(QBĐT) - Trong chuyến hành trình cứu trợ người dân sau lũ tại huyện Lệ Thủy, chúng tôi được biết đến gia cảnh đáng thương của một gia đình có công với cách mạng, cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Đó là gia cảnh bà Dương Thị Thi, thôn Bắc Thái, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy.
Ở cái tuổi 72, cái tuổi không còn nhiều sức lực, bà Thi chỉ mong ước nhỏ nhoi là có được gian phòng đàng hoàng để có thể đặt được những tấm di ảnh của những người thân đã một đời cống hiến vì cách mạng, hy sinh vì độc lập dân tộc.
![]() |
Căn nhà 3 gian mái ngói xệp xệ đã được xây dựng từ lâu với những bờ tường nứt nẻ dường như muốn đổ sập xuống sau những ngày mưa. Ở gian chính ngôi nhà để dành cho chiếc kệ gỗ đã cũ đặt di ảnh của chồng là ông Nguyễn Văn Liêm (cán bộ có công với cách mạng), ông Nguyễn Văn Cơ (bố chồng, là liệt sỹ chống Pháp), em trai chồng là Nguyễn Văn Khảng (là liệt sỹ, hy sinh tại mặt trận phía Nam hiện chưa tìm thấy phần mộ) và Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Tăm.
Mở túi ni lon được gói gém cẩn thận tấm di ảnh, đôi mắt bà Dương Thị Thi như ngấn lệ: “Khổ nhất là mùa mưa gió, trong cảnh đơn thân già cả cực lắm, lắm lúc ở trong nhà mà tưởng ngoài trời vì mưa dột, sợ nhất cái cảnh chẳng may xảy ra cơ sự gì thì biết lấy cái chi mà đặt trên bàn thờ và có ai hương khói hàng ngày”.
Chồng bà là ông Nguyễn Văn Liêm (tên thường gọi là Nguyễn Âu) tham gia cách mạng từ sớm, trực tiếp tham gia nhiều chiến trường ác liệt… Sau đó, ông về công tác tại Ban Tuyên huấn của Tỉnh ủy Tuyên Quang. Quá trình công tác, ông Nguyễn Văn Liêm được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành và nước bạn Lào tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen... Năm 1984, ông trở về địa phương và mất vào năm 2002.
![]() |
Bản thân bà Dương Thị Thi cũng có một thời gian dài dành cả tuổi thanh xuân cho cách mạng. Năm 1967, bà Thi tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, bà Dương Thị Thi cũng có thời gian tham gia hỗ trợ Công an Bình Trị Thiên để làm căn cước trong nhân dân tại huyện Lệ Thủy và tỉnh Quảng Trị ngày mới giải phóng. Sau đó, bà Thi tiếp tục tham gia làm công tác thống kê tại HTX nông nghiệp và tham gia Hội Cựu thanh niên xung phong tại địa phương.
Cả gia đình bà Dương Thị Thi đều tham gia cách mạng rồi khi trở về quê hương lập nghiệp đầy khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư chi bộ thôn Bắc Thái, xã Thái Thủy, cho biết, địa phương cũng đã rất quan tâm với hoàn cảnh của bà Thi. Tuy nhiên, với tình hình chung của thôn, của xã còn nhiều khó khăn, nên sự hỗ trợ không được bao lăm, rất mong các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh giúp đỡ.
Đến nay, ngoài số tiền hỗ trợ 500.000 đồng/năm của Nhà nước để hương khói cho thân nhân có công với cách mạng thì bà Dương Thị Thi chỉ còn trông cậy vào đàn gà, ngan và mảnh rau màu nhỏ để mưu sinh qua ngày. Với gia cảnh đặt biệt khó khăn, ở cái tuổi đã khá cao lại thường xuyên ốm đau thì bà chỉ biết nhờ những người thân và hàng xóm của mình khi trái gió trở trời.
T. Tuấn