Cơ sở quan trọng thực hiện chính sách giảm nghèo

  • 09:11, 28/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo toàn tỉnh năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều chú trọng công tác điều tra, rà soát, bình xét hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bởi vì, đây được xem là khâu quan trọng để hoạch định và triển khai thực hiện những chính sách hỗ trợ, chương trình an sinh xã hội kịp thời, hiệu quả.
 
Những năm qua, một số địa phương đã triển khai thực hiện khá tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa quan tâm vào cuộc nên công tác chỉ đạo chưa quyết liệt, thiếu chặt chẽ, còn có biểu hiện né tránh, ngại va chạm, dẫn đến kết quả rà soát chưa phản ánh chính xác đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Công tác điều tra thu thập số liệu ở các hộ được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp.
Công tác điều tra thu thập số liệu ở các hộ được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp.
Để công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 1739/KH-UBND về việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị tổng điều tra hộ nghèo áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.
 
Việc rà soát, xác định danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đến thời điểm cuối năm 2020 với mục đích đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong năm và chuẩn bị tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đây chính là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.
 
Theo ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐ-TB-XH), đối với rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016-2020, các địa phương bám sát tiêu chí quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020. Đối tượng là tất cả hộ gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống trên địa bàn tỉnh đến thời điểm rà soát.
 
Phương pháp thực hiện là rà soát thông qua đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của gia đình. Công tác điều tra thu thập số liệu ở các hộ được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Vì vậy, điều tra viên phải đến từng hộ để trực tiếp hỏi người cung cấp thông tin, ghi đầy đủ câu trả lời vào phiếu điều tra.
 
Điều này đòi hỏi điều tra viên phải là người đáp ứng một số tiêu chí, như: hiểu biết tình hình dân cư tại địa bàn; trực tiếp thu thập thông tin của từng hộ; phản ánh đúng tình hình thu nhập và việc tiếp cận các nhu cầu xã hội cơ bản của hộ theo các tiêu chí quy định tại phiếu điều tra; có kinh nghiệm điều tra, khảo sát; am hiểu về đánh giá đặc điểm hộ gia đình… Người cung cấp thông tin là chủ hộ hoặc người hiểu và nắm được thông tin yêu cầu của phiếu điều tra.
 
Trên cơ sở đó, trong quá trình điều tra phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Đặc biệt, công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phải bảo đảm đúng quy trình, phương pháp, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ và có sự tham gia của người dân, tạo sự đồng thuận nhằm xác định đúng đối tượng, phản ánh đúng thực trạng đời sống nhân dân địa phương.
 Người dân được tiếp cận, hưởng lợi những chính sách hỗ trợ phù hợp khi công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện kỹ và thực chất.
Người dân được tiếp cận, hưởng lợi những chính sách hỗ trợ phù hợp khi công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện kỹ và thực chất.
Ông Nguyễn Sỹ Phúc, Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch (Bố Trạch) chia sẻ, nhằm tránh tình trạng phản ánh sai lệch thực tế về tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã đã bình xét, đánh giá rất kỹ, thực chất, không máy móc, hời hợt. Từng đồng chí trong ban chỉ đạo cấp xã phụ trách từng thôn để có sự chính xác cao khi điều tra, bình xét, lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo. Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội tham gia giám sát chặt chẽ, bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân.
 
Đơn cử, có nhiều trường hợp gia đình không mua sắm tivi, tủ lạnh, bàn ghế… nhưng nếu tính theo thu nhập từ vườn, rừng sản xuất thì thừa tiêu chuẩn thoát nghèo. Do đó, xã tuyên truyền, vận động để gia đình hiểu, đồng ý thoát nghèo. Với cách làm như trên, Lâm Trạch được đánh giá làm tốt, chặt chẽ công tác rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo…
 
Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Phương cho biết, để làm tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo và hộ làm nông, ngư nghiệp có mức sống trung bình, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân trong suốt quá trình điều tra, rà soát. Từ đó, người dân có nhận thức đúng đắn về rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định đó là trách nhiệm của toàn dân, vì lợi ích của cộng đồng để tham gia họp dân với ý thức và trách nhiệm cao.
 
Cùng với đó, các xã, thị trấn đều thành lập ban chỉ đạo giảm nghèo, triển khai đồng bộ công tác rà soát, bình xét hộ nghèo đến từng thôn, khu phố. Cán bộ ở cơ sở là người trực tiếp nắm vững chính sách và địa bàn dân cư nơi cư trú, triển khai chấm theo phiếu, sau đó xin ý kiến góp ý công khai rộng rãi toàn dân, báo cáo cấp trên theo quy định.
 
Nhờ công tác rà soát cẩn thận, điều tra kỹ, có được những thông tin trung thực, chính xác, nên đến nay, huyện Bố Trạch cơ bản hoàn thành công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 và bảo đảm tiến độ chung của tỉnh. Tuy nhiên, năm nay, địa phương cũng gặp một số khó khăn, trong đó, đáng kể là 10 xã ngập lụt nặng của huyện có khả năng không đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kế hoạch huyện đề ra…
 
Có thể nói, rà soát chặt chẽ, bình xét chính xác, dân chủ, công tâm để xác định hộ nghèo, cận nghèo là điều kiện để mọi nguồn lực hỗ trợ đến người dân được kịp thời, đầy đủ. Thông qua đó, địa phương nắm được tình hình, khó khăn của từng trường hợp cụ thể, giúp cho người dân được tiếp cận, hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ phù hợp về nhà ở, cây trồng, vật nuôi, vốn sản xuất, việc làm... Đây cũng chính là động lực để mỗi người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.
 
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Trịnh Đình Dương nhấn mạnh, kết thúc cuộc điều tra, từng địa phương phải xác định được chính xác số lượng, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và thành viên thuộc hộ đầy đủ thông tin để theo dõi, quản lý, báo cáo cấp trên phê duyệt, công nhận. Bên cạnh đó, phải phân loại được hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo tiêu chí quy định của Trung ương.
 
Như vậy, việc xác định đúng đối tượng theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016-2020 bằng phương thức tiếp cận đa chiều sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh có giải pháp, chính sách giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội phù hợp, góp phần tăng trưởng kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
 
Song để công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tiến hành đúng tiến độ và đạt kết quả cao, các cơ quan thông tin tuyên truyền, chính quyền các cấp cần tích cực tuyên truyền về công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo để nhân dân cùng tham gia, giám sát. Mặt khác, các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, công khai, minh bạch công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại các thông tư, văn bản hướng dẫn.
 
Trong đó, đáng chú ý là kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ số hộ nghèo phát sinh hàng năm trên địa bàn và giải trình, báo cáo cụ thể các nguyên nhân phát sinh hộ nghèo. Có như vậy, công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo mới bảo đảm đúng đối tượng, không bỏ sót và niềm tin của nhân dân với chính sách, cán bộ được nâng lên.
 
Thùy Lâm
 

tin liên quan

Văn phòng Chính phủ-Tập đoàn quốc tế Pou Chen: Hỗ trợ các địa phương 6 tỷ đồng khắc phục hậu quả mưa lũ
Văn phòng Chính phủ-Tập đoàn quốc tế Pou Chen: Hỗ trợ các địa phương 6 tỷ đồng khắc phục hậu quả mưa lũ

(QBĐT) - Ngày 28-11, tại tỉnh Quảng Trị, đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ do đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn đầu đã trao kinh phí ủng hộ ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt.

Tìm thấy xác nam thanh niên lao cả xe lẫn người xuống sông Đâu Giang
Tìm thấy xác nam thanh niên lao cả xe lẫn người xuống sông Đâu Giang

(QBĐT) - Ngày 28-11, ông Trần Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy xác một nam thanh niên rơi xuống sông Đâu Giang đêm 27-11, đoạn qua xã Tân Thủy.

Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19
Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19

(QBĐT) - Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho trên 161.000 đối tượng với tổng kinh phí hơn 166,8 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.