Chuyện hàng quán trước cổng trường

  • 12:11, 08/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực phẩm bẩn, mất an toàn vệ sinh đang là vấn nạn, là nỗi lo của mọi nhà, mọi người. Và đáng lo ngại hơn cả khi thực phẩm bẩn-mối nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe của các em học sinh (HS) vẫn đang ngày ngày hiện hữu tại các hàng quán trước cổng trường. Mặc dù các cơ quan chức năng, địa phương cũng như nhiều trường học đã có không ít giải pháp để hạn chế nhưng hàng quán trước cổng trường vẫn mọc lên “như nấm sau mưa”.
 
Ẩn họa từ các hàng quán trước cổng trường
 
Khảo sát tại nhiều trường học trên địa bàn TP. Đồng Hới, nhất là các trường tiểu học, THCS, không khó để bắt gặp cảnh tượng từng tốp HS tụm năm, tụm ba ăn quà vặt trước cổng trường. Khi các bậc phụ huynh (PH) đang nỗ lực bảo vệ con em mình trước “cơn lốc thực phẩm bẩn” thì trước cổng trường, các loại đồ ăn, thức uống thiếu an toàn vẫn tràn lan.
 
Trước cổng Trường tiểu học Đồng Phú, dãy hàng quán với đầy đủ các thứ quà vặt yêu thích của các em HS hôm nào cũng nhộn nhịp kẻ bán người mua. Đa số các loại hàng hóa ở đây đều không có nguồn gốc rõ ràng, không ghi hạn sử dụng, không bảo đảm quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)... Nhiều loại thức ăn được chế biến sẵn, chế biến ngay tại chỗ trong điều kiện nắng nóng, khói bụi với nguồn nguyên liệu không rõ ràng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATVSTP, ảnh hưởng tới sức khỏe của HS.
 
Ngoài một số quán cóc cố định theo kiểu gia đình có “mặt tiền” trước cổng trường, các xe bán hàng lưu động cũng “ung dung” bày bán, lấn chiếm cả lề đường. Mặc dù đã được khuyến cáo về việc mất ATVSTP nhưng các dãy hàng quán với đủ loại bánh kẹo, đồ ăn, thức uống ở đây vẫn luôn thu hút các “thượng đế” nhỏ tuổi.
Các hàng quán với đủ loại bánh kẹo, đồ ăn, thức uống trước cổng trường luôn thu hút các “thượng đế” nhỏ tuổi.
Các hàng quán với đủ loại bánh kẹo, đồ ăn, thức uống trước cổng trường luôn thu hút các “thượng đế” nhỏ tuổi.
Có mặt tại cổng Trường tiểu học số 2 Bắc Lý, chúng tôi được chứng kiến tình trạng tương tự. Cứ vào đầu giờ học hoặc giờ tan trường, từng tốp HS lại ùa ra cổng trường mua quà vặt. Các quầy hàng nằm ngay mặt đường, xe cộ qua lại, bụi bẩn nên không ai dám chắc về độ an toàn vệ sinh của nó. Nắm bắt tâm lý HS, các chủ hàng bày bán những món ăn, nước uống rất bắt mắt, phù hợp với khẩu vị và túi tiền của các em.
 
Tuy nhiên, việc bảo đảm ATVSTP thì họ lại... ngó lơ và xem đó không thuộc về trách nhiệm của mình. Với tâm lý chung như thế, nhan nhãn hàng quán ngang nhiên bày bàn các thực phẩm không an toàn trước cổng các trường học không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của HS mà còn làm xấu mỹ quan khu vực cũng như làm mất trật tự an toàn giao thông.
 
Cần sự chung tay từ nhiều phía
 
Việc dẹp bỏ các hàng quán bán thực phẩm kém chất lượng, không an toàn trước cổng trường học là điều cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kiểm soát, quản lý các hàng quán kiểu này vẫn đang bị… thả nổi hoặc nếu được xử lý thì cũng chỉ theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”. Trong khi các chợ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cửa hàng kinh doanh lớn được kiểm tra thường xuyên thì các hàng quán trước cổng trường dường như vẫn nằm “ngoài vùng phủ sóng”.
 
