Đồng bào Công giáo đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng đổi mới

  • 08:03, 12/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phát huy truyền thống “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo đang từng ngày xây dựng các xứ, họ đạo thêm khang trang, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, giàu mạnh.
 
Về các xứ, họ đạo trên địa bàn huyện Bố Trạch, chúng tôi được nghe bà con giáo dân giới thiệu và khen ngợi về gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Hoàng Xuân Thái, thôn Xuân Tiến, thị trấn Phong Nha. Chuyện trò với phóng viên, ông Hoàng Xuân Thái cho hay: “Với xuất phát điểm nuôi 2 lồng cá trắm, năm 2012, tôi đã thành lập câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản và đến nay đã thu hút 420 hội viên, phát triển nuôi 630 lồng cá trắm cỏ và cá chình. Với sản lượng nuôi lớn, có giá trị kinh tế cao, mô hình đã giải quyết việc làm và giúp nhiều hội viên thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng với mức thu nhập bình quân hàng năm từ 200 đến 250 triệu đồng/hội viên”.
 
Tại xã Phúc Trạch, phong trào phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo, nâng cao đời sống cũng được giáo dân tích cực hưởng ứng. Trên địa bàn xã ngày càng xuất hiện nhiều điển hình giáo dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tiêu biểu như: ông Nguyễn Văn Bảy (xứ Khe Ngang) hiện nay đã phát triển đàn lợn rừng lên trên 100 con; chị Nguyễn Thị Nguyện (xứ Troóc) từ một hộ nghèo, chồng bị tàn tật đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng mới 800 gốc tiêu, nuôi 60 con lợn thịt, 300 con gà thả vườn/lứa, vươn lên thành hộ khá.
 
Ông Phạm Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh cho biết: “Cùng với việc tạo điều kiện bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện các hoạt động phối hợp vận động giáo dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình “Sống tốt đời, đẹp đạo”. 
 Đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Phạm Thị Hân trao bằng khen của UBND tỉnh cho các giáo nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2015-2020.
Đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Phạm Thị Hân trao bằng khen của UBND tỉnh cho các giáo nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2015-2020.
Đặc biệt, với vai trò là cầu nối giữa chính quyền và đồng bào công giáo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã tổ chức và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Mặt trận và đoàn thể các cấp phát động. Nổi bật là phong trào thi đua yêu nước gắn với 8 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh (ĐTVM), sống tốt đời đẹp đạo”.
 
Nhờ vậy, phong trào thi đua phát triển kinh tế trong đồng bào công giáo diễn ra sôi nổi, đều khắp trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khai thác ngành nghề truyền thống, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh”.
 
Năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, dịch bệnh, giá cả nông sản bấp bênh... nhưng đồng bào công giáo tỉnh ta luôn nỗ lực tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phục vụ cho sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách hợp lý. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, trang trại, hộ sản xuất kinh doanh, chủ doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp do đồng bào công giáo làm chủ đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh cao.
 
Điển hình như: mô hình tổ hợp tác (THT) trồng sim lấy quả của giáo dân xứ Chày (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) với diện tích hơn 4ha, cho thu nhập 30-35 triệu đồng/hộ/năm; THT trồng nghệ vàng của giáo dân giáo xứ Khe Ngang (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) với trên 7ha, thu hoạch và chế biến hàng tấn tinh bột nghệ thương phẩm; bà con giáo họ Tượng Sơn (phường Quảng Long, TX. Ba Đồn) đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng rau màu kém hiệu quả sang trồng hoa, đưa các giống hoa có giá trị cao vào canh tác mang lại thu nhập bình quân từ 40 đến 60 triệu đồng/năm/hộ.
 
Ông Trần Văn Bường, giáo xứ Chợ Sàng (xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch) được nhiều người biết đến nhờ thành công từ mô hình ươm cây giống và trồng rau quả sạch VietGAP, mở ra hướng cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Bường cho hay: “Từ vươn ươm cây giống 3.000m2 ban đầu, đến nay, tôi đã phát triển diện tích lên 15.000m2 để ươm cây giống và sản xuất rau quả sạch.
 
