1 cầu trượt và 2 thư viện sách; tặng 6 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó bản Nước Đắng... Đặc biệt, nhóm tình nguyện Hải Đăng đã mời một salon tóc nổi tiếng đất Cảng đồng hành vào cắt tóc cho bà con và mời thêm một câu lạc bộ lân sư rồng đến biễu diễn”.
Nhóm tình nguyện Hải Đăng trao quà cho người dân 2 bản Hôi Rấy, Nước Đắng.
Sau hơn hai giờ ngược dòng Đại Giang, bản Nước Đắng hiện ra trước mặt. Trong cái nắng hanh hao mùa hè, đồng bào 2 bản Hôi Rấy, Nước Đắng vẫn đội nắng chờ đón đoàn thiện nguyện. Giữa những gương mặt thân quen, tôi kịp giới thiệu cho Đỗ Minh Hà và các thành viên nhóm tình nguyện Hải Đăng làm quen với Trưởng bản Nước Đắng Hồ Văn Hơn, Trưởng bản Hôi Rấy Hồ Ba; lãnh đạo xã Trường Sơn và bộ đội Đồn Biên phòng Làng Mô tại tổ công tác Bến Tiêm...
“Hôi Rấy, Nước Đắng là thế... chỉ duy nhất một lối thông thương ra bên ngoài là ngược xuôi dòng Đại Giang. Đồng bào nghèo nhưng chân tình, mến khách. Người miền xuôi lên thăm đã quý, giờ đoàn từ thiện vượt mấy trăm cây số từ Hải Phòng vô, càng quý hơn, lại trao rất nhiều quà cho bà con, cái bụng ai cũng ưng lắm!”, Trưởng bản Nước Đắng Hồ Văn Hơn chân thành.
“Với người dân vùng sâu, vùng xa, quan điểm của nhóm tình nguyện Hải Đăng cùng các nhà hảo tâm là cố gắng “bốn cùng”. Bởi từng món quà dù lớn, dù nhỏ luôn chất chứa trong đó tình cảm người dân Hải Phòng trao gửi đến đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình”, ông Lê Hồng Sơn, thành viên cao tuổi nhất nhóm tình nguyện Hải Đăng chia sẻ.
Trong tim mỗi người đều có lửa
Gặp gỡ đồng bào, cùng mọi người tham gia trao quà cho đồng bào và trẻ nhỏ, ông Lê Hồng Sơn nghẹn ngào rơi nước mắt. Ông xúc động khi chứng kiến sự khó khăn, vất vả, thiếu thốn của bà con Bru-Vân Kiều 2 bản Hôi Rấy, Nước Đắng: “Mình gắn bó với Hải Đăng qua con trai. Qua những lần đến với đồng bào dân tộc thiểu số khắp cả nước, cảm thông, thấu hiểu trọn vẹn nghĩa cử cao đẹp của nhóm tình nguyện Hải Đăng. Cuộc sống đẹp, giản đơn lắm khi chúng ta chia sẻ, trao gửi những gì chúng ta có và nhận lại cái lớn nhất là hạnh phúc. Lần đầu tiên gặp gỡ, sống với người Bru-Vân Kiều Quảng Bình chân tình, thật thà, mến khách, mình tự hào là không uổng phí cho chuyến hành trình dài này”.
Với Nguyễn Bách Diệp, Phó Chủ nhiệm nhóm tình nguyện Hải Đăng, người thiết kế chương trình “Cặp sách trao em” thì “lửa tình nguyện” luôn luôn mới: “Diệp có dịp đến trao quà giúp đồng bào Ma Coong xã Thượng Trạch (Bố Trạch). Chuyến đi bây giờ vẫn nguyên vẹn cảm xúc. Lần này được sống với đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều 2 bản Hôi Rấy, Nước Đắng, hạnh phúc càng nhân lên, bà con dù nghèo mà ân tình, lan tỏa nếp sống lạc quan vì họ vinh dự, tự hào được mang họ Bác Hồ”.
Tổ chức bữa ăn cho trẻ em.
Trưởng bản Nước Đắng Hồ Văn Hơn nói “thiệt bụng” với tôi: “Ban đầu thấy “ông thợ” cắt tóc mà ngại, dáng người nhỏ con, tay xăm kín, hai bên tai lủng lẳng đôi khuyên... nhưng đôi bàn tay “ông thợ” thì quá điệu nghệ. Từng đường tông-đơ, nhát kéo cắt khéo léo không diễn tả được. Sau khi mình cắt xong đầu tóc, về đến nhà suýt chút nữa vợ chẳng nhận ra. Thế là đi tận nhà, đến tận chân cầu thang bảo dân bản mau mau ra “làm đẹp”.
Nguyễn Văn Hiếu, “ông chủ” salon tóc Hoàng Hiếu Barber Shop (TP. Hải Phòng) sau một ngày cật lực cùng với hai tay kéo khác trong salon mở “chiến dịch” cắt tóc cho bà con dân bản vẫn cười rất tươi: “Hoàn thành việc cắt tóc, làm đẹp cho hơn 90% dân số của 2 bản Hôi Rấy, Nước Đắng. Mệt... nhưng chưa bao giờ thấy vui và hạnh phúc như bây giờ!”.
Chia tay với nhóm tình nguyện Hải Đăng, thay mặt cho người dân xã Trường Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Nhì lần lượt bắt tay từng thành viên trong đoàn: “Bản Hôi Rấy, Nước Đắng lần đầu tiên đón một đoàn thiện nguyện quy mô, chặt chẽ như thế này. Hải Đăng đã đem đến cho đồng bào không chỉ về giá trị vật chất mà còn cả giá trị tình cảm, tinh thần. Xã Trường Sơn có đến 15 bản đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, hy vọng sẽ hội ngộ với Hải Đăng thêm nhiều lần khác, ở các bản làng khác”.
Nhóm tình nguyện Hải Đăng là một mô hình thiện nguyện vì cộng đồng mở thành lập năm 2009 trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên TP. Hải Phòng. Năm 2016, sau trận lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân các địa phương dọc hai bờ sông Gianh, thông qua sự kết nối, nhóm tình nguyện Hải Đăng đã đến hỗ trợ cho người dân xã Quảng Minh (TX. Ba Đồn). Từ đó đến nay, cứ đều đặn mỗi năm, nhóm tình nguyện Hải Đăng đều có những chuyến thiện nguyện đến với Quảng Bình. Chương trình “Cặp sách trao em” tổ chức tại 2 bản Hôi Rấy, Nước Đắng lần này trị giá huy động hàng, quà trên 120 triệu đồng.
(QBĐT) - Với chủ đề "Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái", các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, trong Tháng Nhân đạo, góp phần chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
(QBĐT) - Việc lưu giữ những kỷ niệm với nhau trước khi tạm biệt trường lớp, thầy cô, bè bạn là một nhu cầu chính đáng ở cuối mỗi cấp học. Nhưng như thế nào cho phải vẫn là vấn đề cần suy nghĩ.
(QBĐT) - Tại bản Phú Minh và thôn Phú Nhiêu (xã Thượng Hóa, Minh Hóa), hầu hết các hộ dân đều tự bỏ tiền, thậm chí đi vay tiền để đầu tư xây chuồng lợn nhằm đợi được hỗ trợ lợn giống phát triển chăn nuôi hộ gia đình. Tuy nhiên, hầu hết các chuồng lợn đã xây dựng xong gần một năm, nhưng lợn giống thì vẫn chưa được hỗ trợ để nuôi. Vì sao?