(QBĐT) - Những năm gần đây, bên cạnh nguy cơ tai tai nạn giao thông từ các loại xe ô tô, xe đạp điện đã trở thành một mối nguy lớn. Tình trạng các em học sinh sử dụng xe đạp điện ngang nhiên vượt đèn đỏ, tạt đầu xe, dàn hàng ngang, xem thường các quy định về an toàn giao thông diễn ra hàng ngày. Người tham gia giao thông đã có nhiều phản ảnh về thực trạng này, trong đó có các ý kiến về vai trò của phụ huynh, nhà trường và cơ quan chức năng đối với việc sử dụng xe đạp điện nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
Khi được hỏi về những nguy cơ gây mất an toàn giao thông, rất nhiều người kể đến phương tiện xe đạp điện với những tình huống nguy hiểm cụ thể mà cá nhân họ đã gặp. Chị Trần Ngọc Linh, phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới) cho biết, chỉ vì tránh chiếc xe đạp điện do một cô bé học trò điều khiển lao qua trước mũi xe mà chị bị ngã và xây xát.
Mặc dù bản thân chị luôn ý thức được nguy cơ từ loại phương tiện này nhưng do thường xuyên lưu thông trên đường nên khó tránh khỏi những tình huống nêu trên. “Dù bị ngã và xây xát toàn thân nhưng tôi vẫn cảm thấy may mắn vì hậu quả chưa quá nặng nề. Những trường hợp như thế, nếu xe đạp điện đối đầu với ô tô và người lái ô tô không xử lý kịp thì hậu quả sẽ khó lường!”.
Tình huống chị Linh gặp phải là khá phổ biến. Đặc biệt, trong một số trường hợp, bản thân các cháu học sinh sử dụng xe đạp điện vi phạm các quy định về an toàn giao thông và gây ra tai nạn, nhưng với lý lẽ kiểu “xe to bồi thường cho xe nhỏ, ô tô bồi thường cho xe máy, xe đạp”, có bậc phụ huynh đã yêu cầu người lái ô tô, xe máy phải đưa các cháu đi bệnh viện kiểm tra và bồi thường các chi phí về thuốc men, điều trị, sửa xe.
“Việc các cháu vi phạm các quy định về an toàn giao thông là sai, gây nguy hiểm cho người đi đường, bố mẹ các cháu không nhận ra cái sai mà còn đòi hỏi người bị hại phải bồi thường, tôi cho rằng hành vi này là sai chồng sai.
![]() |
Là phụ huynh, trong những trường hợp như thế cần tìm hiểu kỹ, rút kinh nghiệm và giáo dục con mình để các cháu tham gia giao thông bảo đảm an toàn cho bản thân và người đi đường thay vì “ăn vạ” kiểu như trên!”, chị Nguyễn Thị Hoài Phương, phường Đồng Mỹ (TP. Đồng Hới), chia sẻ.
Rất nhiều ý kiến đồng tình với chia sẻ của Linh và chị Phương. Họ đều thấy rõ nguy cơ của xe đạp điện bởi đặc điểm của loại phương tiện này và cách thức điều khiển của chủ nhân xe đạp điện. “Không có âm thanh, tốc độ lại lớn, chủ phương tiện hầu hết là học sinh THCS và THPT, thậm chí có cả học sinh tiểu học, các cháu chưa nắm rõ các quy định của Luật Giao thông đường bộ nên dễ dàng gây ra những hành vi nguy hiểm.
Đi xe trên đường không ít lần tôi cảm thấy giật mình khi bỗng dưng xuất hiện những chiếc xe đạp điện của các cô cậu học trò với tốc độ không thua kém xe mô tô. Và tôi cũng đã bị tai nạn từ một trong những tình huống như thế. Nên chăng các bậc phụ huynh và nhà trường cần giáo dục, quản lý con em mình để các cháu cẩn trọng hơn trong tham gia giao thông!”, anh Đặng Mai Chi, phường Hải Thành (TP. Đồng Hới) cho biết thêm.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, xe đạp điện được áp dụng là xe thô sơ do đó không có quy định về hành vi điều khiển xe đạp điện đối với người dưới 16 tuổi. Đây cũng là điểm bất cập của việc quản lý xe đạp điện và xử lý các hành vi liên quan. Trung tá Hồ Ngọc Nhất, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự, Công an TP. Đồng Hới cho biết, thành phố Đồng Hới là địa bàn có số lượng xe đạp, xe máy điện lưu thông lớn, người sử dụng phương tiện chủ yếu là các em học sinh.
Quá trình tuần tra, kiểm soát bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn, đơn vị đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm như chở quá số người cho phép, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, tránh vượt sai quy định… Cùng với việc xử phạt, đơn vị đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở các cháu chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông.
“Việc chưa có quy định về hành vi điều khiển xe đạp điện đối với người dưới 16 tuổi là thực tế bất cập ảnh hưởng đến công tác quản lý phương tiện xe đạp điện nói riêng, trật tự an toàn giao thông nói chung. Trên thực tế, dù được xếp vào loại xe thô sơ nhưng tốc độ của xe đạp điện có thể lên đến 50km/giờ.
Người điều khiển là học sinh, trong đó nhiều cháu vừa không nắm luật, vừa chưa đủ sức khỏe nên gây tai nạn cũng là điều dễ hiểu. Hiện cơ quan chức năng đang có các kiến nghị về vấn đề này để quản lý hiệu quả xe đạp, xe máy điện, bảo đảm an toàn giao thông!”, trung tá Hồ Ngọc Nhất cho biết.
Bên cạnh công tác quản lý, xử phạt hành vi và phương tiện vi phạm của cơ quan chức năng, nhiều ý kiến cho rằng, gia đình và nhà trường cần tích cực vào cuộc để hạn chế tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của các em học sinh khi điều khiển xe đạp điện. Anh Đinh Ngọc Hà, phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới) trao đổi: Cá nhân tôi không phủ nhận sự tiện dụng của loại phương tiện này.
Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho con em mình cũng như người tham gia giao thông, phụ huynh cần có sự trao đổi, giáo dục, giám sát con em mình để các cháu tuân thủ các quy định an toàn giao thông. Bên cạnh vai trò của phụ huynh, nhà trường cũng tăng cường công tác tuyên truyền, gắn các hành vi vi phạm trong điều khiển xe đạp điện của học sinh với các phong trào thi đua của trường, lớp để các cháu nâng cao ý thức trong tham gia giao thông, bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng!”.
Ngọc Mai