(QBĐT) - Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), giúp người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ) và các tầng lớp nhân dân có cách nhìn mới về hoạt động này trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế.
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc” sẽ là thời gian cao điểm để các doanh nghiệp hưởng ứng nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ và bảo vệ tài sản của doanh nghiệp.
Theo ông Đoàn Xuân Toản, Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hàng năm, UBND tỉnh đều kiện toàn Ban chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ và xây dựng, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án về ATVSLĐ. Công tác tuyên truyền cũng được các cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức đa dạng, giúp người sử dụng lao động và NLĐ nâng cao ý thức và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.
Các ngành chức năng và địa phương cũng tăng cường phổ biến, hướng dẫn, tập huấn cho chủ sử dụng lao động, NLĐ về công tác ATVSLĐ. Cùng với đó, các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp trọng điểm, có nhiều lao động và tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ... giúp các doanh nghiệp nhận thức được trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật.
Qua theo dõi, kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương. Hầu hết, các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Tiêu biểu, như: Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình, Công ty Xăng dầu Quảng Bình, Nhà máy Xi măng sông Gianh, Xí nghiệp Chế biến gỗ Phú Quý, Công ty Bê tông thương phẩm Tiến Phát, Xí nghiệp May xuất khẩu Hà-Quảng…
![]() |
Là doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực môi trường, điện chiếu sáng công cộng và thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn TP. Đồng Hới, Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình có tổng số 219 lao động, trong đó có 148 lao động nữ. Ông Phạm Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, xác định ATVSLĐ luôn gắn với sự phát triển của đơn vị và tạo sự bền vững, gắn bó, cống hiến của NLĐ nên công ty chú trọng thực hiện tốt công tác này.
Cụ thể, đơn vị triển khai các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ hàng năm; thực hiện chế độ tự kiểm tra về công tác an toàn lao động, bảo hộ lao động; thường xuyên khai báo trước khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; thống kê, báo cáo định kỳ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật; tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ... Nhờ đó, các phong trào thi đua lao động sản xuất, xanh-sạch-đẹp và bảo đảm ATVSLĐ mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức và chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật. Đáng kể, một số doanh nghiệp chưa thành lập bộ phận phụ trách ATVSLĐ, mạng lưới an toàn vệ sinh viên và phân công cán bộ phụ trách công tác bảo hộ lao động chưa đúng quy định; công tác tuyên truyền, tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ còn hạn chế; hoạt động huấn luyện ATVSLĐ của các doanh nghiệp còn hạn chế so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn; nhiều chủ doanh nghiệp chưa quan tâm, đầu tư chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ; phần lớn nông dân lao động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chưa được thông tin, huấn luyện về cách phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Chính vì vậy, số vụ tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2019 đến ngày 2-5-2020, toàn tỉnh xảy ra 52 vụ tai nạn lao động làm 53 người bị nạn, trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 12 vụ (13 người chết) và 40 người bị thương nặng. Mặt khác, tại các doanh nghiệp, công tác tổ chức khám và lập hồ sơ quản lý bệnh nghề nghiệp cho NLĐ chưa thực hiện đầy đủ. Minh chứng rõ nét, toàn tỉnh hiện chỉ có 25 người đang hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, chủ yếu là hồ sơ nơi khác chuyển về. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu như chưa lập hồ sơ sức khỏe thông qua khám định kỳ nhằm phát hiện các trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp để NLĐ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp…
Để khắc phục những hạn chế nói trên, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 (từ ngày 1 đến 31-5-2020) với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh yêu cầu các hoạt động hưởng ứng tập trung hướng về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và NLĐ. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và NLĐ trong công tác cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, bảo đảm tính mạng NLĐ.
Ông Đoàn Xuân Toản nhấn mạnh, các ngành, địa phương cần tăng cường triển khai Luật ATVSLĐ, các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến doanh nghiệp, NLĐ; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp và NLĐ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Các doanh nghiệp cần quan tâm nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện ATVSLĐ, tăng cường đầu tư, trang bị các phương tiện bảo hộ và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ nhằm giảm thiểu các nguy cơ mất ATVSLĐ, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, cần xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường lao động, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, NLĐ cũng phải nâng cao nhận thức về quyền lợi của mình trong việc được bảo đảm an toàn lao động, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe, được hưởng các chế độ lao động nặng nhọc, độc hại theo quy định…
Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng cũng góp phần chấn chỉnh, đôn đốc, nhắc nhở các chủ doanh nghiệp củng cố, kiện toàn hội đồng bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn viên và triển khai kế hoạch bảo hộ lao động, các biện pháp an toàn lao động, cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho NLĐ…
Thùy Lâm