Từ 1-7-2021, chính sách đối với trẻ mồ côi được quy định như thế nào?

  • 08:06, 16/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Từ ngày 1-7-2021, chính sách đối với trẻ mồ côi sẽ được áp dụng theo các quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP. Theo đó, tùy từng trường hợp, trẻ mồ côi có thể được hưởng các chính sách hỗ trợ xã hội; cấp thẻ bảo hiểm y miễn phí; trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề…
 Các thanh niên tình nguyện trao quà Tết thiếu nhi cho các trẻ em trong khu cách ly tại Thuận An (Bình Dương). Ảnh: TTXVN.
Các thanh niên tình nguyện trao quà Tết thiếu nhi cho các trẻ em trong khu cách ly tại Thuận An (Bình Dương). Ảnh: TTXVN.
Đối tượng trẻ mồ côi được hưởng các chính sách hỗ trợ xã hội 
 
Căn cứ Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, trẻ mồ côi được hưởng các chính sách hỗ trợ xã hội là trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp:
 
- Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi.
 
- Mồ côi cả cha và mẹ.
 
- Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật.
 
- Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
 
- Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
 
Ngoài ra, khoản 1 Điều 5 còn quy định một số trường hợp khác cũng thuộc đối tượng trẻ không có nguồn nuôi dưỡng là trẻ dưới 16 tuổi thuộc trường hợp:
 
- Cả cha và mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật.
 
- Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
 
- Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
 
- Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
 
- Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
 
- Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.  
 
Chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng
 
Theo Điều 5 Nghị định 20, trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng như trên là một trong những đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng. Cụ thể:
 
Trợ cấp tiền: Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 20 quy định, các đối tượng là trẻ em mồ côi, không có nguồn nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là: 900.000 đồng/tháng với trẻ dưới 4 tuổi; 540.000 đồng/tháng đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên.
 
Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí: Điều 9 Nghị định 20 quy định, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Nếu thuộc diện được cấp nhiều loại thẻ bảo hiểm y tế thì chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế có quyền lợi bảo hiểm y tế cao nhất.
 
Được trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề: Trẻ mồ côi khi học giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng và đại học được hưởng chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo quy định của pháp luật như: Miễn, giảm học phí,… (Căn cứ Điều 10 Nghị định 20).
 
Chính sách cho trẻ mồ côi được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng
 
Theo Điều 19 Nghị định 20, chế độ cho trẻ mồ côi được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng bao gồm:
 
- Trợ cấp xã hội hàng tháng: 900.000 đồng/tháng với trẻ dưới 4 tuổi; 540.000 đồng/tháng đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên.
 
- Cấp thẻ bảo hiểm y miễn phí.
 
- Trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
 
Bên cạnh đó, khi sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì trẻ mồ côi còn được hỗ trợ:
 
- Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
 
- Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế.
 
- Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
 
Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi thuộc đối tượng hưởng trợ cấp sẽ được hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng là: 900.000 đồng/tháng với trẻ dưới 4 tuổi; 540.000 đồng/tháng đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên.
 
Chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội
 
Các đối tượng trẻ mồ côi như trên có thể được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội tại địa phương. Trong đó, các em sẽ được hưởng các chế độ theo quy định tại Điều 25, 26 Nghị định 20 năm 2021 như sau:
 
Hỗ trợ tiền hàng tháng và vật dụng sinh hoạt
 
Khi sống tại cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định sau đây:
 
- Mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng bằng là: 1.800.000 đồng đối với trẻ em dưới 4 tuổi; 1.440.000 đồng từ đủ 4 tuổi trở lên.
 
- Cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế.
 
- Cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường, vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sách, vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các chi phí khác theo quy định.
 
- Cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế.
 
- Hỗ trợ chi phí mai táng khi chết với mức tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này.
 
Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm
 
- Trẻ mồ côi sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chính sách hỗ trợ học mầm non, giáo dục phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất theo quy định của pháp luật.
 
- Trẻ từ 16 tuổi trở lên đang học các cấp học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng không quá 22 tuổi.
 
- Trẻ từ 13 tuổi trở lên được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội không còn học phổ thông thì được giới thiệu học nghề.
 
- Trẻ từ 16 tuổi trở lên không tiếp tục học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học được đưa trở về nơi ở trước khi vào cơ sở trợ giúp xã hội. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ở trước đây của đối tượng có trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống.
 
- Trẻ từ 16 tuổi trở lên không tiếp tục học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì cơ sở trợ giúp xã hội và địa phương xem xét hỗ trợ để có nơi ở, tạo việc làm và cơ sở trợ giúp xã hội tiếp tục giải quyết trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho đến khi tự lập được cuộc sống, nhưng không quá 24 tháng.
 
Theo V.T (Báo Tin tức)

tin liên quan

Tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh
Tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - Nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phát triển sản xuất" bảo đảm việc làm cho người lao động (LĐ); đồng thời, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân chấp hành đúng quy định của pháp luật về công tác quản lý LĐ người nước ngoài làm việc tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế và Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát công tác quản lý LĐ nước ngoài làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tai nạn đuối nước ở trẻ em: Cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để phòng ngừa
Tai nạn đuối nước ở trẻ em: Cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để phòng ngừa

(QBĐT) - Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, cảnh báo nhưng tình trạng trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước (TNĐN) vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. 

Phát huy vai trò cấp ủy cơ sở trong phòng, chống dịch Covid-19
Phát huy vai trò cấp ủy cơ sở trong phòng, chống dịch Covid-19

(QBĐT) - Đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh lần thứ tư đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống chính trị và người dân trong việc tăng cường các giải pháp phòng, chống; bảo đảm triển khai hiệu quả mục tiêu kép và đặc biệt là tổ chức thành công, an toàn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2016 vừa qua.