Từ năm 2015 đến nay, tổng doanh thu bình quân của gia đình đạt 650 triệu đồng/năm”. Vừa làm kinh tế giỏi, ông Trần Văn Bường vừa là “đầu tàu”, gương mẫu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, được cấp ủy, chính quyền các cấp biểu dương; nhân rộng mô hình của ông để lan tỏa phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, thoát nghèo bền vững ở địa phương và của cả tỉnh.
 
Hưởng ứng phong trào thi đua phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình tại các giáo xứ, như: Văn Phú, Tân Mỹ, Xuân Hòa, Giáp Tam, Trừng Hải… đã mạnh dạn đầu tư kinh phí nâng cấp phương tiện, đóng mới, mua sắm ngư lưới cụ hiện đại cho những chuyến đánh bắt xa bờ với năng suất cao.
 
Điển hình như hộ ông Nguyễn Ngọc Cảnh, giáo xứ Tân Mỹ (phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn) đầu tư đóng mới 3 tàu cá với kinh phí 20 tỷ đồng và mua sắm trang thiết bị hiện đại để ra khơi bám biển, tạo việc làm cho trên 30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/lao động/tháng. Gia đình ông còn giúp đỡ vốn và tạo việc làm cho 15 hộ gia đình mở các cơ sở dịch vụ thủy sản để vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
Thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với 8 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”, trong năm 2020, ở nhiều địa phương, giáo dân đã tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng, hàng trăm ngày công, hàng chục m² đất, dỡ bỏ hàng trăm mét hàng rào để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, bê tông hóa đường làng ngõ xóm theo quy hoạch chung.  
Ông Trần Văn Bường với mô hình ươm cây giống và trồng rau quả sạch Viet GAP đang phát huy hiệu quả kinh tế
Ông Trần Văn Bường với mô hình ươm cây giống và trồng rau quả sạch Viet GAP đang phát huy hiệu quả kinh tế
Tại xứ Gia Hưng (xã Hưng trạch, huyện Bố Trạch), giáo dân đã đóng góp 120 triệu đồng làm cầu bê tông đường liên thôn. Hay tại giáo họ Thanh Hải (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch), giáo dân đã đóng góp 2 tỷ đồng để hoàn thành các tuyến đường liên xóm. Giáo dân giáo xứ Cồn Nâm, xã Quảng Minh cũng đã quyên góp được gần 600 triệu đồng để đầu tư cầu phao giúp bà con địa phương lưu thông qua lại nhanh chóng, thuận tiện; đặc biệt là các cháu học sinh, những trường hợp ốm đau cấp cứu.
 
Về cá nhân, có linh mục Võ Minh Danh, quản xứ Bàu Sen (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) đã sử dụng vốn tự có cùng với việc huy động ngày công trong giáo dân xây dựng mới nhà văn hóa thôn Thanh Sen 2 với trị giá 700 triệu đồng. Ông Hoàng Công Sự, xứ Giáp Tam (xã Quảng Minh, TX. Ba Đồn) riêng trong năm 2020 đã vận động được 220 triệu đồng để bê tông hóa đường liên thôn. Hiện tại, ông đang tiếp tục vận động bà con đóng góp thêm mỗi hộ 500.000 đồng để bê tông hóa đường liên xóm.
 
“Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đang tiếp tục động viên giáo dân phát huy thành quả từ các phong trào thi đua, luôn nêu cao tinh thần yêu nước để góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.”, ông Phạm Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh chia sẻ thêm.
 
Hiền Chi

tin liên quan

Công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ toàn tỉnh lần thứ VII
Công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ toàn tỉnh lần thứ VII

(QBĐT) - Ngày 12-3, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Tỉnh hội khóa VI (lần thứ XIII), nhiệm kỳ 2016-2021 để thông qua những nội dung liên quan chuẩn bị Đại hội đại biểu Hội CTĐ toàn tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026. 

Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Quảng Trạch
Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Quảng Trạch
(QBĐT) - Ngày 12-3, tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trên địa bàn huyện Quảng Trạch tiếp tục xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).
 
Hỗ trợ sinh kế... trao gửi yêu thương
Hỗ trợ sinh kế... trao gửi yêu thương

(QBĐT) - Chồng mất hơn 11 năm nay, bà Đinh Thị Thuyên (SN 1953) ở thôn Phú Hữu, xã Liên Trạch (Bố Trạch) một tay nuôi nấng con gái Đinh Thị Thúy Mùi (SN 1992) sức khỏe không được bình thường.