(QBĐT) - Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, dẫn đến một bộ phận người lao động (NLĐ) bị cắt giảm việc làm. Trong thời điểm khó khăn này, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được coi là một “cứu cánh”…
Số người nộp hồ sơ nhận BHTN tăng 35%
Đến nộp hồ sơ hưởng các chế độ BHTN ở Trung tâm Dịch vụ việc làm (trực thuộc Sở LĐ-TB và XH), chị Cao Thị Hồng Duyên (ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, Công ty Nhôm toàn cầu Việt Nam (địa chỉ ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)-nơi chị làm việc, buộc phải cắt giảm lao động, khiến chị mất việc làm. Chị Duyên đã quyết định trở về quê, chờ qua dịch sẽ tìm việc làm mới. “Tôi đã chốt xong sổ BHXH và đang làm thủ tục và chờ nhận trợ cấp BHTN theo quy định”, chị Duyên cho hay.
Dịch bệnh Covid-19 làm nhiều doanh nghiệp “điêu đứng” vì mất đơn hàng, giao thương đóng băng, tiến độ sản xuất ngưng trệ…, buộc phải cắt giảm nhân lực, vì vậy, tỷ lệ NLĐ mất việc làm cũng tăng rất cao. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm (nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ BHTN cho NLĐ-PV), từ đầu năm đến nay, số lượng NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp BHTN tại trung tâm là 1.250 hồ sơ, tăng 35% so với cùng kỳ. Hiện tại, trung tâm đã hoàn thành hồ sơ và có quyết định hưởng các chế độ BHTN cho 1.070 người, đồng thời gấp rút hoàn thành kịp thời những hồ sơ còn lại cho NLĐ.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm nhận định, khả năng trong thời gian tới, số lượng NLĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp BHTN sẽ còn tăng cao vì những "dư chấn" lâu dài của dịch bệnh Covid-19.
Giúp sức cho NLĐ
Anh Đinh Tú Nam, ở xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, công ty nơi anh làm việc cắt giảm nhân lực, nên anh bị mất việc làm. Anh Nam làm thủ tục hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và trong thời gian mất việc ở nhà, số tiền trợ cấp từ nguồn đóng BHTN, dù chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, nhưng cũng giúp anh trang trải phần nào cuộc sống.
Không chỉ có vậy, khi đến đây, anh Nam còn được tư vấn, giới thiệu việc làm và hiện anh đang tích cực phối hợp với trung tâm để lựa chọn việc làm phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân để sau khi hết dịch có thể đi làm việc trở lại. “Trong lúc chờ hết dịch bệnh và tìm công việc mới, không có thu nhập, BHTN thực sự là “cứu cánh” của mình lúc khó khăn này.”, anh Nam tâm sự.
Theo Bộ LĐ-TB và XH, ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự nên số lượng NLĐ thất nghiệp tăng cao. Vì vậy, trong 6 nhóm chính sách được Bộ đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nổi bật nhất là nhóm chính sách về BHTN. Theo đó, sẽ tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp, NLĐ được tạm dừng đóng BHTN và tập trung miễn hoàn toàn đóng BHTN cho những người bị mất việc, bị dừng việc do tác động của Covid-19. Bên cạnh đó, sử dụng kết dư của quỹ BHTN để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cho NLĐ.
BHTN là một chính sách rất nhân văn của Nhà nước nhằm hỗ trợ, giúp đỡ NLĐ thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động. Trong 11 năm qua, chính sách BHTN đã phát huy được vai trò của mình, đặc biệt là trong thời điểm NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19.
Không nên nhận BHXH một lần
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cùng với việc nộp hồ sơ hưởng BHTN, một số lao động gặp khó khăn đã lựa chọn hưởng BHXH một lần để có một khoản chi tiêu trước mắt, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam đã khuyến cáo, NLĐ không nên vì khó khăn trong đợt dịch bệnh Covid-19 mà chọn hưởng BHXH một lần, vì sẽ "lợi trước mắt, thiệt thòi lâu dài".
Theo đó, khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, NLĐ sẽ có nhiều thiệt thòi do các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu.
Nếu nhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Như vậy, NLĐ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có thu nhập để bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, hoặc nếu khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu, nhưng do thời gian đóng BHXH ít, số tiền lương hưu sẽ thấp, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động.
Trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu (độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người), NLĐ được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí (người nghỉ hưu có lương hưu không phải tự mua thẻ BHYT) và được hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Ngược lại, nếu nhận BHXH một lần, khi về già nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, NLĐ có thể phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí KCB chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài…
Theo phân tích của BHXH, việc nhận BHXH một lần là phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn. BHXH Việt Nam khuyến cáo: "NLĐ cân nhắc khi quyết định nhận BHXH một lần, đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già ".
Cơ quan BHXH tư vấn: “Để giải quyết những khó khăn trước mắt do dịch bệnh Covid-19, trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, NLĐ làm hồ sơ hưởng BHTN để được nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề, đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ gói an sinh của Chính phủ thay vì nhận BHXH một lần".
Phan Phương