Nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng của mỗi người dân

  • 07:06, 18/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngay từ đầu mùa nắng nóng, các địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR và PCCCR). Tuy nhiên, đây không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, mà còn đòi hỏi ý thức, trách nhiệm của mỗi một người dân, đặc biệt là chủ rừng.   
 Lực lượng bảo vệ rừng tăng cường việc cắm các biển, bảng cấm lửa ở những địa bàn trọng điểm.
Lực lượng bảo vệ rừng tăng cường việc cắm các biển, bảng cấm lửa ở những địa bàn trọng điểm.
Tháng 3 vừa qua, gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở thôn Tân Sơn, xã Sơn Hóa dự định cắt cây keo, tràm để bán. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng và được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, gia đình bà tạm dừng việc khai thác. Bà Liên cho biết: “Gia đình tôi có gần 8ha rừng keo, tràm. Do cần tiền gấp, nên tháng 3 vừa qua, tôi đã quyết định cắt bán sớm. Sau khi keo, tràm được cưa cắt bán, gia đình thường đốt thực bì dọn dẹp rừng để trồng mới.
 
Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, không thể đốt xử lý thực bì để trồng mới nên gia đình tôi quyết định tạm dừng việc khai thác. Trước đây, trong thôn cũng có trường hợp đốt xử lý thực bì, dẫn đến cả diện tích rừng còn lại bị cháy trụi hết cả. Hiện, gia đình tôi mới khai thác được khoảng hơn 1ha, số còn lại chắc phải đợi đến hết mùa nắng này mới khai thác tiếp”.
 
Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa Nguyễn Văn Dũng cho biết, xã hiện có hơn 2.000ha đất rừng, trong đó, rừng tự nhiên hơn 1.300ha, rừng trồng hơn 270ha, diện tích còn lại là đất rừng quốc phòng, đất trống. Vì vậy, thời gian qua, cùng với công tác BVR, UBND xã luôn chú trọng công tác PCCCR, nhất là vào mùa nắng nóng. Với phương châm phòng là chính, ngay từ đầu năm, xã Sơn Hóa đã xây dựng phương án BVR, PCCCR, kiện toàn ban chỉ đạo và các đội xung kích của các thôn.
 
Đến nay, 7/7 thôn trên địa bàn xã đều có đội xung kích PCCCR thường trực 24/24 giờ. Các đội xung kích này là lực lượng nòng cốt, sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về PCCCR, ý thức sử dụng lửa trong rừng, ven rừng và gần rừng, xã Sơn Hóa đã xây dựng biển báo về nội quy, quy định cấm lửa, dựng hệ thống chòi canh, đồng thời, xác định vùng trọng điểm về nguy cơ cháy rừng để có phương án kiểm tra, tuần tra sát với thực tế.
 
“Xác định nguyên nhân cháy rừng chủ yếu do việc đốt xử lý thực bì và người dân đốt ong lấy mật, vì vậy, UBND xã tích cực tuyên truyền vận động người dân hạn chế vào rừng lấy mật và tạm dừng các hoạt động khai thác rừng trong mùa cao điểm nắng nóng. Riêng với diện tích hơn 130ha rừng thông, ngay từ đầu năm, xã cũng đã tổ chức phát thực bì, xây dựng các đường băng cản lửa ở các khu vực xung quanh”, Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa Nguyễn Văn Dũng cho hay.   
 
Về công tác PCCCR cho gần 28.000ha rừng phòng hộ trên địa bàn huyện, Giám đốc BQLRừng phòng hộ Tuyên HóaTrần Khánh Linh cho biết, hầu hết diện tích rừng phòng hộ đều có địa hình hiểm trở, phức tạp, bị chia cắt bởi núi cao, nhiều khe suối sâu, địa bàn ở cách xa khu vực dân cư, việc PCCCR cũng đặt ra cho đơn vị những thách thức không nhỏ.
 
