Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020

  • 04:12, 25/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 25-12, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2019; triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020 với sự tham gia của 63 điểm cầu trên cả nước. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. 
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020 tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020 tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan.
 
Theo báo cáo của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, năm 2019, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành chương trình công tác với 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện cụ thể. Với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, năm 2019, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực.
 
Bộ LĐ-TB-XH đã hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao với chất lượng được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị khoảng 3,12% (kế hoạch dưới 4%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62% (KH 60-62%), trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,3% (KH giảm 1-1,5%) so với cuối năm 2018, riêng các huyện nghèo giảm gần 5% (KH giảm 4%). Bộ đã hoàn thành 100% đề án, nhiệm vụ được giao trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
 
Các nhiệm vụ của ngành cũng có bước tiến so với năm 2018, như: giải quyết việc làm cho trên 1,6 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch; chất lượng và hiệu quả dạy nghề ngày càng được nâng lên; huy động nguồn lực xã hội, cộng đồng chăm lo đời sống người có công với cách mạng; thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội... Qua hơn 3 năm triển khai đã rà soát, xem xét trên 6.000 hồ sơ tồn đọng, trong đó, đã xác nhận trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý cho đối tượng...
 
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác của ngành LĐ-TB-XH còn một số tồn tại, khó khăn, thách thức, như: công tác quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn hạn chế; chất lượng giáo dục nghề nghiệp chuyển biến chậm, chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội; tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được khắc phục hiệu quả; còn những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống gây bức xúc, nhất là tình trạng xâm hại trẻ em, phụ nữ, bạo lực gia đình… 
 
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã điểm lại những thành tựu nổi bật về kinh tế-xã hội năm 2019, trong đó có đóng góp quan trọng của toàn ngành LĐ-TB-XH. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành vừa quyết liệt, vừa linh hoạt và sự đoàn kết thống nhất, dân chủ của tập thể lãnh đạo Bộ, trong đó có vai trò của người đứng đầu, để đạt được kết quả đề ra. 
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trên cơ sở Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu tham mưu và thực hiện công tác hoàn thiện thể chế với trọng tâm là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, nhất là về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong doanh nghiệp và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp, nâng cao mức sống người dân; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu của thị trường…
 
Bộ LĐ-TB-XH cần thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành đối với các đối tượng người có công với cách mạng và đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn; tiếp tục quan tâm tới công tác bình đẳng giới, hướng tới thu hẹp khoảng cách giới và bảo đảm bình đẳng giới trong tổng thể các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình…
 
 N.L

tin liên quan

Tăng lương từ 1-1-2020 cho một số đối tượng
Tăng lương từ 1-1-2020 cho một số đối tượng

Từ 1-1-2020, mức lương tối thiểu vùng mới tăng từ 5,1% đến 5,7% so với quy định hiện hành.

Đề xuất bổ sung 3 gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn
Đề xuất bổ sung 3 gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn

(QBĐT) - Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội vừa trình Chính phủ đề án thực hiện thí điểm bổ sung 3 gói bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đối với 3 chế độ: thai sản, ốm đau, trợ cấp gia đình/trẻ em. Mục đích chính của đề xuất này nhằm tăng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện và giúp người tham gia có thể hưởng quyền lợi trong thời gian ngắn hạn, linh hoạt, tránh phải chờ đợi nhiều năm như trước đây.

Mổ dê 10 năm tuổi, phát hiện dị vật nghi "dương bảo"
Mổ dê 10 năm tuổi, phát hiện dị vật nghi "dương bảo"

(QBĐT) - Khi mổ con dê 10 năm tuổi, nặng 40kg, một người dân tại huyện Minh Hóa đã phát hiện một dị vật 4cm, nặng 100g trong dạ dày con dê. Theo nhiều người, đây là "dương bảo" quý hiếm.