Đây cũng là nguyên nhân khiến các loại hàng quán này mặc sức “tung hoành”, bất chấp nguy cơ mất ATVSTP mà đối tượng gánh hậu quả không ai khác là các em HS vô tư, chưa ý thức đầy đủ về tác hại của nó. “Tôi rất mong chấm dứt tình trạng bán đồ ăn vặt trước cổng trường bởi vừa không bảo đảm vệ sinh vừa gây ách tắc, mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, các hàng quán này vẫn cứ ngang nhiên tồn tại từ năm này qua năm khác mà không thấy ai dẹp bỏ cả”, PH một HS ở Trường tiểu học số 2 Bắc Lý cho hay.
 
Cô giáo Bùi Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Phú chia sẻ: “Nhà trường thường xuyên nhắc nhở những người bán hàng rong trước cổng trường nhưng họ chỉ ậm ừ cho qua rồi đâu lại hoàn đấy. Họ bán hàng ngoài khu vực nhà trường quản lý nên chúng tôi không thể ngăn cấm, việc này phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Việc duy nhất chúng tôi có thể làm là tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở HS và PH.
 
Để hạn chế việc HS sử dụng đồ ăn vặt, bên cạnh việc lồng ghép tuyên truyền, nhắc nhở các em không ăn quà vặt trước cổng trường, trong các buổi họp PH, nhà trường cũng khuyến cáo các bậc PH không cho con em tiền mua quà vặt, hạn chế việc để con em mình sử dụng đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc, bày bán trước cổng trường. Thay vào đó, nên chuẩn bị bữa sáng cho con ở nhà, chọn những loại thực phẩm có nhãn mác, được quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu rõ ràng. Nỗ lực là thế, nhưng thú thực là tình trạng HS mua quà vặt tại các hàng quán trước cổng trường vẫn còn khá phổ biến”.
 
Trao đổi với chúng tôi về việc quản lý các hàng quán trước cổng trường, ông Lê Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: Theo Quyết định số 05/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh, UBND cấp xã quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có quy mô kinh doanh dưới 50 suất ăn/lần, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, quán ăn trong chợ…
 
Theo đó, các hàng quán trước cổng trường được xếp vào loại hình thức ăn đường phố nên theo phân cấp sẽ do UBND cấp xã quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, lâu nay, việc quản lý các hàng quán kiểu này vẫn còn khá lỏng lẻo. Các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý.
 
Mặc dù đã tổ chức nhiều đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, chấn chỉnh tình trạng buôn bán hàng rong, nhưng vì nhiều người bán hàng di chuyển liên tục nên việc kiểm tra chất lượng ATVSTP rất khó khăn. Việc dẹp bỏ chỉ mang tính chất tạm thời. “Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các chủ hàng quán nhưng khi đội tuần tra có mặt thì họ thực hiện, còn sau đó thì vẫn “ngựa quen đường cũ”. Hầu như tuần nào chúng tôi cũng đi kiểm tra để xử lý các trường hợp vi phạm nhưng được đôi ba hôm thì họ lại bày bán”, ông Phạm Bá Sỹ, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Phú chia sẻ.
 
Để giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn bủa vây các trường học như hiện nay cần có sự quan tâm, phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Nhà trường và gia đình cần phối hợp trong việc giáo dục cho HS ý thức tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đưa ra những giải pháp mang tính lâu dài và phải có chế tài xử phạt đủ mạnh để răn đe những người vi phạm. Thiết nghĩ, đây không phải là việc làm quá khó, không thể thực hiện được.
 
Tâm An

tin liên quan

Khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ cấp bách năm 2022 của Đề án 06
Khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ cấp bách năm 2022 của Đề án 06

(QBĐT) - Ngày 3/11, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ CTTK Đề án 06 tỉnh đã có Công văn số 218/TCTTKĐA về việc khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ cấp bách năm 2022 của Đề án 06.

Tăng cường công tác PCCC và CNCH đối với cơ sở nguy hiểm cháy, nổ
Tăng cường công tác PCCC và CNCH đối với cơ sở nguy hiểm cháy, nổ

(QBĐT) - Ngày 4/11, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2073/UBND-NCVX về việc tăng cường công tác PCCC và CNCH đối với cơ sở nguy hiểm cháy, nổ.

Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh nhận đỡ đầu 40 trẻ mồ côi
Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh nhận đỡ đầu 40 trẻ mồ côi

(QBĐT) - Sáng 8/11, tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Quảng Bình đã trao 480 triệu đồng cho chương trình "Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương" nhận đỡ đầu 40 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.