Ngoài yếu tố thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài rất dễ gây ra cháy rừng, thì các hoạt động của người dân, như: vào rừng khai thác lâm sản; săn bắt động vật hoang dã; đốt ong lấy mật; phát, đốt vườn, rừng làm nương rẫy... cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất lớn. Vì vậy, ngay từ đầu năm, BQL đã xây dựng phương án BVR và PCCCR với phương châm “bảo vệ rừng tại gốc”, phòng là chính và tăng cường tuần tra, kiểm tra, tuyên truyền người dân ra vào rừng, đồng thời huy động toàn lực lượng nhân viên, cán bộ cắm chốt, tuần tra 24/24 giờ.
 
BQL cũng đã tăng cường việc cắm các biển, bảng cấm lửa ở các địa bàn trọng điểm. Các trạm bảo vệ rừng xây dựng các kế hoạch chi tiết hàng ngày về công tác BVR và PCCCR. Để giải quyết tình trạng diện tích quản lý, bảo vệ rộng lớn, nhưng lực lượng mỏng, BQL đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, mở rộng thành phần, đối tượng tham gia BVR và PCCCR đến tận cấp thôn, bản. Bên cạnh đó, BQL rừng cũng đã thành lập thêm 2 chốt (chốt đường xuyên Á và chốt đường đào thuộc trạm Khe Nét) nhằm kiểm soát người dân ra vào rừng.    
 
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa Nguyễn Thế Sơn cho biết, huyện Tuyên Hóa có hơn 96 nghìn ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp (chiếm 85% diện tích tự nhiên) phân bố ở hầu khắp địa bàn của 19 xã, thị trấn. Trong đó, rừng tự nhiên có diện tích hơn 79 nghìn ha; đất có rừng trồng hơn 11 nghìn ha; đất chưa có rừng quy hoạch lâm nghiệp gần 6 nghìn ha. Điều đó đã đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác BVR, đặc biệt là công tác PCCCR.
 
Cùng với địa hình đồi núi cao (chiếm 78%), vào mùa cao điểm nắng nóng, lớp thảm thực vật trong rừng và ven rừng là nguồn vật liệu cháy rất dễ bắt lửa, nguy cơ gây ra cháy rừng rất cao. Đặc biệt, mùa nắng nóng cũng là thời điểm người dân vào rừng khai thác các lâm sản phụ, như: mật ong, măng, mây rừng..., nếu sơ suất, bất cẩn một chút, nguy cơ cháy rừng rất dễ xảy ra. 
 
Hàng năm, mặc dù chính quyền các địa phương và chủ rừng đã tích cực triển khai xây dựng phương án PCCCR cụ thể, phù hợp với điều kiện địa phương, nhưng do ý thức PCCCR của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa cao nên tình trạng cháy rừng vẫn còn xảy ra. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 5, huyện Tuyên Hóa đã chuyển trạng thái từ phòng cháy sang chống, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.
 
Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo các trạm, kiểm lâm viên phụ trách các địa bàn tham mưu cho chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách trong PCCCR; rà soát, hoàn thiện các phương án PCCCR phù hợp tình hình thực tế địa phương; thường xuyên cập nhật thông tin, tổ chức tuyên truyền, cảnh báo cháy rừng; tích cực tuần tra, canh lửa 24/24 giờ; đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.
 
D.C.H
 

tin liên quan

Bắc Bộ, Trung Bộ nắng nóng tiếp tục gia tăng, có nơi đặc biệt gay gắt
Bắc Bộ, Trung Bộ nắng nóng tiếp tục gia tăng, có nơi đặc biệt gay gắt

Ngày 18-6, chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 6-7 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Còn ý kiến khác nhau về bổ sung biện pháp ngừng cung cấp điện, nước
Còn ý kiến khác nhau về bổ sung biện pháp ngừng cung cấp điện, nước
Biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
 
Đường sắt Sài Gòn giảm 50% giá vé cho khách hàng
Đường sắt Sài Gòn giảm 50% giá vé cho khách hàng

Để thực hiện chương trình kích cầu, khuyến khích hành khách đi lại dịp hè, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn triển khai chương trình kích cầu "4.600 vé giảm giá 50%" cho hành khách đi tàu từ ngày 22-6 đến hết 8-7.