Mong lắm một cây cầu...

  • 10:05, 06/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân sinh sống ở thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy và làng Mới, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy bị chia cắt bởi con suối từ vùng tràn của hồ Thanh Sơn chảy về. Để thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất, học tập cho con em, người dân nơi đây đã bỏ công sức, tiền bạc tự làm cầu tạm. Cây cầu tạm bằng ván thô sơ này tiềm ẩn những rủi ro nhưng đây chính là phương án duy nhất để người dân và các em học sinh nơi đây có thể đi lại…
 
Dẫn chúng tôi đi xem cây cầu tạm bằng ván thô sơ do người dân nơi đây tự bỏ tiền ra làm từ năm 2017, ông Lê Thuận Xuân, trưởng thôn Thanh Sơn cho biết, cây cầu này hàng ngày có không biết bao nhiêu lượt người qua lại, từ việc đi chợ, sản xuất nông nghiệp cho đến việc đi học hàng ngày của các em học sinh.
 
Bởi là cây cầu tạm, nên hằng năm vào mùa mưa lũ, cây cầu đều bị nước lũ cuốn trôi, do vậy, người dân nơi đây lại phải sửa cầu ít nhất là một lần trong năm. Mặc dù tốn công, tốn tiền nhưng vẫn buộc phải sửa vì đây chính là con đường duy nhất để 25 hộ dân với khoảng hơn 100 khẩu đang sinh sống ở thôn Thanh Sơn và làng Mới có thể đến trung tâm xã, sản xuất nông nghiệp; đồng thời cũng là con đường duy nhất để 60 em học sinh đến trường.
 
“Mấy năm trước trụ cầu được làm bằng cọc gỗ nên dễ bị nước cuốn trôi, năm 2017, người dân ở đây đã huy động được 40 triệu đồng để đúc mấy trụ bê tông chôn dưới suối rồi đúc đà gác lên và lót ván gỗ thô sơ rộng khoảng 1,5m, dài chừng 10m bắc qua suối để cho người dân đi lại và các cháu đi học được thuận tiện hơn. Mặc dù biết rất nguy hiểm nhưng cũng không còn cách nào khác…", ông Xuân chia sẻ.
Người dân qua lại bằng cầu tạm không an toàn trong mùa lũ.
Người dân qua lại bằng cầu tạm không an toàn trong mùa lũ.
Anh Ngô Văn Đức, thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy, người thường xuyên qua lại trên chiếc cầu tạm này cho biết, mùa hè nước hồ Thanh Sơn ít nên người dân, các cháu học sinh và các phương tiện vận tải có thể đi qua con suối này được. Nhưng trong mùa mưa lũ, học sinh, người dân phải đi cầu ván đóng tạm nên rất nguy hiểm, đã có rất nhiều trường hợp người dân và các em học sinh đi qua cầu bị rơi xuống suối này, có trường hợp tử vong.
 
Cũng theo anh Đức, gia đình anh có 3 cháu đang theo học tại trung tâm xã Thái Thủy, hằng ngày, các cháu đến trường đều phải đi qua lại cây cầu này. Để bảo đảm an toàn, mỗi ngày, trước khi đến trường, anh thường xuyên nhắc nhở các con đặc biệt cẩn thận khi qua cầu, nhất là khi trời mưa to, gió lớn.
 
Em Ngô Văn Thành, học sinh lớp 8 (trường THCS Thái Thủy) chia sẻ: Hằng ngày, em đến trường đều đi qua cầu tạm. Tuy nhiên, khi đến mùa mưa lũ thì không dám đi lại trên cầu vì sợ rơi xuống nước. Em đã từng bị rơi xuống nước đến 5 lần, có lần phải nhập viện điều trị. Bởi vậy, vào mùa mưa, mỗi lần đến trường, chúng em đều phải đi bộ trên đường sắt Bắc-Nam mất khoảng 1 tiếng đồng hồ để đến lớp…
 
Theo ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy, hàng chục năm nay, người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong giao thông vì không có cây cầu bắc qua suối vùng tràn của hồ Thanh Sơn. Người dân cũng đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên chính quyền địa phương. Tuy nhiên, vì nguồn lực địa phương có hạn nên không thể đầu tư xây dựng cầu kiên cố mà chỉ hỗ trợ, vận động nhân dân làm cầu tạm để đi lại.
 
“Chính quyền địa phương đã làm tờ trình gửi các ban, ngành chức năng đề nghị xây dựng một cây cầu kiên cố để nhân dân thôn Thanh Sơn và làng Mới thuận lợi hơn trong sinh hoạt, sản xuất, học sinh đi học an toàn, nhưng đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu gì…”, ông Văn chia sẻ.
N.Hải- X.Vương

tin liên quan

Phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Tự giác, thích nghi và không chủ quan
Phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Tự giác, thích nghi và không chủ quan

(QBĐT) - Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Quảng Bình dần trở lại nhịp sống bình thường. Và mặc dù là một tỉnh "trắng" về dịch bệnh Covid-19 cho đến thời điểm này, nhưng chúng ta không được phép chủ quan. 

Lễ đón hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Lào
Lễ đón hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Lào

(QBĐT) - Ngày 5-5, tại cột mốc 528 trên khu vực Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Ban Công tác đặc biệt tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ đón hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở nước CHDCND Lào.

Thời tiết ngày 6-5: Nắng nóng gia tăng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, có nơi trên 41 độ C
Thời tiết ngày 6-5: Nắng nóng gia tăng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, có nơi trên 41 độ C

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển mạnh và mở rộng về phía Đông Nam kết hợp với hiệu ứng phơn nên ngày 6-5 ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C.