(QBĐT) - Trong những năm qua, ngoài thực hiện chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ vô thừa nhận, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, người cao tuổi, người khuyết tật nặng không nơi nương tựa, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật…, Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Quảng Bình còn triển khai hiệu quả nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công tác xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, thông qua đó, nhiều đối tượng bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, bóc lột, mua bán ra nước ngoài… được “giải thoát” và sớm hòa nhập cộng đồng.
Bà Trần Thị Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm BTXH Quảng Bình, cho biết: Công tác xã hội (CTXH) không chỉ đơn thuần là việc huy động sự giúp đỡ về vật chất và chia sẻ tinh thần của cả cộng đồng mà còn góp phần kết nối với chính sách an sinh của tỉnh. Thời gian qua, trung tâm đã triển khai rất hiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc hỗ trợ, can thiệp đến các đối tượng bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, bóc lột...
Cùng với các địa phương trong toàn tỉnh, Trung tâm BTXH Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho trẻ em trong việc chủ động phòng ngừa các hành vi xâm hại trẻ em, thông qua các kênh tiếp nhận từ Tổng đài 111, báo chí, internet, từ cán bộ chính sách ở địa phương và từ người dân.
![]() |
Cùng với những hoạt động tích cực của các “chân rết” cơ sở, các chương trình lồng ghép thông qua các “Mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy sơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt’’ cũng được trung tâm triển khai sâu sát, thực hiện tại những địa phương trọng điểm.
Chỉ riêng trong năm 2020, trung tâm đã tổ chức tư vấn, truyền thông chuyển đổi hành vi, cung cấp kỹ năng bảo vệ trẻ em cho hơn 300 cha mẹ, người chăm sóc trẻ tại huyện Bố Trạch; tập huấn nâng cao năng lực cho gần 160 cán bộ cấp xã, huyện về dịch vụ bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh; tập huấn nâng cao năng lực, kết nối bảo vệ trẻ em cho gần 80 giáo viên tiểu học và THCS trên địa bàn TP. Đồng Hới; tổ chức hội nghị nâng cao năng lực cho hơn 150 cán bộ, nhân viên làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh; thực hiện hỗ trợ chăm sóc thay thế cho 2 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn) và 5 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Minh Hóa theo quy định tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP; hỗ trợ, can thiệp cho trẻ bị xâm hại tình dục cho 2 trường hợp; hỗ trợ, tư vấn sang chấn tâm lý cho 2 trường hợp trẻ em bị bạo lực; hỗ trợ tư vấn tâm lý cho 2 trường hợp phụ nữ bị bạo hành; hỗ trợ tư vấn tâm lý cho 2 trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bỏ rơi…
Điển hình như trường hợp em Đ.T.A.N trú ở xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa, bị cha ruột bạo hành gây ảnh hưởng nghiêm trọng về thể chất và tinh thần. Sau khi sự việc xảy ra, tâm lý em hoảng loạn, không muốn sống cùng cha. Sau khi tiếp nhận thông tin từ cán bộ chính sách xã, Trung tâm BTXH tỉnh đã cử cán bộ công tác xã hội về địa phương hướng dẫn cán bộ chính sách xã làm các thủ tục theo quy trình tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP nhằm cách ly và tìm chỗ tạm lánh an toàn cho cháu. Hiện tại, cháu đã ổn định tâm lý, hòa nhập cộng động, trở về ở cùng với cha ruột của mình.
Hay như trường hợp của chị H.T.N ở TP. Đồng Hới bị chồng bạo hành nhiều lần trong thời gian dài. Tiếp nhận thông tin từ Tổng đài hỗ trợ dịch vụ CTXH Quảng Bình (18009293), Trung tâm BTXH tỉnh đã cử cán bộ CTXH liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương và gia đình để kịp thời hỗ trợ cho chị N.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và Công an để xử lý theo quy định của pháp luật đối với chồng chị N. Qua các buổi chia sẻ, tư vấn, cán bộ CTXH cùng với tổ hòa giải ở địa phương đã can thiệp, hỗ trợ tâm lý, kết nối nguồn lực tại địa phương để giúp chị N. ổn định cuộc sống.
Bà Trần Thị Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm BTXH Quảng Bình, cho biết: Trung tâm đã lắp đặt và đưa vào sử dụng Tổng đài hỗ trợ dịch vụ CTXH tại Quảng Bình (18009293). Trong năm 2020, tổng đài đã tiếp nhận 275 cuộc gọi đến. Nhân viên trực tổng đài đã tư vấn 200 ca, có 42 ca tư vấn chuyên sâu và 8 ca đề nghị hỗ trợ, can thiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động CTXH cũng gặp nhiều khó khăn như: việc phối hợp giữa trung tâm với các cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, cán bộ chính sách các xã, phường, thị trấn trong việc tiếp nhận đối tượng vào nuôi dưỡng, chăm sóc còn thiếu sự gắn kết, chưa đồng bộ nên chưa đạt hiệu quả cao.
Mặt khác, đời sống của người dân còn khó khăn nên thời gian dành cho việc quan tâm, chăm sóc con cái chưa được nhiều, nhận thức của một số gia đình về vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ chưa được cao dẫn đến tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra, đồng thời cũng gây không ít khó khăn cho cán bộ CTXH trong việc tiếp cận, hỗ trợ và can thiệp cho đối tượng. Hơn nữa, việc tuyên truyền chưa được phổ biến rộng rãi, nhiều địa phương ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa nắm bắt được và hiểu rõ về dịch vụ này.
Có thể thấy rằng, CTXH có ý nghĩa to lớn, là một trong những nhân tố quyết định sự thành công trong việc bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững. Chính vì thế, trong năm 2021, Trung tâm BTXH tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ trong lĩnh vực CTXH.
Đặc biệt, chú trọng tới công tác tuyên truyền về vai trò của dịch vụ CTXH đến tận người dân để họ biết và sử dụng dịch vụ; đề nghị Chính phủ và Quốc hội cần sớm ban hành các văn bản pháp lý có hiệu lực cao tạo cơ hội cho nghề CTXH phát triển mạnh, đồng bộ và đều khắp ở tất cả các lĩnh vực liên quan, các ngành, chính quyền địa phương và dịch vụ cộng đồng phục vụ cho gia đình, người yếu thế trong xã hội.
Hiền Phương