Huy động mọi nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội

  • 02:02, 28/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2019, thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, Quảng Bình đã đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống, tạo việc làm, tăng cường khả năng tự vươn lên thoát nghèo của người dân. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho hộ nghèo được thực hiện đồng bộ, thiết thực, mang lại hiệu quả rõ nét trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
 
Theo ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2019 là năm "nước rút" có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình hành động số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 1500 của UBND tỉnh về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020.
 
Vì vậy, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trong năm qua được thực hiện hiệu quả với sự nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị, cộng đồng và phát động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội. Đặc biệt, tỉnh đã ưu tiên tập trung nguồn lực, chủ động triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội giảm nghèo theo quy định của Trung ương, của tỉnh, như: tín dụng, bảo hiểm, y tế, giáo dục-đào tạo, trợ giúp pháp lý, nhà ở…
Chương trình vay vốn tín dụng tạo điều kiện cho hộ nghèo ttiếp cận nguồn vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, tăng thu nhập và thoát nghèo
Chương trình vay vốn tín dụng tạo điều kiện cho hộ nghèo ttiếp cận nguồn vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, tăng thu nhập và thoát nghèo
Chương trình vay vốn tín dụng được đánh giá là chính sách an sinh có nhiều ưu điểm nhất, có ý nghĩa nhân văn cao cả, đi vào cuộc sống nhanh nhất, hiệu quả nhất. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, hỗ trợ hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn và chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong thực hiện nhiệm vụ huy động nguồn lực tài chính và tổ chức đưa kịp thời mọi nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. 
 
Nhờ đó, năm 2019, NHCSXH đã thực hiện hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho trên 2.850 hộ nghèo với doanh số cho vay gần 138,9 tỷ đồng, hơn 4.950 hộ cận nghèo với doanh số cho vay trên 267 tỷ đồng và 5.390 hộ mới thoát nghèo với doanh số cho vay đạt 298 tỷ đồng... Chính sách vay vốn tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, tăng thu nhập và vươn lên trong cuộc sống.
 
Tiêu biểu có gia đình anh Đỗ Trung Hiếu ở thôn Vĩnh Tuy 2, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh). Những năm trước đây, gia đình anh Hiếu rất khó khăn và được hỗ trợ nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh. Từ đó, gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng và thiết bị máy móc để gia công các loại áo, quần xuất khẩu. Đến nay, anh Hiếu đã tạo dựng được mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao với lợi nhuận đạt 150-200 triệu đồng/tháng và giải quyết việc làm cho 60 lao động ở địa phương, có mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
 
Ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết, với phương châm “Hộ gia đình thực hiện xây dựng, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ”, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã huy động các nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp để người nghèo có động lực sửa chữa, xây mới nhà ở. Trong năm qua, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ Cứu trợ, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã hỗ trợ cho người nghèo với tổng trị giá 22,4 tỷ đồng, gồm: xây dựng 175 nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo bị thiệt hại do thiên tai bão lũ; xây dựng 58 nhà bè vượt lũ cho hộ nghèo, cận nghèo ở xã Tân Hóa (Minh Hóa); sửa chữa 7 nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Xà Khía, xã Lâm Thủy (Lệ Thủy)...
 
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3.168/3.620 hộ nghèo (đạt 87,5%) được hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung với kinh phí 86,3 tỷ đồng; 1.444/2.980 hộ nghèo (đạt 48,46%) vay vốn làm nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 với tổng nguồn vốn giải ngân gần 36,1 tỷ đồng.
 
Có thể nói, các chính sách an sinh xã hội dành cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ có hoàn cảnh khó khăn được Quảng Bình thực hiện công khai, dân chủ và hợp lòng dân, có nhiều tác động tích cực, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống người dân, góp phần đáng kể cho công tác giảm nghèo của tỉnh. Nhờ đó, năm 2019, toàn tỉnh giảm 4.905 hộ nghèo (giảm 2%), giảm số hộ nghèo từ 17.298 hộ (chiếm 6,98%) đầu năm 2019 xuống còn 12.393 hộ (chiếm 4,98%) đầu năm 2020.
 
Thùy Lâm
 

tin liên quan

Một lao động Quảng Bình tử vong tại Hàn Quốc
Một lao động Quảng Bình tử vong tại Hàn Quốc
(QBĐT) - Sáng 27-2, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch xác nhận, một người đàn ông địa phương vừa tử vong khi đang lao động tại Hàn Quốc.
 
Phát huy vai trò "cầu nối nhân ái"
Phát huy vai trò "cầu nối nhân ái"

(QBĐT) - Những năm qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Lệ Thủy đã đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện, thực hiện tốt vai trò là "cầu nối những tấm lòng nhân ái" để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, tạo điều kiện cho họ vươn lên trong cuộc sống.

Đường xuống cấp, dân bất an
Đường xuống cấp, dân bất an

(QBĐT) - Đoạn đường từ chắn đường sắt thuộc Km 540+070 đến cây xăng Nam Long (xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh) dài hơn 200m. Thời gian qua, đoạn đường này xuống cấp nghiêm trọng do phải "gánh" một lượng xe lưu thông lớn, trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông.