(QBĐT) - Ngày 9-10, UBND huyện Lệ Thủy cho biết, những ngày gần đây, trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to khiến lũ các sông, suối lên cao làm 7.650 nhà dân bị ngập nuớc.
Hàng nghìn nhà dân huyện Lệ Thủy bị ngập trong đợt lũ này.
Vào lúc 10 giờ sáng ngày 9-10, mực nước đo được trên sông Kiến Giang tại trạm Kiến Giang (Bang) là 10,60m, dưới báo động II là 0,4m, trạm Lệ Thủy (Phan Xá) là 3,18 m, trên báo động III là 0,48m.
Mưa lũ đã làm 7.650 nhà dân bị ngập tại các xã: Liên Thủy, Xuân Thủy, An Thủy, thị trấn Kiến Giang, Lộc Thủy, Phú Thủy, Mỹ Thủy, Hồng Thủy… Toàn huyện có 59 hộ dân phải di dời tại xã Kim Thủy và Ngân Thủy; có 1 nhà dân bị bị xói lở nặng tại xã Lâm Thủy và 1 nhà bị sập vách ở Lộc Thủy đã được các lực lượng chức năng hỗ trợ khắc phục. Lũ đã làm thiệt hại hàng trăm ha hoa màu, hàng chục ha diện tích nuôi cá, trên 1.000 con gia cầm bị lũ cuốn trôi. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn bị xói mòn, sạt lở gây khó khăn cho người và phương tiện đi lại…
UBND huyện Lệ Thủy đã kip thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn tập trung phòng chống, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại. Đồng thời, cử cán bộ, lực lượng chức năng túc trực tại các điểm giao thông, đặc biệt ở những vùng thường xuyên bị chia cắt, ngập lụt sâu nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông…
Một số hình ảnh mưa lũ tại huyện Lệ Thủy được phóng viên ghi lại ngày 9-10:
Nhà văn hóa thôn Mai Hạ, xã Xuân Thủy bị ngập sâu
Tài sản của người dân được bảo vệ an toàn trong mưa lũ
Việc đi lại của người dân vùng ngập lụt chủ yếu bằng thuyền, bè
X.V
* Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Quảng Ninh cho biết, từ ngày 6-10 đến nay, trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 500mm. Lượng mưa đo được tại các trạm tính đến ngày 9-10 gồm: Trường Sơn 760mm, Rào Đá 605mm, Trốc Trâu 361mm.
Tính đến 11h trưa ngày 9-10, mưa lớn đã gây ngập lụt 4.338 nhà/13 xã, thị trấn với độ ngập sâu bình quân 0.5-1.0m.
Trường tiểu học Tân Ninh bị ngập sâu trong lũ.
Riêng 2 xã Lương Ninh và Hải Ninh chưa có nhà bị ngập. Toàn huyện có 5 xã gồm: Trường Xuân, Trường Sơn, Hiền Ninh, Hàm Ninh, Duy Ninh bị chia cắt giao thông.
Nhiều bản thuộc địa bàn 2 xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn bị chia cắt và cô lập hoàn toàn với trung tâm xã. Ngoài ra, toàn huyện có khoảng 110ha nuôi trồng thuỷ sản bị ngập, 300ha rau màu và 300 ha sắn bị ảnh hưởng.
Nhiều tuyến đường bị ngập sâu.
Để bảo đảm an toàn cho người dân tại các vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiến hành di dời 54 hộ với 102 khẩu đến nơi an toàn.
Căn cứ vào tình hình mưa lũ thực tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các trường chủ động cho học sinh nghỉ học từ ngày 7 và 8-10.
Lãnh đạo huyện Quảng Ninh kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ trên địa bàn.
Dự báo tình hình theo nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của xoáy thuận nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, khu vực Trung bộ có mưa to đến rất to, mực nước sông có khả năng lên mức báo động 3 và trên báo động 3, có thể gây ngập lụt kéo dài.
Hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn.
Hiện huyện Quảng Ninh đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đồng thời, huyện đã quán triệt các địa phương thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tập trung phòng, chống mưa lũ; trực ban 24/24 giờ để chủ động ứng phó với tình hình, kịp thời xử lý trong các trường hợp khẩn cấp.
Gác chắn cảnh báo an toàn đoạn ngập lụt trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua xã Gia Ninh.
Huyện Quảng Ninh nghiêm cấm, ngăn chặn các trường hợp cố tình vớt củi, rều, đánh bắt thủy sản trên các sông, suối, đồng ruộng khi có lũ lụt xảy ra; phân công cán bộ túc trực tại các điểm giao thông, vùng thường xuyên bị chia cắt; có phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân ở những vùng bị chia cắt, cô lập; báo cáo kịp thời tình hình mưa lũ để xử lý các tình huống xảy ra tránh thiệt hại về người và tài sản.
Th. Hải
* Tính đến 16h chiều ngày 9-10, trên địa bàn huyện Bố Trạch có 81 hộ ở xã Liên Trạch, Hưng Trạch và thị trấn Phong Nha bị ngập; 15 thôn, bản thuộc các địa bàn thấp trũng của các xã bị nước lũ chia cắt, gồm: Thượng Trạch, Tân Trạch, Liên Trạch, Cự Nẫm; một số tuyến đường giao thông nội thôn bị ngập trên 1m không đi lại được tại các xã Liên Trạch, Cự Nẫm, Thượng Trạch, Hưng Trạch; một số trường học bị ngập; học sinh ở nhiều trường phải nghỉ học.
Lãnh đạo tỉnh và huyện kiếm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ tại Trung tâm Phong Nha.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Vĩnh Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết: Để chủ động phòng chống mưa lũ, trước đó, huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các phương án phòng chống; kịp thời kêu gọi toàn bộ 1.061 tàu, thuyền với 4.627 lao động vào neo đậu và nơi trú ẩn an toàn.
Một số trường học ở xã Liên Trạch ngập trong nước lũ.
UBND huyện, BCH PCTT-TKCN huyện tiếp tục theo dõi và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, tổ chức theo dõi diễn biến của vùng áp thấp và mưa, lũ theo tình hình cụ thể của từng địa phương để chủ động phòng tránh và ứng phó do mưa, lũ.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương và các ngành chức năng có phương án cụ thể để di dời, sơ tán người dân vùng có nguy cơ lũ quét, vùng ngập sâu, nguy hiểm, sạt lở đất, triều cường... đến nơi an toàn với phương châm "bốn tại chỗ".
(QBĐT) - Ngày 8-10, Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện khẩn số 10/CĐ-UBND, điện Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh.
(QBĐT) - Tính đến 15 giờ ngày 9-10, toàn xã Tân Hóa (Minh Hóa) đã có trên 550 ngôi nhà bị ngập sâu từ 1,5 đến 2,5m. Vậy nhưng, ở vùng "rốn lũ" này cuộc sống thường nhật vẫn cứ diễn ra an toàn. Người dân Tân Hóa bảo rằng, họ vững vàng "sống chung với lũ" là nhờ nhà phao tránh lũ và áp dụng phương châm "4 tại chỗ" một cách nhuần nhuyễn.
(QBĐT) - Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, sáng ngày 9-10, cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Đồn Biên phòng Làng Ho đã tiến hành giúp đỡ di dời 10 hộ dân/55 khẩu ở bản Mít Cát và bản Chút Mút, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt cao, bảo đảm an toàn.