Trưởng thôn làm kinh tế giỏi

  • 02:09, 12/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không chỉ là một trưởng thôn năng động, hoạt bát trong các phong trào hoạt động của thôn, xã, anh Võ Văn Mạnh (SN 1964), thôn Tân Đức, xã Hương Hóa (Tuyên Hóa) còn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế ở địa phương.
 
Với 14 năm làm trưởng thôn, anh Mạnh luôn được bà con trong thôn và cấp ủy, chính quyền địa phương tín nhiệm. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, anh luôn tiên phong, gương mẫu, hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, luôn có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ những hộ nghèo, hộ chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vượt qua nghèo khó đi lên.
 
“Là một trưởng thôn với 262 hộ, tôi luôn nghĩ cách để người dân trong thôn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, mình không thể nói suông, mà phải gương mẫu thực hiện, từ đó mới có thể tuyên truyền, vận động được người dân” anh Mạnh cho biết.
  
Không chỉ là trưởng thôn năng động, anh Mạnh còn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế ở địa phương.
Không chỉ là trưởng thôn năng động, anh Mạnh còn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế ở địa phương.
“Nói đi đôi với làm”, năm 2000, với lợi thế có vườn nhà rộng lại gần vườn rừng, anh Mạnh quyết định đầu tư trồng rừng, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn và gia cầm. Năm 2002, anh được Hội Nông dân xã cử tham gia lớp học nghề nuôi ong lấy mật do dự án An toàn lương thực tổ chức.
 
Sau khi kết thúc lớp học, với những kiến thức cơ bản đã tiếp thu được cộng với lợi thế địa hình đồi núi, gần rừng, anh bắt tay vào đầu tư nuôi ong. Từ nguồn vốn tích lũy và được Hội Nông dân xã tín chấp vay mượn Ngân hàng Chính sách xã hội là 70 triệu đồng, anh mua 40 đàn ong, 100 con gà và lợn nái, lợn thịt, trâu sinh sản.
 
Thời gian đầu triển khai, mô hình chăn nuôi của gia đình còn khó khăn do vừa thiếu vốn, vừa thiếu kinh nghiệm, đầu ra… Nhưng với niềm đam mê chăn nuôi, anh Mạnh đã học tập thêm kinh nghiệm từ bạn bè, từ các mô hình chăn nuôi của hội viên, nông dân trên địa bàn, mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại. 
 
Năm 2010, được sự quan tâm của Hội Nông dân xã, huyện, anh Võ Văn Mạnh tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng mô hình. Từ nguồn vốn, anh đầu tư thêm 20 đàn ong, lợn nái và lợn thịt. Năm 2013, với kiến thức học được cùng với kinh nghiệm tích lũy sau thời gian chăn nuôi, anh dự định mở rộng quy mô nuôi ong để cung ứng con giống, chia sẻ, giúp đỡ các hộ khác trong xã cùng phát triển đàn ong trên địa bàn.
 
Với suy nghĩ đó, anh mạnh dạn vay thêm 150 triệu đồng để mở rộng quy mô chuồng trại, quy hoạch lại vườn trồng cam, bưởi Phúc Trạch, mua thêm đàn ong, nhân chia ong giống để vừa nuôi vừa cung ứng, phục vụ bà con, hội viên, nông dân trên địa bàn xã. Đến nay, trang trại của gia đình anh có 85 đàn ong lấy mật, 5 trâu, bò sinh sản, 2 lợn nái, 300 lợn thịt/năm, 300 con gà, vịt và gần 4ha trồng rừng và cây ăn quả cam, bưởi Phúc Trạch... Bình quân mỗi năm, gia đình anh thu hoạch được 1,3-1,7 tấn mật ong và 220-250 đàn ong cung cấp cho thị trường. Mô hình kinh tế này đã đem lại thu nhập cho gia đình anh trên 1 tỷ đồng/năm; sau khi trừ chi phí thu gần 400 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 5 lao động ở địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/tháng.
 
Anh Mạnh chia sẻ, nghề nuôi ong lấy mật không đòi hỏi nhiều nhân công, chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro và giá thành ổn định. Anh Mạnh cho biết: Trong chăn nuôi, trang trại đã thực hiện tốt phương châm vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa gắn với bảo quản, vệ sinh môi trường. Vì vậy, anh đã xây dựng hầm khí biogas để xử lý chất thải, tận dụng tưới cho cây trồng, sử dụng khí biogas trong sinh hoạt gia đình và thắp sáng, sưởi ấm cho lợn sinh sản về mùa rét.
 
Không chỉ làm kinh tế giỏi, trưởng thôn năng động, nhiệt tình, bản thân anh luôn nhiệt tình hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật, hỗ trợ bà con trong thôn để cùng phát triển, đưa nghề nuôi ong trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Hiện anh Mạnh là Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp nuôi ong lấy mật xã Hương Hóa với trên 100 hộ nuôi ong, tổng 1.225 đàn ong.
 
Với những cố gắng của mình, anh Võ Văn Mạnh đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, chính quyền. Đặc biệt là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 vì đã có thành tích trong sản xuất hiệu quả, ổn định, giúp đỡ hội viên, nông dân và tạo việc làm cho người lao động.
 
Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Hương Hóa cho biết: Anh Võ Văn Mạnh không chỉ năng nổ trong công tác của địa phương, làm giàu cho bản thân mà còn luôn đồng hành, chia sẻ, tạo điều kiện giúp đỡ cho bà con, hội viên, nông dân trong nghề nuôi ong; tạo điều kiện mua trả chậm con giống, hỗ trợ giá giống nuôi cho các hộ nghèo, khó khăn để các gia đình vươn lên trong sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống…
 
Phạm Hà
 

tin liên quan

Va chạm với xe container, 1 phụ nữ tử vong
Va chạm với xe container, 1 phụ nữ tử vong

(QBĐT) - Vào khoảng 5 giờ 15 phút, ngày 12/9, tại Km 711+500 Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Sen Thủy (Lệ Thủy) xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa xe container và xe máy khiến một người phụ nữ tử vong.

Ấm áp, vui tươi chương trình "Vui tết Trung thu" năm 2022
Ấm áp, vui tươi chương trình "Vui tết Trung thu" năm 2022

(QBĐT) - Tối 10/9, Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức chương trình "Vui Tết Trung thu" năm 2022 cho các em thiếu nhi đang tham gia sinh hoạt và học tập tại các câu lạc bộ, đội, lớp năng khiếu và thiếu nhi trên địa bàn tỉnh.

Rộn ràng Tết Trung thu năm 2022
Rộn ràng Tết Trung thu năm 2022
(QBĐT) - Nhằm góp phần đem đến cho thiếu nhi một cái Tết Trung thu ấm áp, đầy tình yêu thương, những ngày này, các chương trình vui đón Tết Trung thu diễn ra náo nức, rộn ràng ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh.