(QBĐT) - Thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai, bão lũ đã gây thiệt hại cho tỉnh Quảng Bình gần 230 tỷ đồng.
![]() |
Đáng chú ý là, do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn tỉnh có gió cấp 5, giật cấp 8 và mưa vừa đến mưa to. Đặc biệt, từ ngày 9-10/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh, đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, lượng mưa cao nhất đo tại Thượng Hóa (Minh Hóa) là 269,4mm.
Do mưa to trong 2 ngày 9-10/10, toàn tỉnh có 40 điểm bị ngập lụt, 7 điểm giao thông bị sạt lở, nhiều khu vực bị ngập lụt, chia cắt. Trong đó tập trung tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và Quảng Ninh; 1 cầu giao thông tại xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) bị sập và cuốn trôi; bờ sông Gianh đoạn thôn Sảo Phong, xã Phong Hóa (Tuyên Hóa) bị sạt lở dài 75m, ảnh hưởng trực tiếp 2 hộ/12 nhân khẩu, trong đó 1 hộ đã di dời khẩn cấp; về nuôi trồng thủy sản có khoảng 0,6 ha bị trôi, ước tính thiệt hại 150 triệu đồng.
![]() |
Thiệt hại do bão số 4 và mưa, lũ sau bão gây ra cho Quảng Bình khoảng gần 15 tỷ đồng, nâng tổng thiệt hại do thiên tai từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh lên hơn 214 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về nông, lâm, diêm nghiệp gần 178 tỷ đồng; thủy sản hơn 21,6 tỷ đồng; thủy lợi 630 triệu đồng; giao thông 14 tỷ đồng.
Mới đây nhất, do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 5 và không khí lạnh, nhiều địa phương trong tỉnh có mưa vừa, đến rất to, gây ngập lụt cục bộ ở một số địa bàn và sạt lở ở nhiều điểm, nhất là địa bàn huyện Lệ Thủy.
Thiệt hại do đợt mưa lũ này đang được thống kê, riêng trên địa bàn huyện Lệ Thủy, thống kê bước đầu mưa lớn đã gây thiệt hại trên 7 tỷ đồng.
![]() |
Ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS tỉnh cho biết: Trước diễn biến phức tạp khó lường của thiên tai, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh đã có nhiều công điện, văn bản chỉ đạo các ngành, cấp chủ động phương án phòng ngừa, ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả khi xảy ra thiên tai, giảm thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định đời sống người dân, phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, thực hiện phương châm "4 tại chỗ", các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến thiên tai trên địa bàn và chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trong mọi tình huống.
A.T