(QBĐT) - Trong nhiều năm qua, xác định công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là hoạt động mang tính xã hội hóa cao, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Bình đã xây dựng cơ chế phối hợp với các ban, ngành trên cơ sở thống nhất các hoạt động vì mục tiêu chung là xây dựng một xã hội quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, chất lượng dân số cao.
Quảng Bình vẫn đang là tỉnh nghèo, nền kinh tế đang đứng trước những thách thức trong tiến trình phát triển và hội nhập. Công tác DS-KHHGĐ vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Tỉnh ta là 1 trong 33 tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế, nhịp độ gia tăng dân số đã được khống chế nhưng chưa ổn định và bền vững. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ và phối hợp tích cực từ các ban, ngành, đoàn thể… trong đó có Hội Nông dân tỉnh nên công tác DS-KHHGĐ đã đạt một số kết quả tích cực.
![]() |
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đã được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai rộng khắp. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh và các cơ quan DS-KHHGĐ địa phương tổ chức hiệu quả các buổi nói chuyện chuyên đề trước chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ; thành lập câu lạc bộ “Nam nông dân không sinh con thứ 3 trở lên”; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia sinh hoạt CLB tiền hôn nhân, khám, tư vấn tiền hôn nhân; tuyên truyền đề án “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, “Tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”...
Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp cũng tích cực vận động nông dân tham gia xây dựng và thực hiện tốt các hương ước, quy ước ở nông thôn về chính sách DS-KHHGĐ. Các gia đình hội viên nông dân tham gia ký cam kết thực hiện Pháp lệnh Dân số, không sinh con thứ ba trở lên, đưa việc thực hiện KHHGĐ vào tiêu chí thi đua bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Để đạt được danh hiệu "Gia đình văn hóa", các hộ phải đạt các tiêu chí như: không đói nghèo, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ em bị suy dinh dưỡng…
Nhằm tích cực góp phần nâng cao chất lượng dân số, Hội Nông dân đã phát động các phong trào rèn luyện thân thể, bảo vệ sức khỏe, giữ gìn vệ sinh và cải thiện môi trường sống tại cộng đồng. Các cấp hội đã ưu tiên triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân, chú trọng đối tượng là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; từ đó góp phần giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia thực hiện các chính sách DS-KHHGĐ.
Từ năm 2018-2020, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và duy trì 6 mô hình điểm về “Chi hội không có người sinh con thứ 3 trở lên” tại các xã, phường, thị trấn. 100% hộ gia đình tại các khu dân cư làm điểm đã ký kết thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và các chính sách về DS-KHHGĐ nói riêng.
Ngoài ra, các cấp hội cũng thường xuyên tổ chức tập huấn công tác DS-KHHGD cho cán bộ, hội viên. Bình quân mỗi năm, các cấp hội trong toàn tỉnh đã tổ chức được hàng trăm buổi sinh hoạt, tuyên truyền về DS-KHHGĐ thu hút hàng nghìn lượt hội viên, nông dân đến tham dự, cấp phát nhiều tài liệu hỏi đáp về Pháp lệnh Dân số và các văn bản liên quan; vận động được hàng nghìn hội viên đăng ký sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại; phối hợp xây dựng các mô hình truyền thông dân số và phát triển tại cộng đồng, như các câu lạc bộ: “Gia đình nông dân văn hóa”, “Gia đình hạnh phúc”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Nông dân với pháp luật”… thu hút khoảng 5.000 lượt học viên tham gia.
Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm, phòng, chống lao, HIV/AIDS, tai nạn, thương tích ở trẻ em… cho gần 100.000 lượt hội viên; vận động trên 90.000 hội viên đăng ký gia đình không có người vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội. Đặc biệt, hội cũng đã lồng ghép công tác DS-KHHGĐ với nhiệm vụ công tác hội.
Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về DS-KHHGĐ có những chuyển biến tích cực. Các hội viên, nông dân đã thực hiện tốt công tác dân số, chấp nhận thực hiện quy mô gia đình ít con để xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Có thể nói, những kết quả đạt được về DS-KHHGĐ của Quảng Bình trong những năm qua ngoài sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ thì sự vào cuộc, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể liên quan là điều cần thiết, trong đó có vai trò tích cực của Hội Nông dân.Với những kinh nghiệm và những sáng tạo đổi mới trong cách làm, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện những giải pháp thiết thực hơn, nhằm tăng tính hiệu quả trong lồng ghép, phối hợp thực hiện công tác DS-KHHGĐ thời gian tới.
Hiền Phương