(QBĐT) - Công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, làm việc không có hợp đồng lao động (HĐLĐ) nên không được bảo đảm các chế độ bảo hiểm, an toàn vệ sinh lao động… là những thiệt thòi mà đối tượng lao động tự do (LĐTD) đang phải gánh chịu. Dù hệ thống an sinh xã hội ngày càng cải thiện, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân, nhưng thực tế vẫn còn khoảng cách lớn trong tiếp cận chính sách với đối tượng LĐTD.
Nhọc nhằn mưu sinh
Ngồi dựa lưng vào bức tường bên hông ga Đồng Hới, ông Nguyễn Văn Đạt (Nam Lý, TP. Đồng Hới) với gương mặt nhễ nhại mồ hôi vẫn kiên nhẫn đợi khách trong cái nắng gay gắt quá trưa. Hơn 15 năm làm xe ôm, ông gắn bó với công việc vất vả, bấp bênh này không phải vì yêu nghề mà bởi không còn sự lựa chọn nào khác.
“Vợ chồng tôi chẳng có nguồn thu nhập nào ngoài mấy sào ruộng. Mà thuần nông như chúng tôi thì chỉ mong đủ ăn, trong khi đó biết bao nhiêu khoản phải chi tiêu, lo lắng. Ngoại trừ những lúc ốm đau, tôi vẫn đều đặn “hành nghề” trên mọi cung đường bất kể nắng mưa. Hồi trước còn “thịnh”, chứ bây giờ người ta ít đi xe ôm nên thu nhập bấp bênh lắm! Hôm nào may mắn thì cũng được 4-5 cuốc, đủ tiền cho bà nhà tôi đi chợ. Cũng có hôm ngồi không cả ngày chẳng được cuốc nào. Đa phần những người trẻ tuổi, có sức khỏe đã bỏ nghề, tìm việc làm khác, nhưng cánh già đã trên 50 tuổi như chúng tôi thì rất khó nên vẫn cố bám nghề với hy vọng kiếm được đồng nào hay đồng ấy…”, ông Đạt thở dài.
Cũng là một sự lựa chọn bất đắc dĩ vì gánh nặng mưu sinh mà hơn 10 năm nay, bà Trần Thị Thắm ở thôn Đức Điền, xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) gắn bó với công việc phụ hồ đầy vất vả, nặng nhọc. Kéo chiếc áo đẫm mô hôi lau vội gương mặt ửng đỏ vì nắng, bà Thắm chép miệng: “Công việc thợ nề chỉ làm thời vụ vào mùa nắng. Ngày công tuy không phải thấp nhưng rất bấp bênh, có khi nghỉ cả mấy tháng liền, không có đồng ra đồng vào nên cũng túng. Giờ sức khỏe tôi không còn được tốt như thời son trẻ, ngày làm việc, đêm về đau nhức mình mẩy, nhưng vẫn phải bám nghề để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống...”.
Mong muốn tìm được một công việc ổn định trong các cơ quan, doanh nghiệp không phải là chuyện dễ, vì thế, lựa chọn làm nghề tự do vẫn là giải pháp hàng đầu của những người như ông Đạt, bà Thắm. Mặc dù chưa có thống kê chính xác số lượng LĐTD trên địa bàn tỉnh, nhưng thực tế, lực lượng này chiếm con số không hề nhỏ. Phần lớn họ phải làm việc với cường độ lao động cao, trong môi trường độc hại nhưng không được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động thiết yếu, thiếu kỹ năng về an toàn lao động.
Mặt khác, đa số LĐTD không được chủ ký kết HĐLĐ nên họ chịu nhiều thiệt thòi, như: Không được hưởng chế độ thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, không được đào tạo nâng cao tay nghề, huấn luyện an toàn lao động… Không những chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi, LĐTD còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác, như: Mất sức lao động sớm, bị buộc thôi việc vì đa phần chủ doanh nghiệp, cơ sở chỉ thuê người trẻ, có sức khỏe hoặc nếu có việc làm thì cũng chỉ được trả công với mức lương thấp…
![]() |
Thiệt đơn, thiệt kép
Những người thợ xây miệt mài làm việc trên giàn giáo cao, được ghép tạm bợ bằng các thanh gỗ mỏng nhưng không đeo dây bảo hiểm, không đội mũ bảo hộ, bên dưới cũng không có lưới bảo vệ… là hình ảnh thường thấy tại nhiều công trình xây dựng. Chẳng ai dám chắc về độ an toàn của những giàn giáo ấy nhưng vì gánh nặng mưu sinh, họ đành phải đối mặt với nguy hiểm.
