Đi giữa mùa xuân…

  • 01:04, 28/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giữa mùa xuân lịch sử năm 1975, có một người thầy thuốc đi dọc chiều dài đất nước, qua nhiều chiến dịch để chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Công việc của ông tuy thầm lặng nhưng đã đóng góp rất lớn để quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Ông là Chu Đình Lũy (SN 1937), ở tổ dân phố Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy.
 
Ông Chu Đình Lũy sinh ra và lớn lên ở xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), trong một gia đình hiếu học, có truyền thống yêu nước. Năm 1959, ông thi đỗ vào Trường đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1965, ông Lũy vừa tốt nghiệp thì lên đường nhập ngũ vào Quân khu 4.
 
Sau một thời gian huấn luyện tại Viện Nghiên cứu y học quân sự, tháng 3-1965, ông được phong quân hàm thiếu úy và nhận lệnh vào chiến trường Quân khu 4. Trong thời gian này, ông chủ yếu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, bộ đội nơi đơn vị công tác.
 
Đến tháng 8-1967, ông được điều động vào chiến trường Quảng Trị thuộc mặt trận B5. Hơn 7 năm ở chiến trường này, ông Lũy đã chứng kiến tất cả những gì thảm khốc nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.
 
Ông kể: “Ngày đó, chiến tranh ác liệt vô cùng. Giặc Mỹ ngày đêm liên tục đánh phá khiến mỗi tấc đất Quảng Trị đều phải gánh chịu đau thương. Người chết, bị thương nhiều vô kể. Có nhiều lúc, bác sỹ trẻ như tôi phải lao ra chiến trường để cấp cứu cho thương binh”.
 
Chiến thắng ở Quảng Trị của quân ta cùng thất bại của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc cuối năm 1972 buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari năm 1973, tạo thế và lực cho quân ta tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giữa mùa xuân lịch sử năm 1975, người chiến sỹ áo trắng đã theo bước chân các đoàn quân tiến về miền Nam với khí thế hừng hực.
 
Sau khi giải phóng Huế-Đà Nẵng, ông vào Ninh Thuận, Bình Thuận, đến Đồng Nai theo khẩu lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sỹ". Khẩu lệnh đó như là kim chỉ nam, tạo thêm quyết tâm, động lực để ông cùng đồng đội tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù, giải phóng miền Nam. 
Ông Chu Đình Lũy (đứng thứ hai hàng đầu từ phải qua) trong đội phẫu thuật E27, chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971.
Ông Chu Đình Lũy (đứng thứ hai hàng đầu từ phải qua) trong đội phẫu thuật E27, chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971.
Ngày 25-4-1975, đơn vị ông Lũy nổ súng tấn công và chiếm đóng Long Thành (Đồng Nai), tạo bàn đạp để đưa pháo vào đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Tiếp tục hành quân đến Nhơn Trạch thì đơn vị gặp sông Đồng Nai.
 
Đêm 29 rạng sáng ngày 30-4, quân ta được lệnh vượt sông để tiến vào Sài Gòn nhưng phà Cát Lái đã bị bắn phá hư hỏng không thể vượt qua được. Tại đây, có 11 tàu chiến của địch treo cờ trắng xin đầu hàng. Quân ta cho xe lội nước đến vận động phối hợp để đưa người qua sông. Nhưng ra được 1/3 sông thì bị địch bất ngờ nổ súng tấn công. Ngay lập tức, quân ta ra lệnh cho xe quay vào bờ và bắn trả lại làm 10/11 tàu bị cháy, chìm. Quân ta tiến hành sửa chữa phà lại trong đêm và đưa pháo qua trước để cùng 5 cánh quân tiến vào trung tâm thành phố Sài Gòn, đánh các mục tiêu. Ông Lũy lúc này được lệnh ở lại phía sau để tiếp nhận, điều trị cho thương binh.
 
Ông Lũy nhớ lại: “Gần 12 giờ trưa ngày 30-4-1975, khi tôi đang cứu chữa cho một số thương binh ở tuyến sau thì nghe tin các cánh quân đồng loạt tiến công vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Cùng lúc, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh… cũng đã bị ta chiếm khiến tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Nghe tin ấy, tôi và nhiều thương binh mừng lắm! Đến đêm 30-4, tôi mới vượt qua sông Đồng Nai tiến vào quận 2 Sài Gòn. Lúc này, đường phố vẫn rực sáng đèn, người dân hân hoan mừng chiến thắng, còn tôi thì tức tốc đi cứu bộ đội bị thương”.
 
Sau giải phóng miền Nam, non sông nối liền một dải, ông Lũy tiếp tục sang chiến trường Cam-pu-chia, lên biên giới phía Bắc làm nhiệm vụ. Năm 1981, ông rời chiến trường về học lên bác sỹ chuyên khoa 2 tại Học viện Quân y. Học xong, ông được điều về công tác tại Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng đến năm 1988 thì về hưu với cấp bậc trung tá, chức vụ Chủ nhiệm quân y binh đoàn.
 
Thời gian công tác trong quân đội, người chiến sỹ áo trắng đó đã từng 7 lần bị thương. Với những đóng góp đó, người thương binh 2/4 này đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng, trong đó phải kể đến danh hiệu: Chiến sỹ Quyết thắng, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 3 Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, 3 Huân chương Chiến sỹ giải phóng…
 
Phục viên xong, ông Lũy trở về quê vợ ở Lệ Thủy sinh sống. Đến nay, vợ chồng ông có đã 7 lần sinh nhưng chỉ có 3 người con còn sống, trong đó có 2 người mang di chứng chất độc da cam. Năm 2000, ông mở phòng khám nội khoa tại nhà.
 
Ông Đỗ Văn Phán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Lệ Thủy cho biết: “Ông Chu Đình Lũy là hội viên cựu chiến binh hết sức gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động của hội cũng như địa phương tổ chức. Đặc biệt, ông thường xuyên khám và điều trị miễn phí cho nhiều người nghèo, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, hướng dẫn cho bà con trên địa bàn trồng và phát triển cây thuốc nam…"
Xuân Vương

tin liên quan

Khởi động chiến dịch 20.000 việc làm từ xa cho sinh viên
Khởi động chiến dịch 20.000 việc làm từ xa cho sinh viên

Thông tin từ Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam ngày 28-4 cho biết: Để hỗ trợ sinh viên Việt Nam giải quyết vấn đề việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Trung ương Hội phối hợp với nền tảng việc làm TopCV (đơn vị dẫn đầu thị trường Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nhân sự trẻ chất lượng cao cho doanh nghiệp) phát động chương trình "20.000 việc làm từ xa hỗ trợ sinh viên Việt Nam" tại địa chỉ trang thông tin điện tử: sinhvien.vieclamtuxa.vn.

Sẻ chia chống dịch
Sẻ chia chống dịch

(QBĐT) - Để cùng nhân dân và cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19, những ngày qua, nhiều tổ chức công đoàn (CĐ) trong tỉnh đã có các hoạt động quyên góp, ủng hộ tiền mặt và trang thiết bị y tế cho các trung tâm cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh.

[Infographic] Vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội bị xử phạt ra sao?
[Infographic] Vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội bị xử phạt ra sao?

Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực. Một trong những nội dung đáng quan tâm là quy định mới về hình thức, mức xử phạt với hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.