Đoàn kết, sát cánh bên nhau vì sự công bằng, tiến bộ xã hội

  • 08:05, 01/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hàng năm, đúng vào ngày 1-5, người lao động trên toàn thế giới lại cùng nhau kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động. Đây là sự kiện có ý nghĩa trên toàn thế giới bởi nó khẳng định, bảo vệ và tôn vinh các lợi ích chính đáng của người lao động, cổ vũ họ đoàn kết, sát cánh bên nhau đấu tranh cho sự công bằng, chính nghĩa. Ngày 1-5 còn được xem như là ngày vinh danh những anh hùng lao động đã có những cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước, quốc tế.
 
Ngày 1-5-1886, tại thành phố Chicagô (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn Lao động Mỹ”, công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tố chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân, chính quyền tư sản rơi vào thế bị động. Ngày 3-5-1886, hơn 6.000 công nhân tổ chức bãi công mít tinh, biểu tình nhưng những người bãi công phản đối, bị cảnh sát đàn áp, 9 công nhân bị giết, 50 bị thương nặng, gây chấn động thành phố. Ngày 4-5-1886, một cuộc mít tinh khổng lồ diễn ra ở Quảng trường Hay-mác-két để phản kháng hành động của cảnh sát. Lấy cớ đó chính quyền mở cuộc khủng bố lớn, hơn 200 người chết và bị thương, nhà tù chật ních những người tham gia đấu tranh.
Khu vực trung tâm TP. Đồng Hới được trang trí hệ thống băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày Giải phóng miền Nam 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5.
Khu vực trung tâm TP. Đồng Hới được trang trí hệ thống băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày Giải phóng miền Nam 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5.
Những cuộc biểu tình tại Chicagô diễn ra ngày càng quyết liệt. Các xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt... Vụ tàn sát đẫm máu sau ngày 1-5-1886, gây nên chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới. Ở Mỹ nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra tại các thành phố lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân Chicagô. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan... tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ. Hơn một năm sau, ngày 11-11-1887, các thủ lĩnh của cuộc đấu tranh bị chính quyền treo cổ. Tuy phong trào bị đàn áp, nhưng chính phủ buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ.
 
Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14-7-1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1-5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1-5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động.
 
Lật lại những trang sử của Việt Nam, từ thập niên 30 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam qua những tác phẩm của mình, giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ hơn về phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và Ngày Quốc tế Lao động 1-5, biểu hiện sự đoàn kết với vô sản, cần lao quốc tế. Đến tháng 2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công-nông.
 
Phong trào đấu tranh ngày 1-5-1930 mở đầu cao trào cách mạng 1930-1931. Từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân cùng với nông dân mít tinh biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới. Đây là lần đầu tiên, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi toàn quốc đoàn kết đấu tranh tỏ rõ sức mạnh vô địch, nghị lực phi thường của khối liên minh công-nông.
 
Sau khi giành được độc lập, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1-5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 1-5-1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động 1-5 được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.
 
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là sau hơn 30 năm đổi mới, cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước.
 
Công nhân, lao động nước ta đã tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước đảm đương, làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức. Nghị quyết số 20/NQ-TW, Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng ta xác định “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
 
Trong những năm gần đây, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách; chủ động sáng tạo, đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt để thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo công nhân viên chức lao động và hành động sát thực hơn, ý nghĩa hơn với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Với những bước đi, hành động thiết thực, những chuyển biến mạnh mẽ và vững chắc trong hơn 90 năm qua, khẳng định hệ thống Công đoàn cả nước đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy rõ vị trí, vai trò, chức năng là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của cán bộ, đoàn viên với phương châm “ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn”.
 
Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và giai cấp công nhân Việt Nam, kỷ niệm 134 năm Ngày Quốc tế Lao động, giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta nguyện đoàn kết, sát cánh cùng công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
 
H.C

tin liên quan

Xảy ra hiện tượng động đất ở huyện Quảng Trạch
Xảy ra hiện tượng động đất ở huyện Quảng Trạch

(QBĐT) - Sáng 30-4, ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xác nhận có hiện tượng động đất 3,6 độ Richter khu vực phía Đông huyện Quảng Trạch ở độ sâu 8,4km, đồng thời ảnh hưởng đến một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa cho cựu TNXP
Khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa cho cựu TNXP

(QBĐT) - Chiều ngày 29-4, Công ty cổ phần nhựa Bình Minh (TP. Hồ Chí Minh) và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) đã khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa cho 2 cựu TNXP ở thôn Lộc Xá, xã Sơn Thủy.

"Sát cánh cùng người lao động, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn!"
"Sát cánh cùng người lao động, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn!"

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày Quốc tế Lao động 1-5 và khởi động "Tháng công nhân" năm 2020, Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Quang Long, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ) về các hoạt động chăm lo, đồng hành cùng đoàn viên (ĐV) và người lao động (NLĐ), đặc biệt là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.