Thắp sáng niềm tin cho phụ nữ khiếm thị

  • 11:12, 28/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phụ nữ khuyết tật nói chung, phụ nữ bị khiếm thị nói riêng là đối tượng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và thường thiệt thòi hơn rất nhiều so với nam giới do đặc điểm về sức khỏe, tâm lý trong gia đình và xã hội. Để giúp phụ nữ khiếm thị vươn lên trong cuộc sống, thời gian qua, Hội Người mù tỉnh phối hợp với các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin… đẩy mạnh việc quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ phụ nữ khiếm thị hòa nhập với cuộc sống.
 
Trên cơ sở nội dung phối hợp, các cấp Hội Phụ nữ cũng tích cực hỗ trợ Hội Người mù trong việc mua các sản phẩm do người mù sản xuất, gây quỹ chăm sóc phụ nữ và trẻ em mù, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết, trợ cấp cho chị em lúc ốm đau, hoạn nạn.
 
Với nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (QGGQVL) ban đầu được Trung ương Hội Người mù Việt Nam phân bổ, đến nay, Hội Người mù tỉnh đã lập được 87 dự án với doanh số cho vay hơn 5 tỷ đồng, cho 816 lượt người vay.
 
Trong đó, gần 60% phụ nữ mù được vay vốn từ Quỹ QGGQV, hàng trăm chị em được học nghề tại địa phương, được tạo việc làm với mức thu nhập trung bình từ gần 1,3-2,5 triệu đồng/người/tháng. Từ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp hội cùng với sự cần cù, sáng tạo, chịu khó, nhiều phụ nữ khiếm thị đã xóa được đói, giảm được nghèo.
Quan tâm, giúp đỡ phụ nữ khiếm thị vươn lên trong cuộc sống luôn được các cập hội quan tâm.
Quan tâm, giúp đỡ phụ nữ khiếm thị vươn lên trong cuộc sống luôn được các cập hội quan tâm.
Chị Dương Thị Siệc (thôn Xuân Lai, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy) là một trong những tấm gương hội viên người mù giàu nghị lực. Mặc dù bị dị tật mắt, thị lực rất kém nhưng chị Siệc không chịu đầu hàng số phận mà luôn cố gắng lao động sản xuất. Từ nguồn vốn vay của Quỹ QGGQV, chị đầu từ trồng các loại cây như keo, bưởi, dừa xiêm và xây dựng chuồng trại, đầu tư nuôi lợn, gà, vịt.
 
Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi, gia đình chị đã vươn lên ổn định cuộc sống. Không riêng gì chị Dương Thị Siệc, nhiều hội viên như chị Hồ Thị Mỹ ở Tuyên Hóa, chị Trần Thị Kim Chung ở Quảng Ninh, chị Nguyễn Thị Lệ ở xã Mỹ Thủy, Phạm Thị Mỹ Hạnh ở Sơn Thủy (Lệ Thủy)... vay vốn kết hợp cùng gia đình trồng rừng, chăn nuôi gia sức, gia cầm, nuôi cá hoặc làm dịch vụ buôn bán nhỏ, mỗi năm thu được hàng trăm triệu đồng.
 
Cùng với việc tạo điều kiện phát triển kinh tế, các cấp Hội Người mù tỉnh còn tích cực phối hợp với chính quyền, Ủy ban MTTQVN các xã vận động sự giúp đỡ, đóng góp của các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm để thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa cho phụ nữ bị khiếm thị, như: vận động xây dựng, sửa chữa nhà tình thương cho hội viên; khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí; thăm hỏi, động viên khi hội viên gặp khó khăn, hoạn nạn; trợ cấp hàng tháng, tặng quà, học bổng, sổ tiết kiệm cho người khiếm thị và con em người khiếm thị nhân các dịp lễ, Tết…
 
Đến nay, đã có hàng chục mái ấm tình thương dành cho phụ nữ khiếm thị khó khăn về nhà ở được Hội Người mù phối hợp với chính quyền, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể địa phương xây dựng, sửa chữa.
 
Bà Phạm Thị Quý (SN 1968) ở thôn 3, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch là một phụ nữ bị khiếm thị, có hoàn cảnh khó khăn, bản thân đau yếu, làm mẹ đơn thân. Con của bà cũng bị khiếm thị, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, sống trong ngôi nhà rách nát. Nhằm giúp bà Quý có chỗ ở ổn định, vững chắc, vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, Hội Người mù tỉnh đã phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể khởi công xây dựng cho bà ngôi nhà “Đại đoàn kết” có diện tích sử dụng gần 70m2 với tổng số tiền trên 167 triệu đồng.  
 
Nhiều Hội Người mù cơ sở còn duy trì tốt các câu lạc bộ (CLB) như: Gia đình phát triển, không sinh con thứ 3, mái ấm gia đình... với nhiều nội dung sinh hoạt phong phú, tích cực, sôi nổi giúp chị em khiếm thị có cơ hội trao đổi kinh nghiệm sống, được nghe phổ biến các kiến thức về hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong gia đình, cộng đồng xã hội… Từ đó, góp phần giúp phụ nữ khiếm thị giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, nâng cao nhận thức, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng.
 
Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm sóc, giúp đỡ người khiếm thị, đặc biệt là đối tượng phụ nữ khiếm thị; chú trọng các hoạt động truyền thông giáo dục cộng đồng nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối với phụ nữ khuyết tật nói chung, phụ nữ khiếm thị nói riêng; tuyên truyền các thông tin liên quan về giới, kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe...
 
Qua đó, giúp phụ nữ khiếm thị có thêm niềm tin, khẳng định giá trị bản thân. Cùng với đó, các đơn vị cũng có nhiều chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các chị có cơ hội được học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết cũng như được học nghề, vay vốn, tạo việc làm phù hợp. Có việc làm, được làm chủ cuộc sống của mình, các chị có thêm nghị lực sống và tiếp tục cống hiến cho xã hội.
 
Phạm Hà
 

tin liên quan

Giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

(QBĐT) - Thời gian qua, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) TP. Đồng Hới đã làm tốt công tác vận động hội viên nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững.

Trao tặng giải thưởng Vô lăng vàng cho 50 lái xe trên cả nước
Trao tặng giải thưởng Vô lăng vàng cho 50 lái xe trên cả nước

Giải thưởng Vô lăng vàng là giải thưởng nhằm động viên, khen ngợi những đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm
Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm

(QBĐT) - Năm 2020, tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh, nhưng huyện Bố Trạch vẫn nỗ lực thực hiện hiệu quả các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn.