(QBĐT) - Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua, huyện Quảng Trạch đã tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai các hoạt động giúp người dân khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống. Đến thời điểm hiện tại, cuộc sống của người dân đã dần trở lại bình thường.
Trong những ngày từ 17 đến 22-10-2020, trên địa bàn huyện Quảng Trạch mưa lớn kéo dài gây ngập lụt tại nhiều địa phương. Đợt lũ này đã làm thiệt hại nhiều tài sản có giá trị của người dân và ảnh hưởng nhiều công trình hạ tầng. Theo thống kê từ các địa phương, đợt mưa lũ vừa qua, huyện Quảng Trạch thiệt hại ước tính trên 231 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại về chăn nuôi là 31 tỷ đồng; nông, lâm, diêm nghiệp hơn 18 tỷ đồng; thiệt hại về nhà ở là 38,8 tỷ đồng....
Trước những khó khăn mà người dân ở các địa phương đang gặp phải, lực lượng chức năng, các tổ chức đoàn thể của huyện đã tích cực giúp bà con khắc phục thiệt hại. Gần 2.000 cán bộ chiến sỹ bộ đội, công an, đoàn viên, thanh niên đã đến các xã bị ngập lụt nặng để dọn dẹp vệ sinh các điểm trường, trụ sở UBND xã, trạm y tế, nhà dân...
Thầy giáo Hoàng Quốc Nga, Hiệu trưởng Trường THCS xã Phù Hóa cho biết: “Trong lũ, trường học chúng tôi bị nước dâng cao ngập hơn 2m và “ngâm” trong suốt 3 ngày. Khi nước rút, một lượng lớn bùn non, rác rưởi bị trôi dạt ùn ứ về đây. Cùng với lực lượng giáo viên, học sinh và đặc biệt nhờ sự giúp sức của các cán bộ chiến sỹ công an và lực lượng đoàn viên, thanh niên của huyện, ngôi trường đã được vệ sinh sạch sẽ. Công tác dạy và học nhờ đó đã nhanh chóng được triển khai ngay sau đó”.
![]() |
Với sự chung tay giúp sức của các lực lượng chức năng, đoàn thể chính trị, đến nay, các trường học bị thiệt hại nặng trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã trở lại học bình thường, đời sống người dân cũng dần ổn định.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, sau khi lũ rút, UBND huyện đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương với tinh thần “Lá lành, đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn.
Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ của mình về cơ sở để giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng huyện, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình và các trạm y tế tập trung khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, hướng dẫn người dân xử lý nước uống, làm vệ sinh môi trường, kịp thời phòng, chống dịch bệnh sau lũ. Phòng Giáo dục chỉ đạo các trường học khắc phục hậu quả lũ lụt. Phòng Nông nghiệp-PTNT hướng dẫn người dân khắc phục cây vụ đông 2020-2021. Huyện chỉ đạo các ban, ngành địa phương về cơ sở thăm hỏi, động viên những gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là gia đình chính sách.
Cùng với công tác khắc phục những thiệt hại do lũ lụt gây ra, Đảng ủy, chính quyền huyện Quảng Trạch đã tập trung phân bổ các nguồn hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân, đơn vị đến từng người dân, qua đó, san sẻ, động viên tinh thần giúp bà con vượt qua khó khăn.
Ông Đậu Xuân Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Trạch cho biết: “Sau lũ, công tác tiếp nhận và phân bổ hàng hóa cứu trợ đến từng địa phương và từng người dân đã được chính quyền huyện triển khai khẩn trương, kịp thời. Những ngày qua, Ủy ban MTTQVN huyện đã tiếp nhận hơn 14 tỷ đồng, gồm: tiền mặt và hàng hóa cứu trợ của các đoàn cứu trợ từ các tổ chức, cá nhân và các cơ quan, đơn vị địa phương trong cả nước. Toàn bộ số tiền và hàng hóa này đã được phân bổ đồng đều đến người dân ở các địa bàn ngập lụt, nhất là những xã bị ngập nặng trong đợt mưa lũ vừa qua, như: Quảng Thanh, Phù Hóa, Cảnh Hóa...".
Thời gian tới, Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Trạch sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị, địa phương tiếp nhận và phân phối tiền, hàng hỗ trợ của mạnh thường quân đến đúng người, đúng đối tượng, qua đó, giúp người dân các địa phương khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Đoàn Nguyệt