(QBĐT) - Để góp phần thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, thời gian qua, huyện Quảng Trạch đã nỗ lực giải quyết việc làm (GQVL) cho lao động nông thôn và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo bà Nguyễn Thị Yên, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Quảng Trạch, xác định GQVL cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo nên cấp ủy, chính quyền huyện Quảng Trạch đã chú trọng công tác tuyên truyền các chính sách của Trung ương, tỉnh và huyện về GQVL và giảm nghèo tới người dân. Cùng với đó, các phòng, ban liên quan và UBND các xã tích cực tạo việc làm tại chỗ cho người lao động thông qua các chương trình, dự án cho vay hỗ trợ tạo việc làm và duy trì, mở rộng việc làm.
Nhờ đó, người dân các địa phương tích cực triển khai thực hiện các mô hình sản xuất tại chỗ mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tiêu biểu, như: mô hình nuôi vịt trời xã Quảng Phương; mô hình trồng nén, tiêu ở xã Quảng Thạch; chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao ở xã Quảng Hưng, Quảng Phú, Quảng Phương; nuôi ốc hương ở xã Quảng Đông; nhà màng trồng rau sạch ở xã Quảng Tùng; sản xuất nông nghiệp tổng hợp ở xã Quảng Phú, Quảng Tiến…
Phát triển tiểu thủ công nghiệp được xem là một trong những giải pháp góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp tại các xã.
Ngoài ra, các xã trên địa bàn có nhiều nỗ lực trong công tác khôi phục và phát triển làng nghề, tiểu thủ công nghiệp. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp tại nhiều địa phương hiện nay. Xã Quảng Phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên vào thời gian nông nhàn, nhiều lao động nông thôn không có việc làm thêm để tăng thu nhập.
HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương ra đời đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều nông dân trong vùng và giúp nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chị Phan Thị Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương chia sẻ, HTX hiện có 15 thành viên và trên 150 lao động thời vụ. Với mức thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng, nghề mây xiên có thể tận dụng thời gian làm việc lúc nông nhàn và không kể độ tuổi nên HTX thu hút nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Cùng với đó, từ nguồn vốn vay GQVL của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Trạch, hàng trăm hộ gia đình được “tiếp sức” để phát triển các mô hình kinh tế, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Để nguồn vốn chương trình cho vay GQVL phát huy hiệu quả, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Trạch phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác chủ động trong công tác điều hành, quản lý, phân bổ vốn; trong đó, ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động. Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ chương trình cho vay GQVL trên địa bàn huyện Quảng Trạch hơn 17 tỷ đồng, cho gần 500 hộ vay.
Chị Phan Thị Hương ở thôn 6, xã Quảng Thạch bộc bạch, nguồn vốn vay ưu đãi như chiếc "phao cứu sinh" giúp gia đình chị vượt qua khó khăn. Năm 2017, thông qua chương trình cho vay GQVL, gia đình đã vay 50 triệu đồng nhằm mục đích xây dựng chuồng trại nuôi bò sinh sản. Đến nay, gia đình chị có mức thu nhập ổn định trên 30 triệu đồng/năm để ổn định cuộc sống và trả hết số nợ vốn vay ban đầu. Hiện, NHCSXH huyện Quảng Trạch tạo điệu kiện cho chị Hương vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi…
Trên địa bàn huyện Quảng Trạch còn có nhiều mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động. Đáng kể, 2 xưởng may gia công hàng xuất khẩu, gồm: Công ty TNHH thương mại và xuất khẩu An Dân ở xã Quảng Phương và xưởng may Thái Phương ở xã Quảng Hợp đã thu hút trên 550 lao động địa phương vào làm việc…
Trong điều kiện tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các hoạt động tập trung đông người bị hạn chế, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn huyện Quảng Trạch đã giải quyết việc làm cho 2.126/4.200 lao động, đạt 50,62% kế hoạch năm; có 172/350 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 49,1% kế hoạch năm, tăng 117 lao động so với 6 tháng đầu năm 2020…
Mặt khác, địa phương khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, xem đây là giải pháp quan trọng góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Vì vậy, trong năm 2021, toàn huyện đề ra chỉ tiêu đưa 350 người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia…
Bà Nguyễn Thị Yên cho biết, nhằm phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về lao động-việc làm trong năm 2021, các phòng, ban và các xã trên địa bàn huyện Quảng Trạch tiếp tục triển khai các chương trình, dự án phát triển sản xuất; đồng thời, xây dựng các mô hình hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và nhân rộng, phát triển ở các địa phương. Song song, huyện tích cực tạo vốn và triển khai tuyển chọn lao động đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng. Đặc biệt, huyện chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và kết nối doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động sau đào tạo...
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Y tế các bộ, ngành; các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế; Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam hướng dẫn thực hiện chế độ chi cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch COVID-19.
Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc cho phép dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách thường lệ giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
(QBĐT) - Ngày 7-8, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã đến thăm và tặng quà các đội tình nguyện trực tổng đài đường dây nóng tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.