(QBĐT) - Ngày 19-8, UBND huyện Quảng Ninh tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
![]() |
Năm 2019, huyện Quảng Ninh chịu tác động trực tiếp của các đợt thiên tai làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, sinh hoạt của người dân. Thiên tai đã làm 3 người bị thương, 78 lượt nhà dân bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại 140 triệu đồng; thiệt hại về cơ sở vật chất trường học trên 200 triệu đồng; thiệt hại về y tế và các công trình khác khoảng 200 triệu đồng.
Về sản xuất, toàn huyện có 600ha lúa, 100ha hoa màu, 200ha rau màu các loại và trên 800 tấn lương thực bị thiệt hại, ước tính trên 15,6 tỷ đồng. Tổng thiệt hại về nuôi trồng thủy sản khoảng 9,5 tỷ đồng; thiệt hại về giao thông, thủy lợi, xây dựng ước tính trên 1,5 tỷ đồng...
Từ đầu năm 2020 đến nay, đặc biệt là sau khi triển khai sản xuất vụ hè thu, tình hình nắng nóng kéo dài đã gây hạn hán làm thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của nhân dân. Lốc xoáy xảy ra tại bản Cây Sú, Đá Chát, xã Trường Sơn làm 2 người bị thương, hư hỏng nhà văn hóa bản Cây Su và làm tốc mái 10 nhà dân...
UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến của thời tiết để có biện pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời, góp phần giúp nhân dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, bảo đảm ổn định cuộc sống.
Năm 2020, dự báo tình hình thiên tai sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Để chủ động phòng, chống thiên tai, huyện Quảng Ninh đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban chỉ huy phòng thủ dân sự huyện; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai; rà soát, bổ sung chi tiết phương án, kế hoạch di dân ở những nơi có nguy cơ ngập lụt cao, lũ quét, sạt lở; bảo đảm an toàn hồ đập và công trình thủy lợi trên địa bàn; chú trọng công tác cảnh báo thiên tai và thông tin liên lạc; kịp thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trước mùa mưa lũ; chủ động ứng phó khi xảy ra thiên tai bằng cách huy động mọi lực lượng, phương tiện xử lý tình huống, khắc phục hậu quả, bảo đảm ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, huyện Quảng Ninh đã chuẩn bị phương án phòng, chống thiên tai, phòng thủ dân sự; bảo đảm phương tiện phòng, chống lụt bão như đá hộc, phao cứu sinh, xe tải, tàu thuyền cứu hộ, dự trữ lương thực, thực phẩm và cơ số thuốc... sẵn sàng thực hiện phương châm "4 tại chỗ" khi có thiên tai xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.
Ngọc Khang
(Đài TT-TH Quảng Ninh)