(QBĐT) - Ngày 11-6-1948, giữa cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”. Để hiểu thêm về những giá trị vĩnh hằng của Lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”, phóng viên Báo Quảng Bình đã có buổi trò chuyện với ông Mai Xuân Toàn, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng (TĐ-KT) tỉnh.
P.V: Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người đặt nền móng cho công tác TĐ-KT mà còn luôn đổi mới công tác này cho phù hợp với điều kiện cách mạng của đất nước trong từng thời kỳ nhằm khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo và sự nỗ lực, cố gắng của nhân dân. Xin ông hãy giúp bạn đọc Báo Quảng Bình hiểu rõ hơn về nội dung này!
Ông Mai Xuân Toàn: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng, kiến tạo phong trào thi đua yêu nước (TĐYN) ở Việt Nam. Người coi thi đua như một phương cách hữu hiệu để phát huy lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước được bộc lộ, thể hiện trong hoạt động lao động sản xuất, chiến đấu hàng ngày của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Thi đua chính là những biểu hiện rõ ràng nhất, cụ thể nhất của lòng yêu nước, là một tiêu chí để đánh giá lòng yêu nước của mỗi cá nhân.
Người nói: “Những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Theo Bác, thi đua là để công việc ngày hôm nay phải tốt hơn hôm qua. Mục tiêu thi đua của mỗi cá nhân, cơ quan, ngành, địa phương đều phải gắn liền với những công việc hàng ngày. Mỗi người, trước hết cần hoàn thành thật tốt những nhiệm vụ của mình. Tổng của những thành tích cá nhân, đơn vị, các cấp, các ngành, địa phương sẽ làm nên thành quả chung của cả nước.
Để khích lệ phong trào thi đua, Bác luôn quan tâm đến hoạt động tổng kết phong trào và công tác khen thưởng, tạo sự phấn khởi cho những người thực hiện phong trào thi đua. Bác nói: “Nếu coi thi đua là gieo hạt thì khen thưởng là thu hoạch. Khen thưởng sẽ tạo động lực cho thi đua…”.
Thực tế cho thấy, công tác TĐ-KT có vị trí, ý nghĩa, vai trò quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Thời gian qua, từ Trung ương đến địa phương đều tổ chức nhiều phong trào TĐYN. Mỗi lĩnh vực, ngành, nghề có những phong trào thi đua khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu chung là góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
![]() |
P.V: Quảng Bình được xem là nơi ra đời của những khẩu hiệu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ồng có thể khái quát vài nét cơ bản về nội dung trên?
Ông Mai Xuân Toàn: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là giai đoạn chống chiến tranh phá hoại (1965-1973), Quảng Bình (cùng với Vĩnh Linh) là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa nên phải đảm nhận những sứ mệnh lịch sử lớn lao.Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Quảng Bình, quân và dân tỉnh ta đã kiên cường bám địa bàn, bám làng để sản xuất, chiến đấu, lập nên những chiến công xuất sắc, dẫn đầu miền Bắc về thành tích tiêu diệt máy bay và tàu chiến Mỹ.
Ngay từ khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc (7-2-1965), trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được của đợt sinh hoạt “10 năm Quảng Bình giải phóng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức hội nghị cán bộ toàn tỉnh, lấy ý kiến nhân dân về quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Trong báo cáo gửi Trung ương Đảng, Tỉnh ủy khẳng định: “Dù trải qua hy sinh, gian khổ ác liệt mấy đi nữa, quân và dân Quảng Bình quyết giữ vững tinh thần, phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của Bình-Trị-Thiên khói lửa, sẵn sàng trước mọi thử thách, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Ngày 17-7-1965, quân và dân Quảng Bình đạt thành tích bắn rơi 100 máy bay Mỹ được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen “tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Nhằm chuyển hóa thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành sức mạnh trong thực tiễn, tháng 11-1965, Tỉnh ủy Quảng Bình phát động phong trào thi đua “Hai giỏi” (chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi), làm dậy lên khí thế thi đua cách mạng quần chúng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, ngành và địa phương. Từ Quảng Bình, phong trào thi đua “Hai giỏi” được nhân rộng thành cao trào trong cả nước.
Trong sản xuất nông nghiệp, những khẩu hiệu như “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Địch đến là đánh, địch đi là sản xuất”, “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “Mất cây này, trồng cây khác”… được các hợp tác xã quán triệt tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã viên. Trong công nghiệp, công nhân các nhà máy, xí nghiệp tích cực tham gia phong trào “Sáng kiến, góp công, dốc lòng, hiến kế”, hợp lý hóa sản xuất giành danh hiệu “Kiện tướng”, “Dũng sỹ” trong lao động sản xuất…
Kế thừa truyền thống đó, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, để vươn lên thành tỉnh khá của cả nước, Quảng Bình đã đề ra nhiều khẩu hiệu, phương châm hành động cách mạng nhằm viết tiếp trang sử mới của phong trào thi đua “Hai giỏi”.
![]() |
P.V: Những năm gần đây, việc thực hiện các phong trào TĐYN và công tác TĐ-KT đã có những bước chuyển tích cực cả về nội dung, hình thức và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Ông có thể khái quát về những thành tựu trong phong trào TĐYN của tỉnh thời gian qua?
Ông Mai Xuân Toàn: Phát huy truyền thống của quê hương “Hai giỏi”, toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các phong trào TĐYN. Vì vậy, trong những năm qua, nhất là từ năm 2015 đến nay, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình trọng yếu của tỉnh đề ra đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Nền kinh tế ổn định và liên tục tăng trưởng. Du lịch dần trở thành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng nông thôn mới vượt chỉ tiêu đề ra. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thu hút nhiều nhà đầu tư. Bộ mặt đô thị định hình rõ nét. Lĩnh vực văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực. Quốc phòng-an ninh được giữ vững.
Nhiều phong trào thi đua được đông đảo quần chúng nhân dân và cán bộ công chức, viên chức, lao động tích cực hưởng ứng. Qua đó, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sỹ thi đua và các tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng các danh hiệu, hình thức khen thưởng cao quý, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Đặc biệt tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Quảng Bình (1-7-2019), tỉnh ta vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Hiện tại, toàn tỉnh đang tiếp tục triển khai hiệu quả 4 phong trào thi đua trọng tâm: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Đặc biệt, tỉnh đang phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ V.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nhật Văn (thực hiện)