(QBĐT)- Những ngày qua, cả nước hướng về khúc ruột miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Bình. Hàng ngàn chuyến xe cứu trợ đến tại các điểm trung chuyển vào vùng ngập lụt: Võ Xá, Dinh Mười, Nam Long (Quảng Ninh); ngã ba Cam Liên, chợ Đôộng (Lệ Thủy)… để từ đó hàng trăm ngàn chuyến ca-nô, tàu, thuyền huy động từ các lực lượng chức năng và nhân dân chuyển tiếp về cho đồng bào ngập lụt. Thông điệp từ trái tim những người đi cứu trợ là “Hãy đến với dân, đi tìm dân, không để một người dân nào trong vùng lũ lụt bị đói khát!”
Tình làng, nghĩa xóm
Năm ngày nay, ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Kim Liên ở thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) là nơi “định cư” của 39 người thuộc 10 hộ gia đình xung quanh. Họ buông bỏ hết tài sản cho thủy thần, chỉ kịp động viên nhau đến với gia đình chị Liên, cùng trú tại tầng hai ngôi nhà.
![]() |
Chị Liên bảo: “Nhà chật, nhưng tấm lòng không hẹp. Xóm làng tối lửa tắt đèn có nhau. Bà con cứ tới, có chi ăn nấy, chia nhau nắm cơm, gói mì tôm, chút nước uống từ các thuyền cứu trợ nhưng bảo toàn được tính mạng. Còn người… còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
Cũng trọn thời gian đó, ngôi nhà hai tầng tại thôn Tân Thành của anh Nguyễn Văn Luận trở thành nơi ăn ở của 5 hộ gia đình khác có 25 người, trong đó gồm 10 trẻ em, đứa trẻ nhỏ nhất mới 8 tháng tuổi.
![]() |
Khi chúng tôi vào phía đầu lũy tre làng Tân Thành, bà Phạm Thị Nghĩa lội nước bạc ngang ngực ra gọi với: “Các chú lên phía nơi nhà văn hóa thôn, có chính quyền tiếp nhận hàng hóa rồi phân phát lại cho dân bề tui. Ai cũng chịu đói, chịu rét, nhưng hàng cứu trợ thì phải công bằng”. Bà Nghĩa đưa tay chỉ qua ngôi nhà anh Nguyễn Văn Luận bảo: “Nơi đó trẻ con, hộ dân nhiều chạy lụt nhiều, cố gắng cho họ kha khá vô nghe!”
![]() |
Lê Đình Thịnh ở thôn Hữu Tân, khi nước bắt đầu ngấp nghé vô làng vợ lại chuyển dạ. Đưa vợ đi bệnh viện sinh con xong, trở về làng thấy nước trắng ngập nóc nhà. Tài sản đáng giá gồm đàn lợn 30 con, 2 con bò… đều thả trôi cho nước lụt. Thịnh chèo chiếc thuyền nhỏ ghé đò chúng tôi bảo rất vô tư: “Các anh cứ đưa hàng xuống đây, thuyền em nhỏ cơ động nhanh, em hỗ trợ trao giúp cho bà con”.
![]() |
Ông Trương Văn Thanh, Chi hội trưởng chi hội CCB thôn Tân Thành nói như đinh đóng cột: “Phải phát huy tình làng, nghĩa xóm. Chúng tôi cố gắng làm sao để bà con trong thôn biết dựa vào nhau, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, vượt qua cơn khốn khó này”.
Đi tìm dân
“Phải đi tìm dân, không để sót bất kỳ một hộ dân nào đói, không để một người dân nào bị ảnh hưởng đến tính mạng”, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông trao đổi nhanh với chúng tôi tại điểm trung chuyển hàng cứu trợ ở thôn Võ Xá (Võ Ninh) trên quốc lộ 1A.
![]() |
“Sau khi huy động tất cả mọi phương tiện đường thủy để cứu dân, vấn đề hiện tại là bảo đảm tuyệt đối cái ăn, nước uống cho bà con vùng ngập lụt. Vì thế trên địa bàn Quảng Ninh chúng tôi phân công các lãnh đạo chủ chốt của huyện phụ trách các điểm trung chuyển hàng cứu trợ Võ Xá, Dinh Mười, Nam Long. Từ các điểm trung chuyển này, tiếp tục điều tiết các phương tiện đường thủy tiếp tế lương thực cho người dân vùng lũ lụt.", ông Phạm Trung Đông cho biết thêm.
![]() |
Và thế, bằng cách điều tiết kịp thời, nhất quán này, trong ba ngày qua, hàng nghìn phương tiện đường thủy huy động để đi tìm dân, cứu dân, hỗ trợ lương thực, nước uống cho dân từ các địa bàn ngập lụt nặng như Thế Lộc, Tân Thành, Hòa Bình (Tân Ninh); Đồng Tư, Long Đại (Hiền Ninh); Phú Vinh, Phú Ninh, Trung Quán (Duy Ninh) đến các xã Hàm Ninh, An Ninh, Võ Ninh…
“Với phương châm đi tìm dân, đến với dân, giúp dân, chia sẻ khó khăn, hoạn nạn cùng dân… nên đến thời điểm này, người dân Quảng Ninh cùng nhau cộng đồng đoàn kết, ban đầu vượt qua trận lũ lịch sử này.”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân trao đổi thêm.
Thanh Long- Văn Minh