(QBĐT) - Hiện nay, nhiều lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 (NQ 68) và Nghị quyết số 116 (NQ 116) của Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Song song, các ngành, địa phương đang nỗ lực đẩy mạnh hỗ trợ tư vấn, kết nối, giới thiệu việc làm để NLĐ ổn định cuộc sống.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề việc làm và thu nhập của phần lớn NLĐ trên địa bàn, nhất là LĐ làm việc trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), toàn tỉnh dự ước trên 81.000 LĐ (bao gồm cả LĐ tự do) phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ, nghỉ việc, ngừng việc không hưởng lương hoặc mất việc làm.
Bên cạnh đó, sau đợt dịch lần thứ 4, công dân Quảng Bình làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trên 10.000 người (trong đó, số người trong độ tuổi lao động trên 7.000 người) trở về quê. Mặc dù chưa có con số khảo sát cụ thể, song nhận định thực tế cho thấy, nhiều LĐ sẽ có nhu cầu ở lại quê hương để làm việc, ổn định cuộc sống.
![]() |
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, trước thực trạng LĐ thất nghiệp tăng mạnh và có xu hướng tìm kiếm việc làm, các sở, ngành, địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp kịp thời hỗ trợ, giải quyết việc làm cho NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Trước hết, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin về chế độ, chính sách của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng, các huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện NQ 68 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và NQ 116 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng LĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Nhờ đó, đến thời điểm này, cơ bản các chính sách hỗ trợ được triển khai theo quy định, có sự giám sát chặt chẽ của MTTQ các cấp và bước đầu mang lại kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh có trên 150.800 LĐ và 2.687 đơn vị sử dụng LĐ được nhận hỗ trợ với tổng số kinh phí trên 201,8 tỷ đồng. Cụ thể, 66.328 LĐ nhận từ gói hỗ trợ theo NQ 68 với kinh phí 70.482 triệu đồng; 84.509 LĐ được hỗ trợ từ NQ 116 với kinh phí 134.358 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các địa phương tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu việc làm, đào tạo nghề và đề xuất giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm, chuyển đổi sinh kế cho LĐ trên địa bàn tỉnh bị mất việc và LĐ ngoài tỉnh trở về. Đáng chú ý, các phương án mở rộng thị trường LĐ ngoài tỉnh, ngoài nước để giảm bớt áp lực việc làm trong tỉnh được chuẩn bị và triển khai hiệu quả.
Trên cơ sở đó, mạng lưới dịch vụ việc làm trong tỉnh đã liên hệ, phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất có nhu cầu lớn về nhân công và đã kiểm soát được dịch bệnh để giới thiệu LĐ Quảng Bình đến làm việc.
Trong năm 2021, các trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh tổ chức 53 phiên giao dịch việc làm, gồm: 10 phiên định kỳ, 23 phiên trực tuyến, 13 phiên đột xuất và 7 phiên lưu động, thu hút 180 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp; có 9.260 lượt LĐ được tư vấn, 6.784 lượt LĐ được giới thiệu phỏng vấn trực tiếp và 2.962 lượt LĐ đạt sơ tuyển.
Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở LĐ-TB-XH) đa dạng các hình thức hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tiễn đã tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng LĐ của 228 doanh nghiệp, đơn vị với 856 vị trí công việc khác nhau và 56.160 chỉ tiêu việc làm (trong và ngoài tỉnh)…
![]() |
Song song, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng góp phần giải quyết việc làm hiệu quả cho NLĐ. Các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung giới thiệu các chương trình, thị trường phù hợp với LĐ Quảng Bình nhằm mở rộng thị trường lao động ngoài nước.
Đặc biệt, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 6 hội nghị trực tuyến tuyên truyền về chương trình EPS đi làm việc tại Hàn Quốc với hơn 600 LĐ tham dự và tổ chức các khóa đào tạo tiếng Hàn, giáo dục định hướng, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho gần 500 LĐ đăng ký dự tuyển chương trình EPS.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên toàn tỉnh có khoảng 2.000 LĐ được xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 55,5% kế hoạch), chủ yếu đến các thị trường, như: Nhật Bản (450 LĐ), Đài Loan (700 LĐ), Hàn Quốc (390 LĐ)...
Đáng tiếc, Bố Trạch là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng năm 2021, huyện phải tạm dừng tuyển chọn LĐ đi Hàn Quốc theo chương trình EPS do tỷ lệ LĐ hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 28% trở lên và có số lượng LĐ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 53 người trở lên.
Ông Phan Nam, Trưởng phòng Lao động-Việc làm-Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH) cho biết, để hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhanh chóng vực dậy ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các địa phương cần sẵn sàng phương án phát triển thị trường LĐ ngoài nước ngay từ bây giờ.
Mặt khác, Sở LĐ-TB-XH đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với chính quyền thành phố Yeongju (Hàn Quốc) về đưa NLĐ Quảng Bình đi làm việc theo thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây được xem là cơ hội lớn cho LĐ trên địa bàn nếu ký kết thành công, bởi thành phố này có nền nông nghiệp tương đối phát triển nên LĐ sẽ được đào tạo, chia sẻ về kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và có thu nhập hấp dẫn, ổn định.
“Hiện nay, tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp nên nhiều LĐ đã trúng tuyển vẫn chưa thể xuất cảnh. Trong thời gian chờ đợi, những LĐ này có thể tiếp tục trau dồi thêm trình độ tay nghề, ngoại ngữ, tìm hiểu văn hóa của đất nước, rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật…
Ngoài ra, LĐ sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước nếu có nhu cầu. Sau khi dịch được khống chế, nhu cầu sử dụng nhân lực nước ngoài của các nước phát triển rất lớn. Do đó, để đáp ứng nhu cầu về nhân lực, không bị động, chúng ta phải chuẩn bị tốt công tác tạo nguồn từ thời điểm này…", ông Phan Nam cho biết thêm.
Một trong những giải pháp thiết thực hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19 chính là nguồn Quỹ quốc gia về việc làm, quỹ giải quyết việc làm địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huy động. Trong năm 2021, cả tỉnh có gần 3.600 lượt khách hàng tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi này để mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho NLĐ, gia đình và cộng đồng với doanh số cho vay trên 140 tỷ đồng.
Từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm đã xuất hiện nhiều mô hình, chủ yếu là quy mô hộ gia đình, như: Chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, may gia công, chế biến nông sản… góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 4.000 LĐ ở các địa phương.
Trong năm 2021, toàn tỉnh dự ước tạo việc làm cho gần 15.000 LĐ (đạt 81,6% kế hoạch); tiếp nhận 3.455 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ thực hiện cho 3.407 LĐ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng; 186 LĐ được hỗ trợ học nghề; 3.441 LĐ thất nghiệp được tư vấn về việc làm và 178 lượt LĐ được giới thiệu việc làm. |
Thùy Lâm