(QBĐT) - Thực hiện đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm gần đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các địa phương khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề. Từ đó, thực hiện công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo gắn với giải quyết việc làm tại chỗ để lao động nông thôn phát triển kinh tế hộ gia đình, nhóm, tổ sản xuất, hợp tác xã hiệu quả.
![]() |
Trung tâm đã đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho thanh niên về học nghề và tạo việc làm, giúp cho lao động nông thôn, đặc biệt là thanh niên nông thôn, người khuyết tật nhận thức đầy đủ về ý thức, trách nhiệm và tăng cường khả năng chủ động trong vấn đề học nghề, tìm kiếm việc làm. Từ đầu năm 2014 đến nay, trung tâm thực hiện mô hình liên kết dạy nghề với doanh nghiệp theo đơn đặt hàng và cung ứng xuất khẩu lao động nhằm gắn đào tạo với giải quyết việc làm.
Đến nay, đã có trên 80% lao động nông thôn sau khi học nghề xong được giải quyết việc làm hoặc tự tạo việc làm, vận dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, nhiều học viên sau khi học các lớp kỹ thuật trồng nấm đã tổ chức sản xuất và tạo ra sản phẩm cung ứng cho thị trường, có thêm thu nhập cho gia đình.
Một số học viên học nghề xây dựng dân dụng được các đơn vị tuyển dụng vào làm việc; một số tham gia tuyển chọn các đơn hàng xây dựng để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đặc biệt, 100% học viên nghề may công nghiệp sau khi kết thúc khóa học được doanh nghiệp nhận vào làm việc và có thu nhập ổn định.
Trong năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh sẽ tổ chức đào tạo nghề theo các chương trình mục tiêu quốc gia với chỉ tiêu 5 lớp/150 học viên; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề có thu học phí 3 lớp với 60 học viên để cung ứng xuất khẩu lao động.
D.H