(QBĐT) - Thời gian qua, phong trào phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc được các cấp Hội Phụ nữ huyện Lệ Thủy phát động sâu rộng. Qua đó, xuất hiện nhiều gương hội viên phụ nữ nghèo trong phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo bền vững. Chị Phạm Thị Nhân (SN 1989), ở thôn Nam Thái, xã Thái Thủy (Lệ Thủy) là tấm gương như thế.
Chị Phạm Thị Nhân cho biết, sau khi xây dựng gia đình, sinh con nhưng do vợ chồng không có việc làm ổn định nên dù tần tảo lao động, đi làm thuê, cuộc sống gia đình chị vẫn luẩn quẩn cảnh nghèo khó. Năm 2012, trong một lần đi chặt thuê gỗ rừng trồng cho cơ sở thu mua, chồng chị Nhân không may bị tai nạn lao động và phải sống “thực vật” suốt 6 năm sau đó.
Đây chính là thời gian cuộc sống gia đình chị vốn khó khăn lại càng chồng chất khó khăn hơn. Chị Nhân từ người vợ trẻ sống phụ thuộc đã trở thành chỗ dựa chính cả về kinh tế và tinh thần cho chồng và các con. Với hoàn cảnh đó, gia đình chị trở thành hộ nghèo của xã Thái Thủy. Đến năm 2017, chồng chị mất để lại 2 con thơ và “bốn bề” nợ nần do quá trình chữa bệnh cho chồng và trang trải sinh hoạt gia đình.
![]() |
Trong lúc khó khăn như vậy, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) từ huyện đến xã Thái Thủy luôn quan tâm đến đời sống của hội viên phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để gia đình chị em vượt khó vươn lên bằng nhiều mô hình cụ thể. Điển hình, Hội LHPN huyện Lệ Thủy phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai mô hình trồng cây hương bài nguyên liệu cho 20 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nhân là 1 trong những hội viên được tham gia trồng với diện tích trên 2 sào.
Loại cây nguyên liệu này rất dễ trồng và chăm sóc, khả năng chống chịu tốt với điều kiện khô hạn lại không phải đầu tư vốn quá lớn. Đến nay, cây hương bài đã thích ứng với vùng đất gò đồi nên phát triển rất nhanh, từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 2 năm. Hiện nay, giá thị trường hương bài nguyên liệu được thu mua từ 8.000-10.000đồng/kg. Với hiệu quả bước đầu, diện tích cây hương bài của gia đình đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình chị.
Cùng với đó, chị Nhân được địa phương quan tâm cho tham gia chương trình “Lục lạc vàng” để nhận trao tặng 1 con bò cái. Đến nay, gia đình phát triển mô hình trồng cỏ, nuôi bò sinh sản hiệu quả, từ 1 con bò mẹ ban đầu đã sinh được thêm 2 lứa bê. Đặc biệt, nhận thấy khuôn viên vườn của gia đình rất phù hợp xây dựng mô hình phát triển kinh tế nhỏ, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, chị đầu tư xây dựng chuồng nuôi, mua con giống chăn nuôi lợn và tham gia trồng rừng với diện tích 2ha keo, tràm.
Bên cạnh đó, từ sự trợ giúp nguồn vốn của gia đình, chị Nhân mạnh dạn mở hàng tạp hóa kết hợp dịch vụ giải khát tại nhà. Đây chính là chiếc “cần câu” hiệu quả hàng ngày cho gia đình chị Nhân vượt qua khó khăn. Qua nhiều năm nỗ lực, đến nay, gia đình chị Nhân đã trả hết nợ nần và có cuộc sống ổn định.
Chị Phạm Thị Nhân chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của các cấp Hội LHPN, gia đình tôi được tạo điều kiện phát triển kinh tế. Sự hỗ trợ vào đúng thời điểm khó khăn ấy đã tiếp thêm niềm tin và động lực để tôi phấn đấu. Bên cạnh đó, gia đình luôn động viên, an ủi tinh thần và hỗ trợ vật chất để mẹ con tôi vững vàng vượt khó vươn lên. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu làm ăn, có thêm thu nhập để chăm lo cho tương lai các con…”. Bằng ý chí, nghị lực, sự chịu khó, gia đình chị Phạm Thị Nhân đã chính thức thoát khỏi hộ nghèo vào năm 2019 và đến thời điểm hiện tại, gia đình cũng đã ra khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã Thái Thủy.
Bà Nguyễn Thị Diệp, Chủ tịch Hội LHPN xã Thái Thủy cho biết, hội viên Phạm Thị Nhân có hoàn cảnh rất đáng thương. Mặc dù tuổi đời còn trẻ, nhưng chị có ý chí vượt khó, quyết tâm lao động, sản xuất để vươn lên thoát nghèo, thay đổi cuộc sống gia đình bằng chính đôi tay và sức lực của mình. Chị Nhân xứng đáng là một trong những tấm gương trong phong trào phụ nữ vượt khó vươn lên thoát nghèo tại địa phương…
N.L