Ông Đặng Văn Dư (SN 1960) ở thôn Đức Sơn, xã Đức Ninh có thâm niên gần 30 năm làm thợ xây. Mặc dù đã ở tuổi ngoài lục tuần nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông vẫn phải bám trụ với công việc nhọc nhằn, vất vả lại không ít hiểm nguy này. Cuối năm 2022, trong một lần làm việc, ông Dư không may ngã giàn giáo, chấn thương nặng ở vùng sườn. Khi sự cố xảy ra, ngoài khoản tiền ít ỏi được hỗ trợ từ chính quyền, các đoàn thể ở địa phương, gia đình ông phải tự lo toàn bộ chi phí lên đến vài chục triệu đồng lo thuốc thang, viện phí.
Từ đó đến nay, đã hơn 4 tháng, ông Dư vẫn chưa thể hồi phục sức khỏe để đi làm trở lại. “Vừa tốn tiền điều trị lại không thể đi làm một thời gian dài, nguồn thu nhập không có nên cuộc sống gia đình tôi hiện nay khá chật vật”, ông Dư buồn bã.
Không may mắn như ông Dư, sức khỏe đang dần hồi phục, anh Đ.H.L. (thôn 2, xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới) đã phải đánh đổi cả mạng sống của mình khi vất vả mưu sinh bằng nghề thợ xây. Đầu năm 2022, trong một lần làm việc, không may, anh bị điện giật và ra đi vĩnh viễn. Cuộc sống gia đình anh vốn chẳng khá giả gì nay lại mất đi trụ cột kinh tế nên càng chật vật. Vì làm việc không hề có bất cứ giao kết HĐLĐ nào nên anh L. không được tham gia đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN). Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia đình anh không được hỗ trợ bất cứ khoản mai táng phí hay tiền hỗ trợ TNLĐ nào nên… “thiệt đơn”, “thiệt kép”.
Thực tế, việc triển khai các chính sách an sinh xã hội cho đối tượng LĐTD hiện đang gặp rất nhiều trở ngại; nguyên nhân của thực trạng này đến từ khoảng trống pháp lý và việc triển khai không đồng bộ các gói an sinh xã hội. Khoảng trống pháp lý xuất phát từ việc đa số LĐTD đều không có HĐLĐ. Bản thân họ cũng không nhận thức được giá trị của HĐLĐ để đòi hỏi các quyền lợi đáng được hưởng. Điều này lý giải vì sao khi được hỏi về HĐLĐ, hầu hết các LĐTD đều lắc đầu ngơ ngác.
Trưởng phòng Quản lý thu sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội tỉnh) Phan Văn Hùng cho biết: Trước những thiệt thòi của LĐTD, Nhà nước đã thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình để tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất khi về già. Nhưng trên thực tế, số LĐTD ở tỉnh ta tham gia còn rất ít so với tiềm năng, một phần do họ chưa thấy hết lợi ích của các loại hình bảo hiểm này, một phần do thu nhập hạn chế, họ không đủ điều kiện tham gia.
Cũng do không có HĐLĐ, nên LĐTD không có cơ hội tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm TNLĐ-BNN. Và khi không may sự cố xảy ra thì việc khắc phục hậu quả tùy vào… “lòng tốt” của chủ sử dụng lao động, bởi gần như không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm đối với LĐTD. Các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức Công đoàn cũng khó có thể đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động trong những trường hợp này.
Trước những khó khăn mà LĐTD đang đối mặt, thiết nghĩ, cần có tổ chức đứng ra đại diện quyền lợi cũng như những chính sách hỗ trợ LĐTD, tạo điều kiện để họ được tham gia các loại hình bảo hiểm. Đồng thời, các cấp, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giúp LĐTD nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật lao động, vệ sinh an toàn lao động. Và mấu chốt, mỗi người lao động cần phải tự bảo vệ quyền lợi của mình, yêu cầu chủ sử dụng lao động ký HĐLĐ, bảo hiểm TNLĐ-BNN để bảo vệ bản thân nếu không may gặp rủi ro khi đang làm việc…
Theo số liệu thống kê từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh hiện có 512.914 lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, trong đó, 20,36% lao động thành thị và 79,64% lao động nông thôn. Mặc dù không có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng trên thực tế, đối tượng LĐTD (không có hợp đồng lao động) chiếm con số không hề nhỏ. Trong năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 32 vụ TNLĐ làm 8 người chết và 24 người bị thương nặng. Đây là những vụ TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động; trong khi đó việc thống kê số vụ TNLĐ của LĐTD vẫn đang bị… bỏ ngõ. |
Tâm An